Sau buổi Ủy ban Thường vụ QH họp cho ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều luật Cư trú (sáng 26/2), đại diện ban soạn thảo là Bộ Công an đã ngồi lại với Ủy ban Pháp luật QH - cơ quan thẩm tra dự luật, thống nhất rút khỏi dự thảo quy định xóa đăng ký thường trú với người đi tù hoặc người xuất cảnh từ 2 năm trở lên.
Trên thực tế việc cắt và nhập hộ khẩu không hề đơn giản. Ảnh minh họa: Pháp luật TP.HCM |
Trước đó, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH, bảo vệ cho quan điểm của mình trước những ý kiến không đồng tình với quy định trên, đại diện Bộ Công an nói: “Người đi nước ngoài 2 năm chỉ xóa tên trong sổ hộ khẩu thôi, khi người ta về thì làm lại. Người đi tù cũng vậy, chỉ cắt khẩu một thời gian, khi về công an sẽ tạo điều kiện nhanh chóng nhập khẩu lại và Bộ trưởng Công an sẽ quy định cho từng trường hợp”.
Thế nhưng thực tế việc cắt và nhập hộ khẩu không hề đơn giản, dễ dàng như vị này khẳng định.
Với trường hợp xóa hộ khẩu sau khi xuất cảnh 2 năm, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nhận định tại phiên họp quy định như vậy không bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân đã được quy định trong Hiến pháp.
Trường hợp công dân đi tù, Thường trực UB Pháp luật cho rằng nếu xóa tên khỏi hộ khẩu sẽ gây khó khăn cho tái hòa nhập cộng đồng và không đảm bảo tính nhân văn.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định, sửa luật phải tạo điều kiện tối đa cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú, thay vì “cấm” và “xóa”. “Nguyên tắc là người dân phải được tự do cư trú, đi lại, được chăm sóc y tế, có chỗ học hành. Việc đăng ký thường trú, tạm trú phải thông thoáng”.
Theo ông, tư tưởng của luật Cư trú phải nhất quán với Hiến pháp và pháp luật hiện hành về đảm bảo quyền tự do cho công dân. Như vậy, từng điều kiện về nhập hộ khẩu hay các hành vi cấm cần phải trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân thay vì gây khó dễ.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Công an Trần Thế Quân cho hay, dự thảo luật Cư trú quy định như trên xuất phát từ bản chất của thường trú. Anh thi hành án tù có thời hạn, tù chung thân thì rõ ràng thời gian đó đâu có thường trú tại địa chỉ cũ. Nơi thường trú mới phải là nơi học tập, cải tạo. Tương tự, xuất cảnh ra nước ngoài 2 năm thì thời gian đó đã là khá dài, không nên coi là đang thường trú ở hộ khẩu cũ.
Mặt khác, việc xóa tên khỏi hộ khẩu thường trú, sau đó đăng ký trở lại hoàn toàn dễ dàng. Việc thường trú của đương sự vẫn được lưu trong sổ cái nghiệp vụ của công an quản lý hộ khẩu địa phương, do đó rất thuận tiện cho việc trở lại hộ khẩu cũ. Luật hiện hành coi đây là một trường hợp đương nhiên được đăng ký thường trú, cho dù là ở nông thôn hay TP.
"Tuy nhiên, cân nhắc tâm lý xã hội về quy định này, Bộ Công an thấy rằng với người thi hành án tù mà bị cắt hộ khẩu thì có thể gây tâm lý tiêu cực tới ý thức cải tạo, chưa kể là ảnh hưởng không hay tới chính gia đình, người thân họ. Người xuất cảnh ra nước ngoài có thời hạn thường vẫn xác định sẽ trở lại quê hương. Vì vậy, cơ quan soạn thảo rút nội dung này khỏi dự thảo", ông Quân cho hay.
PV - theo Pháp luật TP.HCM