Không gian sông Sài Gòn đang bị thu hẹp

Chiều 10/9, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Quy hoạch và phát triển bờ kè Sông Sài Gòn và sông, rạch, kênh nội thành…” Đến dự, còn có Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân. 

{keywords}
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng, Hội thảo nhằm phát huy sáng kiến của các chuyên gia và tìm kiếm các giải pháp để hoàn thành cơ bản kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành vào năm 2025.

Theo ông, hệ thống sông ngòi có vai trò quan trọng trong sự phát triển của TP. Tuy nhiên, TP đang đối mặt với nhiều thách thức như, quá trình đô thị hoá gây nên tình trạng sạt lở, sụt lún; hệ thống quản lý chưa đồng bộ khiến các bờ sông đang bị lấn chiếm, xây dựng nhiều dự án cao tầng… Do đó, việc đặt ra các giải pháp ứng phó và phát huy tiềm năng của phần không gian dọc các sông, rạch… làm đô thị đẹp hơn, tận dụng tiềm năng này góp phần phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực bất động sản (BĐS).

Tư duy quy hoạch không gian các bờ sông phải nhìn vào thực tiễn của TP, làm không gian mở công cộng, kết hợp phát triển các dự án kinh tế. TP tận dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 để thu hút các nguồn lực đầu tư, xã hội hoá trong xây dựng, giao thông, du lịch… dọc các bờ sông.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, điểm nhấn đặc sắc của TP là sông Sài Gòn và các kênh, rạch nội thành và khu vực ngoại thành. Đây là nguồn tài nguyên quý giá mà tự nhiên ban tặng cho TP, chẳng những có giá trị cao về cảnh quan, môi trường, giao thông, mà nếu có cơ chế chính sách phù hợp thì còn tạo ra nguồn lực lớn về kinh tế và phát triển du lịch.    

{keywords}
Phó chủ tịch Võ Văn Hoan phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch tổng thể, chưa được kè bờ và tình trạng sông rạch bị lấn chiếm, bị sạt lở, bị ô nhiễm nghiêm trọng đã làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân TP, nhất là các đối tượng sống trên và ven kênh rạch.

Để khai thác tiềm năng kinh tế của quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch cần phải có các điều kiện sau đây: Có quy hoạch tổng thể quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch, bao gồm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Đi đôi với kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp theo từng giai đoạn. Xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác kinh doanh quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch để thực hiện thống nhất. Thực hiện phương thức đối tác công - tư, xã hội hóa đầu tư để huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia thực hiện các dự án trong hành lang bảo vệ sông rạch và kè bờ.

“Hiện nay, đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM, Hiệp hội đề nghị TP chỉ đạo rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, trước hết là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các kênh, rạch nội thành; Không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn át sông Sài Gòn, hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững”, ông Châu cho biết.

Hàng loạt kiến nghị cấp bách

Thay mặt Hiệp hội, ông Châu kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để quy định giao đất cho chủ đầu tư dự án đến mép bờ cao sông rạch. Đồng thời quy định cơ chế quản lý quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch.

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng quy định thực hiện quy hoạch chi tiết phân khu đối với bờ kè và hành lang bảo vệ sông rạch trên địa bàn đô thị nhằm tôn tạo cảnh quan, môi trường, phát huy lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội trong quá trình khai thác, sử dụng quỹ đất ven sông rạch và nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP cho biết, nếu tận dụng tốt, có quy hoạch phù hợp thì không gian dọc các bờ sông sẽ tạo cơ hội phát triển du lịch đường thuỷ, vận tải hành khách thuỷ, các dự án BĐS nằm trong quy hoạch chỉnh trang đô thị… 

{keywords}
Các dự án cao tầng như một bức tường thành bức tử không gian sông Sài Gòn.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra nhiều mặt hạn chế như, tính định hướng kết nối chưa được quan tâm đúng mức do chưa có quy hoạch tổng thể, chưa đặt các dòng sông làm trọng tâm cho quy hoạch. Chất lượng quy hoạch còn hạn chế, chưa có yếu tố khai thác dọc hành lang bờ sông. Thiếu đồng bộ quản lý, gây nên tình trạng lấn chiếm vào mục đích cá nhân, như làm bến tàu thuyền, nhà hàng, quán xá… lấn chiếm mà chưa có giải pháp xử lý.

Ông Nhã cũng cho rằng, việc quản lý các dự án xây dựng dọc các bờ sông, cần khung pháp lý phù hợp để triển khai việc tận dụng nguồn tài nguyên dọc các bờ sông cho sự phát triển của TP bằng các dự án mang lại hiệu quả kinh tế.

Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng nhìn nhận, phát triển không gian dọc các bờ sông phải lấy dòng sông làm điểm nhấn. Nếu tận dụng phù hợp, không gian dọc các bờ song không chỉ mang lại hiệu quả về cảnh quan đẹp cho đô thị, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho TP.

Theo UBND TP, khối lượng công tác chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch còn lại rất lớn, phải di dời và tái định cư nhà trên và ven kênh rạch hơn 20.000 căn hộ. Trong đó, có Dự án Kênh Tẻ - Nam Kênh Đôi trên địa bàn các quận 4,7,8 phải di dời và tái định cư hơn 5.050 căn hộ. Dự án Rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh có hơn 2.100 căn hộ. Dự án Rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh 827 căn hộ. Dự án Rạch Bần Đôn, quận 7. Dự án Kênh Tham Lương - Bến Cát thuộc các quận 12, Tân Bình, Gò Vấp... 

Thành lập Ban Quản lý phát triển đô thị TP.HCM

Thành lập Ban Quản lý phát triển đô thị TP.HCM

UBND TP.HCM vừa thành lập Ban Quản lý Phát triển đô thị Thành phố trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm TP.HCM và Ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị Tây Bắc TP.HCM.

 Hồ Văn