- Đánh giá tín nhiệm nếu còn đôi chút gì đó băn khoăn thì đó là việc ĐBQH có thể sẽ gặp chút khó khăn trong đánh giá vai trò của cá nhân các bộ trưởng trong việc giải quyết vấn đề mang tính chất liên ngành - ĐB Nguyễn Thanh Hải, y viên thường trực UB Văn hóa, Giáo dục của QH cho hay.

Thời gian đã đủ dài cho bộ trưởng thể hiện

Lần đầu tiên QH tiến hành đánh giá tín nhiệm, bà cảm nhận gì về sức ép trách nhiệm của ĐB?

Việc cùng lúc tiến hành lấy phiếu đánh giá tín nhiệm với 49 chức danh quan trọng nhất quả thật sẽ ít nhiều gây áp lực đối với các ĐBQH, đặc biệt là sức ép lần đầu tiên ĐBQH thực hiện một quyền quan trọng của người đại diện cho cử tri.

{keywords}
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải: Tôi cũng ít nhiều lo lắng. Ảnh: Minh Thăng

Với từng ĐBQH, tôi tin rằng với trách nhiệm của mình, đã phải có sự tìm hiểu, nghiên cứu, tham khảo ý kiến cử tri qua đó có sự đánh giá đúng mức về các chức danh sẽ bỏ phiếu.

Về phía những người được lấy phiếu tín nhiệm, đây cũng đã là thời điểm tương ứng với gần một nửa nhiệm kỳ công tác. H cũng đã có thời gian đủ dài để thể hiện và chứng minh năng lực, trình độ, nhiệt tình, tâm huyết trong xử lý, điều hành công việc bằng các kết quả cụ thể.

Với những mục tiêu như đã đặt ra cùng sự chuẩn bị tích cực thì cuộc lấy phiếu tín nhiệm kỳ này sẽ phản ánh đúng thực chất đáp ứng được mong mỏi của dân và chắc chắn sẽ có tác dụng tích cực đến sự phát triển chung.

Vậy có điều gì còn làm bà quan ngại?

- Nếu có nói còn đôi chút gì đó băn khoăn thì đó là việc các ĐBQH có thể sẽ gặp chút khó khăn trong đánh giá vai trò của cá nhân các vị bộ trưởng, trưởng ngành trong việc giải quyết một vấn đề nào đó mang tính chất liên ngành, liên bộ rồi trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, ngành.  

Đó là điều mà các ĐBQH chưa có đủ cơ sở để nhận biết một cách rõ ràng, đầy đủ.

Nếu vẫn còn những suy nghĩ lấn cấn như vậy thì theo bà, trong quy trình tới đây có nên bố trí thêm thời gian để họ được giải trình làm rõ những vấn đề nổi cộm hay không?

- Nếu QH có thời gian thì việc bố trí cho những người được lấy phiếu tín nhiệm được giải trình, làm rõ một số vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm cũng rất tốt, tuy nhiên theo ý kiến tôi trong hoàn cảnh cụ thể này, việc đó cũng không thực sự quá cần thiết bởi mấy lý do sau:

Thứ nhất, giữa hai kỳ họp liên tiếp của QH, Thường v và nhiều ủy ban đã tổ chức các phiên giải trình về các vấn đề nổi cộm trong xã hội hay những vấn đề được cử tri và nhiều ĐBQH quan tâm. Các phiên giải trình này đều đã được đưa tin đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều phiên đã được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên toàn quốc.

Thứ hai, chỉ có một phần ba ĐB là chuyên trách, số còn lại đều kiêm nhiệm nên nếu kỳ này có thêm nội dung dành cho tất cả những người được lấy phiếu tín nhiệm báo cáo, giải trình trước QH tôi e rằng thời lượng của kỳ họp sẽ quá dài (dự kiến chương trình từ 20/5 đến 25/6 đã là hơn 1 tháng), có thể ít nhiều ảnh hưởng tới việc điều hành công việc trong nhiều lĩnh vực khác.

Tuy vậy, ta cũng không nên quá cứng nhắc và đặc biệt phải dựa trên cơ sở thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện quy trình, rút kinh nghiệm hàng năm (vì đây sẽ là công việc thường niên của QH), tôi nghĩ rằng có thể trải nghiệm qua một vài kỳ họp từ đó sẽ cải tiến sao cho ngày càng hiệu quả hơn, “vạn sự khởi đầu nan" mà.

Khó chạy phiếu

Bà có lo lắng trước khả năng có thể ĐB bị lôi kéo, thông qua các hoạt động “vận động hành lang” để “chạy phiếu” không?

- “Vận động hành lang” đúng nghĩa có mục đích trong sáng và có tác dụng tích cực đến các hoạt động trong quá trình hoạch định chính sách. Tuy nhiên, do vận động hành lang thường gắn với những cuộc tiếp xúc cá nhân nên dần dần đã bị biến tướng.

{keywords}
"Tin vào bản lĩnh ĐBQH". Ảnh: Lê Anh Dũng

Tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như mục đích, phương thức hoạt động của các chủ thể “vận động hành lang”, các điều kiện, môi trường và đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp, năng lực của những người được vận động.

Chỉ khi nào “vận động hành lang’ của những người được lấy phiếu tín nhiệm với động cơ không trong sáng thì sẽ thành “chạy phiếu” thôi, còn trong chừng mực nào đó thì đôi khi nó còn là cần thiết, vì nó giúp cho người có thẩm quyền bỏ phiếu (ở đây là các ĐBQH) có cái nhìn toàn diện, đa chiều với đầy đủ thông tin, và các chứng cứ mà người được lấy phiếu tín nhiệm thông qua hoạt động “vận động hành lang” cung cấp.

Đặc biệt nó có trở thành “chạy phiếu” hay không còn phụ thuộc vào đạo đức, bản lĩnh và năng lực của những người được vận động nữa chứ. Do vậy đi liền với việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm, tôi nghĩ rằng cũng cần có thêm các quy định và chế tài cụ thể cho vấn đề này.  

Cá nhân tôi thì rất tin tưởng vào bản lĩnh của các ĐBQH.

Hơn nữa với một tập thể gần 500 người, đại diện cho mọi vùng miền, mọi thành phần cử tri trong xã hội rất đa dạng như thế, thì việc “chạy phiếu” là rất khó.

Thực tế còn cho thấy rất rõ là, rất khó có thể thuyết phục đa số các cá nhân trong một tập thể lớn, đa dạng có ý kiến hướng theo ý muốn chủ quan của cá nhân nào đó, khi mà các kết quả công việc từ thực tiễn quản lý, điều hành mà cá nhân đó thực hiện không đủ tốt để thuyết phục họ.

Lê Nhung