Những khu tập thể cũ Hà Nội gắn liền với cảm giác hoài cổ, thân thương như thể, trong đó, thời gian ngưng đọng.

Những khu tập thể Hà Nội, một thời là niềm tự hào của những cư dân tập thể, bởi nó là biểu tượng của nếp sống văn minh và thời thượng, là sự công nhận cống hiến của người lao động với cơ quan. Những khu tập thể ở Hà Nội thường được xây từ thời bao cấp, Sau nhiều năm thăng trầm, biểu tượng của sự hiện đại một thời, nay đã trở thành dấu ấn cũ kỹ, trầm mặc của Hà Nội.

Ngắm nhìn những khu tập thể, ngỡ như tất thảy thời gian, những biến động, những dòng chảy đổi thay bên ngoài ngưng đọng lại, ở bên ngoài những ô cửa.

{keywords}

Khu tập thể Khương Thượng, cũng như những khu tập thể khác, một thời là biểu trưng cho bộ mặt hiện đại, nếp sống đầy tự hào của Hà Nội.

{keywords}

Những căn phòng nhỏ bé từng là "tiêu chuẩn" nay không còn đủ cho sinh hoạt của người dân, nên những "ba lô", "chuồng cọp" đua nhau mọc chồi ra ban công.

{keywords}

Tầng 1 - nơi trước kia được đánh giá kém hơn những tầng cao trong các khu tập thể - giờ là những mảnh đất vàng để kinh doanh.

{keywords}

Những cầu thang hẹp với lối giữa được thiết kế dành cho việc dắt xe đạp có lẽ là thứ duy nhất trong các khu tập thể vẫn vẹn nguyên hình hài qua tháng năm.

{keywords}

Chiếc bảng thông báo và những dòng phấn viết tay ở mỗi đầu hồi các tầng cũng còn đó, qua biến đổi thời gian, khiến ta nhớ đến những ngày Hà Nội xưa cũ.

{keywords}

Anh thợ cạo và quầy hàng nho nhỏ nơi một góc tường tập thể cũng là hình ảnh đặc trưng của Hà Nội.

Chẳng cư dân nào sống trong những khu tập thể cũ không nhận ra, niềm tự hào của họ một thời ít nhiều đang cản ngăn họ có một cuộc sống hiện đại, tiện nghi. Họ tâm sự, những căn nhà đã trải vài chục năm mưa nắng thời gian đã xập xệ quá mức, đã trở nên bé nhỏ, bất tiện đến mức họ phải đua ra "chuồng cọp", "ba lô" mới đủ chỗ nằm; đường nước phập phù nên họ phải tự cơi thêm những két nước trên tầng thượng; chỗ phơi phóng hiếm nên nhà nhà đua nhau treo quần áo lủng lẳng giữa sân chung hoặc phơi la liệt qua cửa sổ...

Vô vàn bất tiện là vậy, nhưng thật lạ, người ta cũng yêu những nét "kỳ quặc" đó, để gắn bó với nó, với nếp sống nhẹ nhàng, chầm chậm của một Hà Nội xưa cũ, hoài niệm và đầy tình người.

{keywords}

Khu tập thể Thủy Lợi nổi bật với sân phơi khổng lồ. Tranh thủ ngày nắng ráo hiếm hoi giữa mùa đông, người dân mang quần áo, chăn màn ra phơi phóng.

{keywords}

Theo những người dân sống trong khu này, mỗi nhà tự kéo 3 - 4 dây phơi, tầng tầng lớp lớp trên những ban công.

{keywords}

Có nhà còn sáng tạo ra kiểu dây phơi ròng rọc, khi muốn thu đồ, chỉ cẩn rút dây, tất cả quần áo sẽ tự thu về.

{keywords}

Thấy người lạ đến chụp ảnh khu mình ở, một bác lớn tuổi vui chuyện thắc mắc: "Các cô chú chụp gì thì chụp, viết gì thì viết, đừng bắt chúng tôi không được phơi quần áo ở sân nữa nhé. Biết là luộm thuộm, nhưng chẳng phơi ở đây thì phơi đâu?".

{keywords}

Cũng như những khu tập thể khác, những két nước chi chít trên tầng thượng là cách mà người dân cải thiện chuyện nước phập phù.

Quả thế, cư dân khu tập thể, có lẽ bởi đa phần là những người già, vẫn giữ những thói quen đáng yêu từ thuở cũ. Chẳng ở đâu như những nơi đây, cứ chiều chiều, người dân lại mở toang mọi cánh cửa lớn, cửa nhỏ trong nhà, ra sân chung ngồi hóng gió, chuyện phiếm, đánh cờ, nấu nướng, gội đầu bằng nước vỏ bưởi, bồ kết, ngắm nhìn bọn trẻ lăng xăng nô đùa.

Cũng có lẽ chẳng còn ở đâu, ngoài những khu tập thể cũ, người ta đi vắng nhưng chẳng mang chìa khóa nhà bên mình cho lích kích, mà đem gửi nhà hàng xóm; quần áo của nhà này, nếu gặp trời mưa, sẽ được nhà kia cất hộ; ai có chuyện buồn, chuyện vui cũng được cả xóm xúm vào chia sẻ... Nếp sống "quấn túm" mang hơi hướm của Hà Nội cổ ấy, khó mà tìm được ở ngoài kia, nơi những cao ốc chọc trời, những nhà riêng đóng cửa im ỉm, chuyện nhỏ chuyện to chẳng bao giờ lọt khỏi khe cửa.

{keywords}

Những cầu thang cũ kỹ của khu tập thể Thủy Lợi tạo cảm giác hoài cổ, ngỡ như đã được xây dựng từ lâu, nhưng thực ra, khu này mới có tuổi đời 25 năm.

{keywords}

Chiếc loa phát thanh kể chuyện phố phường mỗi chiều là nét duyên nổi bật của khu tập thể này.

{keywords}

Những chiếc bẫy chuột nhỏ xinh được đặt trên mỗi ban công để ngăn lũ chuột tấn công các ban công ngập hoa cỏ của mỗi nhà.

{keywords}

Chiều chiều, người dân trong khu tập thể lại cùng nhau chia sẻ những hoạt động riêng trong khoảng sân chung.

{keywords}

Một em bé được mẹ cho ăn trước sân.

{keywords}

Cư dân nhí của khu tập thể chạy chơi trong sân phơi - vườn cây xanh - sân chơi của cả khu.

{keywords}

Những bọn nhóc của khu tập thể cũng dạn dĩ, mau miệng và hồn nhiên như nhịp sống của nơi chúng ở. Chúng khoe: "Khu này đã lên ti vi nhiều lần, còn mới được quay clip ca nhạc (MV "Thật bất ngờ" của Trúc Nhân - PV) nữa, mọi người lên mạng mà xem".

{keywords}

Sự nổi tiếng đó khiến khu tập thể Thủy Lợi lọt vào "tầm ngắm" của nhiều bạn trẻ đến tham quan, chụp ảnh.

{keywords}

Sự tò mò và những cuộc thăm bất chợt của những người tò mò ít nhiều "ảnh hưởng" đến những cư dân, họ có nhiều khách hơn, nhưng không phải vì thế mà cuộc sống của họ bị xáo trộn. Cũng như những bông hoa họ trồng trên mỗi ban công tầng nhà, những cư dân tập thể sống bình dị, an nhiên và đầm ấm trong khu nhà cũ kỹ, như thể những xô bồ ngoài kia chẳng thể lọt vào.

Theo Trí Thức Trẻ