- Hồ sơ cấp đất cho các cá nhân bị tố cáo xẻ đất rừng tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có nhiều điều bất thường, có dấu hiệu làm trái các quy định.
Biệt thự mọc trên đất rừng: Vĩnh Phúc thu hồi hết đất
Lạ kỳ Thái Nguyên: Làm đường, xây chùa chồng lên đất rừng
Đất “phình” ra vì… không đo đạc thực tế
Ông Nguyễn Thức (thị trấn Hương Khê) gửi đơn đến các cấp chính quyền Hà Tĩnh tố cáo một số cá nhân chiếm đoạt hàng ngàn m2 đất rừng được Nhà nước giao cho ông từ năm 1991 đem bán với giá hàng tỷ đồng.
Khu vực đất rừng của ông Thức bị xẻ cấp cho người khác |
Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Khê Phan Quốc Lập cho biết, khu vực đất ông Thức tố cáo bị chiếm đoạt liên quan đến 4 hộ dân. Trong 4 hộ dân trên thì chỉ duy nhất một hộ dân được giao đất trước thời điểm ông Thức được giao rừng.
Cụ thể, vào năm 1988 UBND huyện Hương Khê giao cho ông Mai Văn Ngân 1.800m2 đất, đến năm 2013 Phòng TN&MT thực hiện đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Ngân với diện tích 1.950m2.
Vào năm 2014, Phòng TN&MT tiếp tục đo đạc lại thửa đất trên thì bất ngờ diện tích đã “phình” lên hơn 3000m2.
Ông Phan Quốc Lập, Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Khê |
“Sau lần đo đạc thứ 2 diện tích đất của ông Ngân lớn hơn trước, hiện chúng tôi vẫn chưa thực hiện cấp đổi lại GCNQSDĐ theo số liệu đo đạc mới vì phát sinh tranh chấp” – ông Lập nói.
Đáng nói, quyết định giao đất của ông Ngân 1988 có đúng là thửa đất hiện đang chồng lên đất rừng của ông Thức hay không thì cán bộ Phòng TN&MT không thể trả lời. Đặc biệt sau khi PV đưa ra dẫn chứng 4 phía tiếp giáp của quyết định 1988 khác với giấy CNQSDĐ cấp đổi sau này.
Kế bên thửa đất ông Ngân là phần đất của bà Nguyễn Thị Sâm (SN 1944, địa chỉ tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê), đây là thửa đất thứ 2 bị ông Thức tố cáo chiếm đoạt.
Theo hồ sơ, vào ngày 18/8/2003, bà Sâm được UBND huyện Hương Khê cấp GCNQSDĐ mang số hiệu S 982728 với diện tích 1.750m2, trong đó có 300m2 đất ở và 1.450m2 đất trồng cây lâu năm.
Ngày 6/2/2012, UBND xã Gia Phố lấy lý do khi cấp GCNQSDĐ lần 1 cho bà Sâm đã “không đo đạc thực tế”?, do đó xã này có tờ trình gửi UBND huyện xin cấp đổi lại GCNQSDĐ cho bà Sâm từ 1.750m2 lên 3.966m2.
Đất bà Sâm từ 1750m2 cấp từ 2003 đã tăng lên 3966m2 vào năm 2012 |
Việc này nhanh chóng được chấp thuận tại quyết định số 2810/QĐ-UBND ngày 10/8/2012 do Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Trần Sáng ký.
Cùng năm 2003, con trai bà Sâm là ông Ngô Hồng Sơn (SN 1965, lúc đó đang trú xã Hà Linh, huyện Hương Khê) được giao thửa đất diện tích 1.750m2, kề đất bà Sâm. Trong đó có 300m2 đất ở, số còn lại là đất trồng cây lâu năm.
Năm 2011 ông Sơn “tặng” thửa đất này cho ông Ngô Tuấn Dũng (em trai ông Sơn. Đây là thửa đất thứ 3 ông Thức tố cáo bị chiếm đoạt.
Thửa đất cuối cùng mà ông Thức tố cáo bị chiếm đoạt, hiện nay do ông Trần Xuân Thạch đứng tên, thửa đất rừng này có diện tích lên tới 2,1ha.
Bất thường hồ sơ cấp 2,1h đất rừng
Theo đơn tố cáo của ông Thức, thửa đất rừng 2,1ha này do một người tên Tùng (trú thị trấn Hương Khê) chiếm đoạt, sau đó Tùng đã bán lại thửa đất này cho ông Thạch với giá 3,7 tỷ đồng.
28/2/2012 tại tờ trình của UBND xã Gia Phố đề nghị cấp cho ông Thạch 12103m2 |
9 tháng sau, ông Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch thị trấn lại đề nghị cấp cho ông Thạch 21.129m2 |
Trong khi đó, hồ sơ do Phòng TN&MT huyện Hương Khê lưu trữ thể hiện, ngày 28/02/2002, ông Thạch có đơn viết tay gửi chính quyền xã Gia Phố xin cấp 2 ha đất trồng rừng.
Sau khi nhận đơn, chủ tịch xã Gia Phố thời bấy giờ là Nguyễn Văn Lương “bút phê” phía dưới đơn với nội dung: “thống nhất cho làm thủ tục đảm bảo đúng luật đất đai”.
Lá đơn ghi ngày 20/8/2002 của ông Thạch là căn cứ để huyện Hương Khê cấp 2,1ha đất rừng với thời hạn 50 năm |
Tại hồ sơ của ông Trần Xuân Thạch, ngoài đơn xin cấp đất trồng rừng và “bút phê” của lãnh đạo xã Gia Phố từ 2002 thì trong suốt thời gian dài không có bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào thể hiện việc ông Thạch được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giao đất.
Mãi đến năm 2011, xã Gia Phố đã thực hiện làm thủ tục đề nghị cấp GCNQSDĐ cho ông Thạch, với diện tích 12.103m2. Tuy nhiên hồ sơ này chỉ được chấp thuận khi sáp nhập thị trấn với diện tích gần gấp đôi.
Bà Tuyết, cán bộ địa chính UBND thị trấn, người xây dựng hồ sơ cấp đất của ông Trần Xuân Thạch |
Theo bà Lê Thị Tuyết, cán bộ địa chính UBND thị trấn Hương Khê, thời điểm sáp nhập 1 phần địa giới xã Gia Phố về thị trấn, có tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp đất trồng rừng cho ông Thạch.
Tuy nhiên, bà Tuyết cũng thừa nhận, hồ sơ xin cấp 21.129m2 đất rừng của ông Thạch chỉ có duy nhất lá đơn xin giao đất trồng rừng từ 2002.
Còn ông Lập, Trưởng phòng TN&MT thì lí giải, dù thời điểm trước 2012 chưa có cấp thẩm quyền nào cấp đất cho ông Thạch nhưng lá đơn từ 2002 và việc sử dụng đất liên tục, không có tranh chấp là căn cứ để huyện xét cấp đất cho ông Thạch.
Họp xét cấp trước khi có đơn
Sau khi nhận bàn giao, ngày 25/10/2012, hội đồng tư vấn xét cấp Giấy CNQSDĐ thị trấn tiến hành họp, ngoài 8 thành viên trong hội đồng thì có thêm ông Ngô Xuân Ninh (Chủ tịch thị trấn lúc đó).
Tại biên bản họp xét cấp, hội đồng đã thống nhất đề xuất UBND huyện cấp 21.129m2 đất cho ông Trần Xuân Thạch, vị trí tại khoảnh 02, tiểu khu 221.
Biên bản hội đồng tư vấn xét cấp đất cho ông Thạch diễn ra ngày 25/10/2012 |
Đơn đề nghị được giao đất, giao rừng của ông Thạch ngày 27/11/2012 |
Đáng chú ý, hội đồng tư vấn 8 người thì chỉ có 2 người kí vào biên bản là bà Tuyết (cán bộ địa chính) và ông Trần Trí Thảo (Phó chủ tịch thị trấn). Bên cạnh đó, dù không nằm trong hội đồng tư vấn nhưng với vai trò chỉ đạo, ông Ngô Xuân Ninh đã kí và đóng dấu quốc huy vào.
Hồ sơ đất của ông Thạch do UBND thị trấn cung cấp thể hiện, đến 27/11/2012 (sau khi hội đồng tư vấn họp hơn 1 tháng), ông Trần Xuân Thạch mới có đơn đề nghị được giao đất rừng. Và chủ tịch thị trấn Ngô Xuân Ninh xác nhận ở dưới đơn “đất hợp pháp, phù hợp quy hoạch”.
Hội đồng tư vấn xét cấp GCNQSDĐ cho ông Thạch gồm 8 người nhưng chỉ có 2 người kí. Hồ sơ này sau đó được chuyển lên phòng TN&MT thẩm định, và xem đó là hợp lệ |
Cũng trong ngày 27/12/2012, ông Ngô Xuân Ninh đã có tờ trình gửi UBND huyện, đề nghị cấp 21.129m2 đất rừng cho ông Thạch. Tờ trình này chỉ căn cứ vào biên bản hội đồng tư vấn đất họp ngày 25/10.
Hồ sơ bất thường là thế nhưng vẫn lọt qua vòng thẩm định của cơ quan tham mưu về quản lý đất đai của UBND huyện. Đúng 1 tháng sau (28/12/2011), ông Lê Trần Sáng phó chủ tịch huyện kí cấp Giấy CNQSDĐ cho ông Thạch, thời hạn đến 2062.
Lí giải với chúng tôi, bà Tuyết không thể nhớ vì sao chỉ có 2/8 thành viên hội đồng tư vấn xét cấp đất kí vào biên bản. Còn ông Phan Quốc Lập, trưởng phòng TNMT huyện thì cho rằng, xét theo quy định thì biên bản đó là sai và không hiểu sao lại xảy ra sai sót đó.
Duy Quang - Lê Minh (còn nữa)
Kiên Giang: Mở rộng lấy đất rừng làm dự án du lịch ngàn tỷ
Hàng loạt dự án du lịch khủng, quy hoạch trên đất rừng, vừa được UBND tỉnh Kiên Giang chào mời nhà đầu tư, tại “Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào tỉnh Kiên Giang tại TP.HCM”, vào ngày 13/8.
Rao bán cả hòn đảo, đất rừng tại Vân Đồn trên mạng
Nhiều trang web về bất động sản đang rao bán công khai một vài hòn đảo tại Vân Đồn có mức giá từ 4 đến 100 tỷ đồng/đảo
Không lấy đất rừng phòng hộ làm sân golf Vân Đồn
Bộ Xây dựng đề nghị triển khai sân golf Vân Đồn (Quảng Ninh) không lấy đất rừng phòng hộ, đất cư dân lâu đời để làm sân golf.