Rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng

Sáng 15/9, Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Viện Đào tạo, tư vấn và phát triển kinh tế (IDE) và Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung mội số điều Luật Xây dựng năm 2014.

Hội thảo với chủ đề “Cải thiện môi trường pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản hiện nay” đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại diện cơ quan quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS tại TP.HCM.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho hay, qua 4 năm đi vào thực tiễn, Luật Xây dựng đã bộc lộ những khiếm khuyết, một số định chế không còn phù hợp hoặc cần xây dựng mới nên cần nghiên cứu bổ sung, một trong số đó là quy trình cấp giấy phép xây dựng (GPXD).

{keywords}
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, đóng góp nhiều ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điểu Luật Xây dựng.

Theo ông Châu, quy trình cấp GPXD lẽ ra phải bao gồm trong đó cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật. Thế nhưng theo pháp luật xây dựng hiện nay thì lại tách ra làm 3 quy trình. Tất cả các công trình cấp I (từ 25 tầng hoặc trên 75 mét) trên toàn quốc đều phải được Cục Quản lý hoạt động hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật.

“Điều bất hợp lý là sau khi được thẩm định 2 quy trình trên thì chủ đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ về Sở Xây dựng địa phương để xin cấp GPXD. Quy trình thủ tục hành chính này không hợp lý, tốn nhiều thời gian và công sức của doanh nghiệp”, ông Châu nói.

Một điều bất hợp lý nữa, theo Chủ tịch HoREA là thực tế chủ đầu tư dự án nhà ở còn phải trực tiếp thực hiện thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy tại Cục Cảnh sát PCCC, Bộ Công an và thẩm duyệt cao độ tĩnh không tại Cục Tác chiến, Bộ Quốc phòng. Trong khi Luật Xây dựng quy định trách nhiệm của cơ quan thẩm định thiết kế xây dựng phải chủ động trao đổi thông tin với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hiện Sở Xây dựng TP.HCM đã tích hợp các quy trình thẩm định thiết kế xây dựng váo quy trình cấp GPXD. Nhờ đó đã rút ngắn thời gian cấp GPXD từ 122 ngày xuống còn 42 ngày.

Chủ tịch HoREA cho rằng, Bộ Xây dựng nên tập trung vào việc ban hành quy chuẩn quy hoạch xây dựng, xây dựng hệ thống định mức, đơn giá, suất đầu tư xây dựng, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, tiêu chuẩn quốc gia vế quy hoạch, thiết kế thi công, nghiệm thu công trình… thực hiện hậu kiểm thay vì tiền kiểm. Tóm lại, Luật Xây dựng chỉ nên là luật chuyên ngành về lĩnh vực xây dựng.

Doanh nghiệp “than trời” vì thủ tục

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Đực - TGĐ Công ty CP Xây dựng Địa ốc Xanh (Công ty Địa ốc Xanh) đặt vấn đề: Bộ Xây dựng có đưa việc chống lãng phí vào trong Luật Xây dựng không? Có đánh giá được tai hại của lãng phí trong xây dựng hay chưa?

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Đực phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Ông Đực cho biết, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 6/6/2014 về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh, hướng đến cắt giảm hơn 40% thời gian làm thủ tục hành chính. Nhưng tiếc rằng nghị quyết này bị “chết non”, chưa kịp triển khai thì Luật Xây dựng được ban hành.

“Làm doanh nghiệp rồi mới biết, thời gian làm thủ tục là vô tận. Không phải có miếng đất rồi 2 – 3 năm sau thì làm xong thủ tục. Hiện nay công ty tôi chỉ xin đóng bổ sung tiền sử dụng đất mà mất 2 - 3 tháng chưa xong, chưa kể các thủ tục khác, rất lãng phí thời gian. Một dự án trị giá 200 tỷ đồng, nếu lãi suất 1,5%/tháng thì mỗi ngày chúng tôi phải trả 100 triệu đồng. Tất cả chi phí này đều đánh vào giá thành, tức cuối cùng người mua nhà phải chịu”, ông Đực nói.

Theo TGĐ Công ty Địa ốc Xanh, một vấn đề cần nhắc tới là chống lãng phí về giá thành xây dựng. Hầu hết các công trình xây dựng hiện nay đều lãng phí từ 10%-20%.

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Xuyên - Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình cho rằng, Bộ Xây dựng cũng nên xem xét tích hợp 3 quy trình là thẩm định thiết kế xây dựng cơ sở, thiết kế kỹ thuật và cấp GPXD.

Về cơ quan chuyên môn của nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế và kiểm tra nghiệm thu, trong định nghĩa cơ quan chuyên môn ở dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xây dựng cũng quy định tương tự như luật cũ. Nhưng đặc thù ở TP.HCM là đã thành lập một số ban quản lý khu đô thị mới, như Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ban quản lý Khu đô thị Nam Thành phố.

“Thực tế hiện nay TP.HCM đã phân cấp cho các ban quản lý này thẩm định thiết kế, kiểm tra nghiệm thu. Tuy nhiên chiếu theo Luật Xây dựng thì các ban này không có thẩm quyền. Sở kiến nghị nên bổ sung các ban quản lý khu đô thị mới là cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thực hiện chức năng thẩm định thiết kế, kiểm tra nghiệm thu”, đại diện Sở Xây dựng nêu ý kiến.

Ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết ban soạn thảo dự thảo sẽ tiếp thu các ý kiến của đại diện HoREA, Sở Xây dựng TP.HCM và doanh nghiệp liên quan đến thủ tục pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh BĐS trong dự thảo. Từ đó sẽ có những giải trình trước khi được Quốc hội thông qua.

Phương Anh

Quảng Ninh buộc dừng mọi giao dịch hành chính ở khu đô thị nghìn tỷ

Quảng Ninh buộc dừng mọi giao dịch hành chính ở khu đô thị nghìn tỷ

- UBND tỉnh Quảng Ninh vừa giao UBND TP Hạ Long dừng tất cả giao dịch hành chính đối với Công ty CP xây dựng số 1 Hà Nội, chủ đầu tư dự án KĐT mới Cao Xanh - Hà Khánh B (TP Hạ Long).