- Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông Đào Nhật Đình, chuyên gia về môi trường, người đang làm công việc “dọn vườn” trên Facebook, qua nickname Nhat Dinh.

Ông bắt đầu làm câu chuyện “dọn vườn” trên Facebook (FB) từ khi nào? Nguyên do có phải vì ông cũng từng làm báo không (Đào Nhật Đình từng làm phóng viên của Tạp chí Việt – Mỹ)?

Ông Đào Nhật Đình: Thực ra, tôi làm trong ngành môi trường được hai mươi mấy năm nay rồi. Nhưng gần đây, khoảng từ năm 2015, tôi mới để ý thấy là có nhiều phóng viên chưa hiểu đúng bản chất vấn đề về môi trường. 

{keywords}
Ông Đào Nhật Đình từng làm phóng viên của Tạp chí Việt – Mỹ.

Từ năm 2016 tôi nghỉ việc văn phòng nên có nhiều thời gian hơn để xem xét kỹ những vấn đề ấy. Chẳng hạn, không chỉ nhìn thấy một cái tít mà tôi có thể có nhận định ngay vấn đề đó đúng hay sai được. Để xem một cái tít đúng hay sai, tôi phải xem lại cái nghị định này, cái thông tư kia, hay cái qui chuẩn nọ, và kiểm tra lại trên bản đồ. Nhìn phản ứng của tôi trước các bài viết của phóng viên, cứ tưởng là đơn giản, nhưng tôi phải làm trước tất cả những bước nói trên.

Vả lại, từ năm 2015, FB cũng nhiều người tham gia hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Chứ còn trước đó chỉ có những diễn đàn riêng về môi trường, và những người trong những nhóm nhỏ như vậy chia sẻ với nhau thôi.  

Khi ông chỉ ra những cái sai trên một bài báo, phóng viên viết bài đó có biết được không?

Tôi chủ trương viết lên ai đọc thì đọc thôi.

Do tôi từng mấy năm làm báo nên trong danh sách bạn bè mình cũng có các nhà báo, như anh chẳng hạn. Họ đọc xong thì phản hồi lại cho tôi xem cái đó đúng sai thế nào, tôi đưa dẫn chứng ra để chứng minh nhận định của mình có cơ sở. Cũng có khi nhận định của tôi có hơi chủ quan, bạn bè trên FB họ nói lại, chúng tôi cùng trao đổi để tìm ra chân lý. Nhiều báo đã sửa sau khi tôi nhắc nhở. Cũng có những trường hợp những người trên FB phản ứng rất dữ dội, thậm chí sử dụng những ngôn từ không có trong từ điển, thì việc trao đổi trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Ông hãy cho ví dụ về phản ứng dữ dội của họ, tất nhiên là việc dùng ngôn từ không có trong từ điển thì khỏi nói.

Tôi thường gặp những câu như “ông ăn tiền của doanh nghiệp hay sao mà nhận định thế này”. Hay là “ông ủng hộ Trung Quốc hay sao mà kết luận thế kia, như thế là ngụy biện đấy”. Đối với những trường hợp như vậy rất khó trả lời họ, mặc dù về nghĩa vụ tôi phải trả lời họ.

Ví dụ, gần đây nhất là trên Vietnam News có đăng cái ảnh của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Đúng là ảnh của nhà máy ấy, nhưng là lúc đang xảy ra hỏa hoạn, ống khói đen ngòm, thậm chí còn phát ra lửa nữa.

Đối với những người hiểu biết trong ngành biết là nhiệt điện Vĩnh Tân công suất bao nhiêu, sử dụng công nghệ gì để lọc khói, mà biết khói thải ra có màu gì. Ảnh đấy đăng trong bài không có gì sai, nhưng nó không có tính đại diện, bởi một ngàn ngày mới có một ngày xảy ra hỏa hoạn. Trong khi xem ảnh những độc giả bình thường sẽ nghĩ ngay nhà máy Vĩnh Tân hàng ngày, hàng năm, đều xả khói như vậy. Rất nguy hiểm đối với dư luận nói chung, và còn nguy hiểm hơn nữa là các báo khác cũng không biết, lại lấy ảnh này trên Internet dùng lại. Rất may, nhà báo của Vietnam News đã kiểm tra lại ngày chụp ảnh và đổi sang ảnh khác.

Khi tôi trả lời như vừa nói trên, trên FB từ nhiên có comment kiểu như “ông mắt mù hả, sao không nhìn thấy?” Phản ứng lại, nếu tôi nói “tôi không nói chuyện với những người thiểu năng như vậy” , thế là thành cuộc cãi nhau to. Chứ nếu người ta nói người ta không biết, thì đó cũng là câu trả lời, và tôi sẽ giải thích kỹ hơn để anh ta hiểu.

Hay là có một số người phát biểu rằng các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam hiện nay đều nhập từ Trung Quốc, mà nhập các nhà máy cũ nữa. Tôi phản ứng ngay là cái việc nhập nhà máy cũ hết sức hoang đường, vì, ví dụ như cái lò hơi áp lực 200kg/cm2 (200 bar), có cho tiền cũng không ai dám nhập lò hơi đã sử dụng trên 10 năm.

Vì sao?

Vì lắp lại rồi cho chạy là nó nổ ngay, tôi phân tích như vậy. Chỉ dưới 10 kg/cm2 là còn dùng được, nhưng chi phí vận chuyển đắt vô cùng. Tôi xem ảnh và video những cảnh ở Trung Quốc họ cho nổ mìn phá các nhà máy cũ rồi thu sắt vụn .

Thế nhưng họ phản ứng lại, nói tôi là tay sai của Trung Quốc, chứ không thảo luận vào vấn đề là cái ống của lò hơi đường kính bao nhiêu, độ dày bao nhiêu, thép gì, để chịu được nhiệt độ khoảng 700-800oC với áp lực cực cao…

Tức là số đông các Facebookers không có khái niệm kỹ càng về kỹ thuật liên quan đến môi trường, đúng không?

Có thể có những người biết. Trên diễn đàn cũng có những người rất giỏi. Nhưng, có thể, họ bị cái định kiến át mất cái lý trí.

Thứ hai, cũng có những người muốn có một môi trường sạch hơn, và phản đối tất cả những gì liên quan đến nhiệt điện, họ chỉ muốn ở Việt Nam toàn dùng năng lượng tái tạo thôi. Tôi cũng yêu năng lượng tái tạo, mà muốn như vậy, bắt buộc ta phải có bước nhảy vọt. Nhưng anh thấy đấy , chúng ta mấy lần chưa thành công như mong đợi liên quan đến nhảy vọt rồi. Ví dụ như mía đường, hay xi măng lò đứng, hoặc gần đây nhất là áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 vào xe cộ, khi một số nguồn nhiên liệu còn chưa đạt tiêu chuẩn.

Ông có nhận xét gì về các phóng viên viết về môi trường? Liệu Việt Nam đã đào tạo ra loại phóng viên ấy chưa?

Một số báo đã có phóng viên chuyên viết về môi trường, còn lại đa phần phóng viên tìm các nhà khoa học để hỏi, nhưng cách hỏi thế nào là một vấn đề không nhỏ. Ví dụ, khi chúng ta phát hiện ra một nhà máy, chưa đi vào hoạt động, nhưng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường nêu sẽ sử dụng NaOH (xút) và H2SO4 (a xít). Đáng nhẽ phóng viên, nếu mà chưa hiểu biết, có thể hỏi lại nhà máy họ phải dùng NaOH, H2SO4 để làm gì. Họ sẽ trả lời là quy trình của tất cả các nhà máy trên thế giới đều phải dùng chất đó để điều chỉnh độ pH mà họ mong muốn.

Phóng viên này lại đem câu hỏi đó hỏi một nhà khoa học, rằng một ngày họ sử dụng 4 tấn xút thì sẽ gây tác hại thế nào khi thải ra môi trường. Và nhà khoa học sẽ trả lời là xút là một chất gây ô nhiễm, xút có thể ăn mòn kim loại, có thể giết chết động thực vật, và xút là một chất nguy hiểm… Đấy gọi là cách mà phóng viên hay mắc phải, đáng nhẽ chúng ta phải hỏi ngược, thì họ lại hỏi xuôi.

Một phóng viên khác, cũng theo kiểu hỏi xuôi, đã đặt vấn đề với một nhà khoa học rằng Clo (thường dùng để tẩy trắng) và sau đó chất thải , đưa vào đốt lò hơi sẽ sinh ra chất gì. Nhà khoa học đương nhiên trả lời rằng sẽ sinh ra dioxin, và họ có thể viết ra 3-4 trang giấy về tác hại của dioxin. Thế là được một bài với tít “Độc hại”. Nhưng phóng viên đó không biết một chi tiết là nhà máy đó không dùng công nghệ tẩy trắng bằng Clo.

Tôi phải cảm ơn phóng viên báo chí có được những nguồn tin. Ví dụ như tôi là một kỹ sư môi trường, tôi không thể tự dưng hỏi, với tư cách cá nhân, đối với ngành thủy sản là “các ông cho biết những container thủy sản xuất khẩu bị trả lại là của nhà máy nào, của tỉnh nào”. Họ sẽ không trả lời. Nhưng nếu anh là phóng viên được giao nhiệm vụ viết bài đó, anh có quyền hỏi ngành thủy sản rằng những container bị trả lại chứa loại hải sản gì, được nuôi hay đánh bắt ở những tỉnh nào. Nhờ những thông tin đó mà nhà khoa học được phóng viên hỏi mới nhận định được rằng thủy sản bị nhiễm kim loại nặng từ đâu để có hướng nghiên cứu.

Với những bài báo kiểu như vậy, ông bình luận trên FB thế nào?

Ví dụ, trong một năm Việt Nam bị trả lại 32 ngàn tấn thủy sản, đó là thông tin trên báo. Tôi muốn biết trong đó có bao nhiêu thủy sản nuôi, như cá basa, cá tra, bao nhiêu thủy sản đánh bắt và thuộc những tỉnh nào. Những thông tin đó có liên hệ với một nghiên cứu rất công phu của Nga.

Ở vùng Khabarovsk (Viễn Đông Nga) diện tích rất rộng, nhưng chỉ có mấy triệu dân và vài căn cứ hải quân. Vùng đó rất sạch, nhưng cá hồi ở đó có hàm lượng chì khá cao so với các vùng khác, tuy chưa đến mức độc. Họ đã lấy tất cả số liệu từ các cảng đánh bắt, từ các tàu đánh bắt, để xem là tàu nào đánh bắt ở đâu mà hàm lượng chì cao, và những số liệu đó giúp các nhà khoa học rất nhiều. Họ bắt đầu nghi ngờ một số ngư trường ở đó, và họ cho tàu nghiên cứu hải dương đi đánh bắt ở những nơi nghi ngờ, và phát hiện ra rằng các tàu Nga chỉ đi đánh bắt dọc theo một khe núi lửa gần Kuril – vành đai lửa. Nghiên cứu ở đó, họ phát hiện ra hàng loạt kim loại sau khi núi lửa phun tồn tại dưới dạng ô xít, riêng chì bám được vào các sinh vật phù du, và cá bé ăn chúng, và cá ngừ lớn nuốt cá bé nên bị nhiễm chì.

Qua nghiên cứu của Nga, tôi mới kết luận rằng tìm ra nguồn gốc của kim loại nặng không hề dễ dàng, và những phát hiện chính xác của báo chí sẽ giúp các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân, và có thể giúp loại trừ nguyên nhân đó.

Tức là ông không chỉ “dọn vườn” mà còn cung cấp thêm những thông tin mà thực tế xã hội cần, và báo chí cần phải có thêm những thông tin đó, đúng không? 

Tôi cố gắng cung cấp thêm thông tin.

Cái cách ông làm trên FB nhiều khi cũng biện hộ cho những người bị báo chí chỉ trích?

Không hẳn như vậy. Chủ yếu tôi muốn tìm ra sự thật. Một ví dụ khác về tấm ảnh mà báo chí đăng để chỉ trích một sự việc. Nhân vụ Formosa Hà Tĩnh, có nhiều tờ báo có đăng ảnh cá chết hàng loạt ở Vũng Áng. Tôi mới phát hiện ra đấy là cá nước ngọt chết ở Hồ Nam (Trung Quốc), một người nông dân đang lội xuống đám cá chết, trông rất thảm thương. Tôi nói làm như thế không được, báo chí phải trung thực từ nhân chứng đến hình ảnh. Vietnamnet của anh khôn hơn, họ đăng ảnh lên và nói là ảnh minh họa. Nhưng dù minh họa đi chăng nữa, hình ảnh độc giả thu nhận được lần đầu rất ấn tượng, không thể phai nhạt, dù anh có đính chính kiểu gì đi nữa.

Thông điệp đó nó tồn tại mãi, dù 24 giờ sau tờ báo của anh có thay bằng hình ảnh khác, nó vẫn ở lại trong tâm trí hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn độc giả. 

{keywords}
 ông Đào Nhật Đình, chuyên gia về môi trường, người đang làm công việc “dọn vườn” trên facebook, qua nickname Nhat Dinh.

Trên mạng xã hội, những hình ảnh không chính xác còn có tác hại hơn nữa, bởi lượng views rất lớn, ảnh hưởng vượt xa báo chí. Ví dụ, ảnh một dòng nước đỏ chảy ra khỏi cảng, mà người ta chú thích rằng nước thải của nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh (FHS), có 2,5 triệu lượt views trong vài ngày. Nhưng sau đó, có người khác post lên, nói rằng đó là dòng nước từ cảng Tiên Sa với đầy đủ bằng chứng.

Tuy hồi đó tôi chưa vào FHS, nhưng tôi biết đường thoát nước của nhà máy quy mô như vậy phải có hình dạng ra sao, mỗi lần mưa nước có màu sắc như thế nào nên tôi cũng có ý kiến tương tự. Sau đó, người đăng cái post sai về Formosa có đang tải lời xin lỗi mọi người, nhưng có mấy ai đọc lời xin lỗi ấy! Thông điệp của hình ảnh đã nằm gọn trong tâm trí hơn hai triệu người. Mục đích truyền thông đã đạt được, thậm chí vượt mức nhiều lần.

Người đăng video hầu như không mất công sức gì ngoài gõ bàn phím, còn người đã đăng cái phản biện phải vất vả bao nhiêu công sức mới tìm ra nguồn gốc hình ảnh thuộc cảng Tiên Sa. Sau đó còn có nghi ngờ tại sao cảng Tiên Sa lại xả nước đỏ và tôi cũng tìm ra nguyên nhân nhờ lần tìm ảnh vệ tinh quá khứ.

Ông đánh giá về phóng viên môi trường thế nào? Tỷ lệ thông tin chính xác khoảng bao nhiêu phần trăm?

Tùy từng đợt. Nhưng nói chung, khoảng trên 50% một tí.

Khi viết không chính xác, điều nguy hiểm nhất là gì?

Cái nguy hiểm nhất là qui kết thủ phạm quá nhanh, thay cả tòa án. Về pháp luật thì nguyên tắc quan trọng là “suy đoán vô tội” nên không thể kết tội khi chưa đủ bằng chứng.

Ví dụ như vụ nước thải ở Lagi (Bình Thuận), một loạt nhà báo đăng về một bó ống nước phun nước thải phun nước đen ngòm ra biển, có video đi kèm. Dư luận ào ào lên rằng doanh nghiệp đang giết chết biển. Tiếp tục, phóng viên đi hỏi nhưng không nơi nào nhận trách nhiệm. Tôi cũng chỉ tìm hiểu qua báo chí và mới phát hiện ra rằng công ty xả nước đen ngòm ra biển là công ty nạo vét cảng, nước phun đen ngòm chính là bùn đáy biển, chỉ chuyển ra chỗ khác mà thôi. Nhưng thông điệp mà tôi nói lại với báo chí đã ít có tác dụng với số đông độc giả, họ đã tin vào thông điệp đầu tiên.

Ngoài mối nguy hiểm với xã hội nói chung, tới cá nhân nhà báo nói riêng, tôi muốn nhấn mạnh là phê phán, chỉ trích cũng phải trung thực, vì điều đó làm cho sự phê phán, chỉ trích của anh trở nên thuyết phục hơn nhiều, có giá trị hơn nhiều. Trong trường hợp ngược lại, uy tín của nhà báo sẽ bị ảnh hưởng.

Khi nghe những bình luận phân tích của ông trên FB, các báo online có sửa bài, hoặc báo giấy đăng đính chính, không?

Có một số báo và FB đã sửa. Còn lại họ ít tin vào FB của tôi, tôi đoán vậy vì tôi không phải là thánh (cười).  

Ông có định biến chuyện "dọn vườn" này thành chuyện nghiêm chỉnh với báo chí, như Mục "Dọn vườn" ngày xưa trên Báo Văn nghệ không? Hay tổ chức các buổi bồi dưỡng định kỳ với các phóng viên về môi trường, như cách Fulbright đã từng làm với các phóng viên viết về kinh tế tại TP HCM?

Thành chuyên mục thì không. Nhưng nói chuyện tại hội thảo thì có vài lần rồi. Còn chuyện mở lớp bồi dưỡng cho phóng viên viết về môi trường, phải có nhóm mới làm việc được. Hay Vietnamnet đứng ra tổ chức, và mời các chuyên gia đi? Tôi sẵn sáng tham gia

Để tôi thử báo cáo xem sao. Rất  cám ơn ông về cuộc nói chuyện này

Huỳnh Phan (thực hiện)