Ấn Độ tiếp tục coi Pakistan là “mối đe dọa thực sự” cho dù đang tiến hành điều chỉnh chiến lược quân sự để có thể đáp ứng yêu cầu xảy ra cuộc chiến trên hai mặt trận với cả Pakistan và Trung Quốc.


{keywords}

Ấn Độ tăng cường lực lượng biên giới. Ảnh: Telegraph


Lần đầu tiên, một nhóm nghiên cứu Trung Quốc - Viện Khoa học xã hội (CASS) đã đưa ra Sách Xanh về Ấn Độ. CASS nhấn mạnh, Pakistan vẫn là “mối đe dọa thực sự” với Ấn Độ khiến New Delhi luôn duy trì sự thận trọng cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao.

Báo cáo đưa ra cho biết, quân đội Ấn Độ triển khai trên đất liền chủ yếu nhằm đối phó với Pakistan nhưng một số trường hợp gần đây, đội quân này cũng được điều chỉnh để đối phó với cả Trung Quốc.

Cuốn sách viết bằng tiếng Trung Quốc cho rằng, New Delhi đang tập trung vào việc đối phó trong một cuộc chiến có thể xảy ra với cả Trung Quốc và Pakistan cùng một thời điểm. Họ gia tăng đáng kể quân đội ở các khu vực biên giới, nâng cấp lực lượng biên giới với các trang thiết bị và vũ khí mới.

Sách Xanh còn đề cập tới việc Ấn Độ triển khai lực lượng hàng hải trong những năm gần đây. Coi đó là điều khiến Bắc Kinh lo lắng khi coi sự mở rộng hải quân biển xa của Ấn Độ là một mối đe doạ chính. Cuốn sách đặc biệt chú trọng tới bộ Tư lệnh Hải quân miền đông Ấn Độ đóng tại quần đảo Andaman và Nicobar.

Theo ấn phẩm trên, ngân sách quốc phòng Ấn Độ đã gia tăng mạnh, và cùng với sự thịnh vượng về kinh tế, họ đã trở thành quốc gia mua vũ khí lớn nhất thế giới.

Về chính sách đối ngoại của Ấn Độ với láng giềng, Sách Xanh nói, New Delhi tiếp tục theo đuổi “học thuyết Gujral” (một phương pháp thực thi chính sách đối ngoại dựa trên việc thương thảo hòa bình, kêu gọi Ấn Độ để đối đãi các nước láng giềng bằng sự quảng đại). Chính sách này thể hiện bằng những hỗ trợ, hợp tác, thúc đẩy lòng tin chung với các nước láng giềng ở Nam Á trong khi xúc tiến tiến trình hoà bình với Pakistan.

Theo CASS, Ấn Độ đang mong muốn chiếc ghế thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ trong sự phối hợp với Đức, Nhật Bản và Brazil. Bên cạnh đó còn có chính sách Hướng Đông cải thiện quan hệ với Nhật Bản, Việt Nam, Australia, giữa bối cảnh Mỹ “xoay trục” về châu Á-Thái Bình Dương.

Sách Xanh ca ngợi những thành tựu đáng kể mà Ấn Độ đạt được trong tiến trình phát triển. Kể từ khi thực hiện cải cách kinh tế toàn diện năm 1991, sự phát triển kinh tế của Ấn Độ đã trỗi dậy. Nước này trở thành một trong những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Cùng lúc đó, Ấn Độ cũng phải đối mặt với những tồn tại như tình trạng phát triển không đồng đều, cơ cấu công nghiệp không hợp lý, thâm hụt ngân sách cao.

Thái An (theo PTI)