Với sự cộng hưởng của truyền thông, mạng xã hội, câu chuyện về những chuyến đi, hình ảnh những vùng đất mới được lan tỏa rộng rãi, tạo nên nguồn cảm hứng khám phá và chinh phục mạnh mẽ trong giới trẻ. Du lịch, “phượt”, “xê dịch”, trải nghiệm dần trở thành một trào lưu, sự lựa chọn thời thượng, một thước đo của sự trưởng thành.

Là người ủng hộ “chủ nghĩa xê dịch”, tôi cũng đã không ngừng đặt dấu chân lên rất nhiều vùng đất mới và gặp gỡ con người mới. Những chuyến leo núi, xuyên rừng, săn mây, rồi những lần khám phá vùng đảo hoang sơ hay những vùng quê nghèo khó... Mỗi nơi tôi đến, mỗi người tôi gặp đều giúp tôi mở rộng cảm quan về cuộc sống, về cách nhìn đời.

Có lần, khi vừa đặt chân đến một vùng núi, tôi bị mất hết tiền nhưng lại nhận được sự cưu mang của những con người nơi đó. Bà con cho ăn, cho uống rồi cung cấp chỗ ngủ miễn phí, còn góp tiền xe để tôi về lại Sài Gòn.

Và đó không phải là lần đầu tiên tôi nhận được ân tình từ người dân địa phương vốn trước đó còn hoàn toàn xa lạ. Những hạnh ngộ ấy khiến tôi thấy mình may mắn, và trên tất cả, nó giúp tôi nhận ra rằng, tràn ngập tin tức, hình ảnh ảm đạm về tội ác, nạn tham nhũng, tệ nạn, giành giật… của người Việt được phản ánh trên truyền thông dẫu có đúng nhưng vẫn chỉ là một góc.

Thế nên, hãy đi để gặp bao “gương mặt Việt” nồng hậu, hiền hành, chất phác, biết yêu thương, biết bao bọc đồng bào. Đi để khám phá không chỉ những vùng đất, để biết đất nước ta đẹp đẽ nhường nào, mà còn khám phá cả con người, để dưỡng nuôi lòng tin vào “những người sống quanh tôi”.

Vùng đất nào cũng mang trong mình một tâm hồn riêng, thấm trong từng thớ đất, phong tục, tập quán, thiên nhiên… Chỉ khi lắng lòng, để “hồn của đất” thấm vào mình, bạn mới cảm nghiệm sâu sắc nơi bạn đặt chân. Bạn sẽ hiểu chính sự khác biệt mới làm nên cá tính, sự quyến rũ của mỗi vùng đất, chứ đâu phải những resort, khách sạn tân kỳ, những công trình xây dựng ngổn ngang. Cũng sẽ không ít khi trở lại, bạn sẽ phải giật mình vì nhiều điều xưa cũ đẹp đẽ từng ghi dấu trong tim bạn đã trở nên trơ trụi và vô hồn. 

{keywords}
Chư Yang Lăk, ở độ cao 1675m, một cung đường cực khó tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin. Ảnh: Lưu Minh Sang

Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào cũng làm giàu có thêm trải nghiệm, không phải sự xê dịch nào cũng tạo nên giá trị. Chúng chỉ thực sự trở nên trọn vẹn khi dù chỉ là một du khách, bạn cũng cố gắng để lưu lại những gì đẹp đẽ nhất mỗi nơi mình đi qua.

Trong một chuyến leo núi Bà Đen, tôi gặp một nhóm các bạn trẻ, mỗi người mang theo một bao đựng rác rất to. Các bạn vừa đi vừa nhặt rác mà những đoàn leo núi khác để lại. Kèm theo đó là những dải băng với câu khẩu hiệu "lên rừng không để lại gì ngoài những bước chân, không lấy gì đi ngoài những bức ảnh".

Những dải băng này treo ở rất nhiều gốc cây trên cung đường từ chân lên đến đỉnh núi như một sự lan tỏa thông điệp mạnh mẽ. Nghĩ lại, hẳn rất nhiều người trong chúng ta từng "hùng hổ" lên tiếng phê phán những hành động thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi, phá hoại cảnh quan, nhưng bao nhiêu người sẽ thực sự hành động để gìn giữ từng vùng đất ta ghé thăm trên quê hương thân thương?

Mặt khác, mỗi hành trình khám phá, trải nghiệm không đơn thuần chỉ là một cuộc rong ruổi, dạo chơi vui vẻ, mà đều hàm chứa cả những rủi ro mà bạn luôn phải chuẩn bị kỹ càng để khi bất ngờ xảy ra có thể đối đầu tốt nhất. Đã có không ít bạn trẻ mãi mãi để lại tuổi thanh xuân, những chuyến đi của tương lai trên những cung đường phượt đẹp choáng ngợp nhưng cũng đầy rẫy nguy hiểm.

Đừng chỉ “xách ba lô lên và đi” một cách đầy ngẫu hứng. Mỗi chuyến leo núi hay xuyên rừng đều cần bắt đầu từ những bước chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch, thể lực, sức bền và kỹ năng sinh tồn, rồi đến kiến thức về địa hình, thời tiết, văn hóa, con người...

Tôi luôn ngưỡng mộ một người anh khóa trên cùng trường đại học, Trần Đặng Đăng Khoa - chàng thanh niên đã và đang rong ruổi vòng quanh thế giới trên chiếc xe máy "cà tàng". Anh đã trở thành một sứ giả truyền cảm hứng cho rất nhiều người dám theo đuổi ước mơ chinh phục.

Để thực hiện được chuyến đi đặc biệt và đầy thách thức, anh đã dành nhiều năm để chuẩn bị mọi thứ, từ thể lực, vốn hiểu biết, ngoại ngữ, tài chính và hơn hết là nuôi dưỡng khát khao... Những bản kế hoạch chi tiết đã được lập với các phương án dự phòng rủi ro.

Vậy đấy, bất kỳ giá trị nào trong cuộc sống cũng đều không tự nhiên mà có. Những hành trình trải nghiệm cũng vậy. Chúng rất tuyệt, rất đáng để bất cứ ai ít nhất một lần thử trong đời. Nhưng muốn chúng tạo ra được giá trị cho bản thân hay cho xã hội thì phải bắt đầu bằng một tâm thế sẵn sàng, nhận thức đúng đắn, hành xử có trách nhiệm - với cộng đồng và trước tiên là với chính mình.

Lưu Minh Sang