- Nếu QH trực tiếp đánh giá tín nhiệm từng chức danh lãnh đạo thì người dân cũng sẽ gián tiếp định lượng mức tín nhiệm với chính các đại biểu. Có thể nói đây là một cuộc bỏ phiếu "kép".

Diễn ra trong hơn một tháng hè đỏ lửa, dự kiến kỳ họp thứ 5 QH khóa 13 khai mạc sáng nay tại Hà Nội sẽ báo hiệu nhiều điểm nóng.

Hầu như trước bất kỳ phiên họp nào của QH cũng xảy ra hàng loạt sự kiện, vấn đề đòi hỏi cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước phải thể hiện chính kiến và trách nhiệm. Nhiều năm trước, là câu chuyện khai thác bôxit Tây Nguyên, Tiên Lãng, đường sắt cao tốc Bắc-Nam... Mỗi lần đứng trước việc phải quyết định về các dự án lớn làm hao hụt ngân khố quốc gia là một lần ý thức trách nhiệm của từng đại biểu được thức tỉnh.

{keywords}
Các đại biểu bên hành lang QH. Ảnh: Minh Thăng



Còn lần này, nghị trường sục sôi không phải từ những chuyện cụ thể mà đây là kỳ họp bàn về những vấn đề trọng đại của đất nước, mở đường cho rất nhiều chủ trương và nhiều giai đoạn phát triển về sau.

Trước tiên, tâm điểm dư luận đang hướng về quy trình đánh giá tín nhiệm áp dụng lần đầu tại cơ quan quyền lực cao nhất. Diễn ra trong bối cảnh hội nghị Trung ương 7 vừa hoạch định nhân sự cấp chiến lược thì việc đánh giá tín nhiệm tại QH cũng có thể xem là dịp hiếm hoi để nhìn nhận lại công tác nhân sự cũng như uy tín các lãnh đạo đầu ngành.

Truyền thông trong suốt gần hai năm qua đã sốt sắng thông tin về vai trò, ý nghĩa cũng như kỳ vọng của nhân dân với vấn đề này. Càng sát kỳ họp, thông điệp thể hiện quyết tâm của các vị lãnh đạo đưa ra cũng ngày càng dồn dập hơn. Nếu QH trực tiếp đánh giá tín nhiệm từng chức danh lãnh đạo thì người dân cũng sẽ gián tiếp định lượng mức tín nhiệm với chính các đại biểu. Có thể nói đây là một cuộc bỏ phiếu "kép".

Bởi thế Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng liên tục nhấn thông điệp "không nghe thông tin bôi nhọ để bỏ phiếu". Còn Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng đặt thẳng trọng tâm "đây là trách nhiệm chính trị chứ không nên xem là vấn đề kỹ thuật thông thường".

Điểm nóng thứ hai xoay quanh bản dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Chưa lúc nào các luồng quan điểm khác nhau giữa những cơ quan quyền lực lại được truyền thông khai thác công khai như vừa qua. Ban Cải cách tư pháp Trung ương, cơ quan tổng kết thực thi Hiến pháp 1992 của Chính phủ đều chọn những vấn đề cụ thể và cốt tử để kiến nghị thay đổi.

Tới đây, hình hài bản dự thảo chắt lọc ý kiến dân sẽ được trình ra QH. Chọn phương án nào, lắng nghe đòi hỏi của thời cuộc hay kiên định những quan điểm, lập trường đã trở nên cứng nhắc đòi hỏi trách nhiệm, trình độ và bản lĩnh của QH. Nghị trường là nơi thuyết phục lẫn nhau, chỉ mong mọi lý lẽ đưa ra đều phải được tạo lập trên cơ sở lợi ích chung của dân của nước thay vì bị chi phối bởi những nhóm lợi ích nào đó.

Và cuối cùng, trong lúc các nghị sĩ họp bàn những vấn đề vĩ mô của đất nước, thì những chỉ báo về sự suy giảm của nền kinh tế đang ngày càng rõ nét. Tình trạng sức khỏe doanh nghiệp vẫn đang ngày một xấu đi. Hơn lúc nào hết, QH cần có chính kiến về những vấn đề này thay vì tiếp tục mổ xẻ, kiến nghị, đề xuất... như những năm qua. Bởi đây không phải lần đầu tiên những cụm từ nợ xấu, hàng tồn kho, phá sản... xuất hiện tại nghị trường mà vốn dĩ nó đã từng được cảnh báo từ nhiều năm về trước. Điểm nghẽn đang nằm ở đâu, ắt cơ quan quyền lực cao nhất của QH biết rõ hơn ai hết.

Đã đến lúc, QH không nên chỉ rung hồi chuông báo động mà cần bắt tay để áp ngay trách nhiệm đúng người đúng việc gỡ khó cho nền kinh tế.

Chương trình nghị sự khởi đầu từ hôm nay, mọi diễn biến nóng - lạnh trong nghị trường phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của gần 500 đại biểu. Chỉ mong từng người phát huy hết tinh thần trách nhiệm để những kỳ vọng của dân không trở thành... thất vọng.

Lê Nhung