Theo chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Bright City, việc dồn tòa khiến nhiều khách hàng có thể phải nhận căn hộ không đúng mong muốn song đây là phương án khả thi cuối cùng.


Như VietNamNet đã thông tin về dự án nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (tên thương mại là Bright City), theo kế hoạch dự án Bright City sẽ được bàn giao vào cuối năm 2017, nhưng đến nay, dự án này đã dừng thi công nhiều tháng nay. Điều này khiến khách hàng vô cùng bức xúc.


Lo lắng của khách hàng càng bị đẩy lên cao khi chủ đầu tư thông báo muốn hủy toàn bộ hợp đồng vì không có khả năng hoàn thành dự án. Trước những bức xúc, lo lắng của khách hàng, ngày 26/4, đã diễn ra cuộc họp 4 bên gồm: chủ đầu tư Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Tây Hà Nội, đại diện UBND huyện Hoài Đức và hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án Bright City để bàn về phương án và các giải pháp để tiếp tục triển khai dự án.

{keywords}
Cuộc họp 4 bên về dự án Bright City diễn ra ngày 26/4.


Tại cuộc đối thoại, khách hàng đã nêu ra hàng loạt các vấn đề trong đó chất vấn chủ đầu tư về nguồn tiền cư dân nộp chủ đầu tư đã sử dụng ra sao. Một trong những vấn đề cư dân quan tâm hiện nay là phương án để hoàn thiện các căn hộ cho khách hàng.


Trả lời các câu hỏi của cư dân, ông Bùi Viết Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long lý giải, dự án bị dừng triển khai nhiều tháng nay do sự thay đổi về chính sách, dẫn đến những khó khăn về nguồn vốn. Theo ông, dự án được chủ đầu tư bỏ tiền ra để mua đất trước khi được chuyển đổi thành nhà ở xã hội vào năm 2015. Do đó, dự án vốn không được hưởng ưu đãi về thuế đất khi tham gia xây dựng.


Cũng theo vị Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long, đến khi dự án được chuyển đổi thành nhà xã hội năm 2015 nhằm hưởng ưu đãi về lãi suất thấp, khoảng 5% mỗi năm từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư vẫn phải tự ứng vốn tự có theo quy định là 20%, còn lại Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Hà Nội sẽ cho vay với hạn mức 1.100 tỷ đồng, nhưng số tiền giải ngân tối đa chỉ được 420 tỷ. Tuy nhiên, khi dự án mới được giải ngân 300 tỷ thì chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo gói 30.000 tỷ đồng kết thúc. Trong bối cảnh dự án đang được xây dựng dở dang nên chủ đầu tư phải chấp nhận vay theo lãi suất thương mại theo mức 9,3% mỗi năm.


Ông Sơn cho biết, hiện chủ đầu tư chỉ được hưởng ưu đãi 5% với 182 tỷ, còn lãi vay trên 230 tỷ đồng là vay lãi suất thương mại. “Chúng tôi đang phải chịu nghịch lý là xây nhà ở xã hội nhưng vay lãi suất thương mại” - ông Sơn nói.


Hết ưu đãi gói 30.000 tỷ đồng, việc bán hàng của dự án cũng gặp khó khăn khi mới bán được 40% trong tổng số gần 2.000 căn hộ. Số tiền chủ đầu tư đã thu của khách hàng nộp theo tiến độ (70%) là trên 300 tỷ đồng. Dẫn ra những số liệu đó, ông Sơn lý giải số tiền đã thu của khách hàng, vay nhà băng và vốn tự có chủ đầu tư đã đổ toàn bộ vào dự án bởi đang có 4 tòa đang được xây dựng dở dang.


“Chúng tôi không mang tiền của khách hàng đi đâu. Chúng tôi không lừa đảo” - ông Sơn nói.
Để giải quyết tình hình hiện tại, phía chủ đầu tư đưa ra đề xuất phương án các khách hàng dồn lại 2 tòa để chủ đầu tư tiếp tục bỏ vốn tự có và vốn vay 260 tỷ đồng lãi suất thương mại để xây dựng trước.


Với phương án này, 162 khách hàng đã mua tòa A2 sẽ dồn sang tòa A1.1 và tòa A1.2 có thể chọn những căn tương đương nhưng khác tầng so với ban đầu. “Một số khách hàng có thể chịu thiệt hơn song nếu chấp nhận chuyển, dồn tòa thì chúng tôi mới có đủ nguồn vốn để hoàn thiện dự án”, ông Sơn nói.


Tuy nhiên, nhiều khách hàng đặt câu hỏi, nếu dồn tòa cũng đồng nghĩa khách hàng phải chấp nhận lấy căn hộ xấu hơn căn hộ đã mua, vậy chủ đầu tư có trả phần tiền chênh lệch này không? Lý giải về điều này, ông Sơn cho biết, nhà ở xã hội là do cơ quan quản lý duyệt và tất cả các căn hộ đều có cùng một giá bán, vì thế chủ đầu tư không thể bù giá để trả phần chênh cho khách hàng và cũng không có cơ sở nào để tính toán điều này.


Giấc mộng an cư có thành “bánh vẽ”?


Trước đề xuất của chủ đầu tư, một số ý kiến khách hàng đồng tình với việc dồn tòa song lại đưa ra điều kiện phải có đơn vị đứng ra bảo lãnh tiến độ thực hiện dự án vì đã quá mất niềm tin ở chủ đầu tư sau bao lần thất hứa.


Nhiều khách hàng cho biết họ cần có phương án cụ thể về việc dồn tòa đổi căn. “Mong muốn lớn nhất là nhận được nhà nhưng phải có sự bàn giao đồng thời giữa hai tòa A1.1 và A1.2 đồng thời chủ đầu tư cũng phải ký cam kết thực hiện có cả đại diện chính quyền địa phương và phía ngân hàng” - một khách hàng đặt vấn đề.


Ông Lê Hữu Hoàng - Giám đốc BIDV Tây Hà Nội cho biết, trong giai đoạn dự án chậm tiến độ, nhà băng sẵn sàng cơ cấu nợ vay của chủ đầu tư và khách hàng mua nhà, giãn số tiền nợ gốc phải trả, chưa thu lãi vay để giảm áp lực tài chính cho khách hàng đến khi nhận được bàn giao. Theo ông, nhà băng sẽ tiếp tục tài trợ vốn bằng cách điều chỉnh tăng giới hạn cho vay đối với dự án từ 423 tỷ đồng lên 640 tỷ đồng để chủ đầu tư có thể thi công tiếp, hoàn thiện bàn giao nhà cho khách hàng.


BIDV cũng sẽ phối hợp với chủ đầu tư xây dựng gói lãi suất ưu đãi cho khách hàng mới vay mua nhà với lãi suất 4,8% mỗi năm trong vòng 3 năm. Ông cho rằng, việc hỗ trợ này sẽ giúp chủ đầu tư bán được hàng, có doanh thu mới, giúp dự án có thể tái khởi động lại được.


Phương án cụ thể về việc xây dựng hai toà nhà A1 cũng như việc di dời cư dân từ tòa A2 sang A1 như thế nào, đại diện Bright City hứa hẹn sẽ đưa ra phương án trong thời gian sớm nhất sau ngày 1/5. 

Uỷ ban Pháp Luật của Quốc hội đề nghị Bộ Xây dựng thông tin


Ngày 26/4 vừa qua, Uỷ ban Pháp Luật của Quốc hội đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng trong đó cho biết, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận được đơn thư của nhiều công dân của Hà Nội có cùng nội dung khiếu nại về việc chậm bàn giao nhà, dừng thi công dự án Bright City. Ủy ban Pháp luật chuyển đến Bộ Xây dựng số đơn nói trên để xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Đồng thời đề nghị Bộ trao đổi, làm việc với các cơ quan có liên quan và thông tin về vụ việc chậm nhất là ngày 15/5. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Pháp luật có thể xem xét đến việc tổ chức giải trình theo quy định.

  

Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (tên thương mại là Bright City) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư. Dự án vốn là dự án nhà ở thương mại, nhưng trong suốt quá trình triển khai, dự án đã nhiều lần “đắp chiếu” và đến năm 2014 chủ đầu tư đã xin chuyển dự án này sang dự án nhà ở xã hội. AZ Thăng Long là dự án nhà ở xã hội nằm trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.

Quy mô dự án gồm 4 tòa nhà cao 35 tầng (A11, A12, A2, A3) với 1.496 căn hộ, cung cấp chỗ ở cho khoảng 4.500 cư dân. Chủ đầu tư cam kết hoàn thành bàn giao nhà quý III hoặc quý IV/2017. Người mua nhà được áp dụng phương thức thanh toán thành 8 đợt.
Đây là dự án nhà ở xã hội trọng điểm của Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội.

 Hồng Khanh 

Khách hàng lo lắng nguy cơ đổ vỡ dự án Bright City

Khách hàng lo lắng nguy cơ đổ vỡ dự án Bright City

Kế hoạch bàn giao nhà cho khách hàng vào cuối năm 2017 của dự án nhà ở xã hội Bright City (AZ Thăng Long) có nguy cơ đỗ vỡ khi chủ đầu tư thi công chậm chạp.

Cẩn trọng "sập bẫy" mua nhà ở xã hội của "cò" đất

Cẩn trọng "sập bẫy" mua nhà ở xã hội của "cò" đất

Tin lời hứa của “cò” đất, không ít khách hàng phải bỏ tiền chênh hàng trăm triệu đồng để có suất mua nhà ở xã hội (NOXH). 

Nhà ở xã hội vừa nhận đã rao bán chênh nửa tỷ đồng

Nhà ở xã hội vừa nhận đã rao bán chênh nửa tỷ đồng

Dù quy định không được phép bán nhà ở xã hội sau 5 năm kể từ ngày ký hợp đồng, nhiều khách vừa nhận nhà đã rao bán với giá chênh lệch 400-500 triệu đồng/căn.

Nhà ở xã hội đang tiềm cận giá nhà thương mại: Do cầu vẫn lớn hơn cung?

Nhà ở xã hội đang tiềm cận giá nhà thương mại: Do cầu vẫn lớn hơn cung?

Thời gian gần đây, giá bán của nhiều dự án nhà ở xã hội đang giữ ở mức cao và có chiều hướng gia tăng tiệm cận dần với nhà thương mại.