Lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, giải trình tiếp thu ý kiến dân về dự thảo Hiến pháp sửa đổi… là những vấn đề người dân gửi gắm kỳ họp QH lần này.


Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, QH khóa 13 sáng 20/5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Huỳnh Đảm sẽ trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Hơn 1.724 lượt ý kiến cử tri gửi tới QH đã đề đạt ý kiến xung quanh câu chuyện sửa Hiến pháp, lấy phiếu tín nhiệm, quản lý thị trường vàng v.v...
{keywords}

Cử tri kiến nghị QH phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ để xây dựng bản Hiến pháp mới. Ảnh: Minh Thăng

Giám sát lời hứa

Cử tri và nhân dân hoan nghênh việc QH ban hành nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của QH, HĐND; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Do đây là lần đầu tiên QH lấy phiếu tín nhiệm nên người dân kiến nghị các đại biểu nêu cao ý thức trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất, không hình thức. Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức, liêm khiết, có tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.

Để làm tốt việc này, cử tri và nhân dân kiến nghị QH cần tăng cường công tác giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các phiên chất vấn. Yêu cầu bộ trưởng, trưởng ngành tăng cường trách nhiệm trong quản lý ngành.

Giải trình những nội dung không tiếp thu

Thông qua MTTQ Việt Nam, người dân cũng gửi gắm nhiều vấn đề xung quanh dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi.

Theo đó, cử tri hoan nghênh QH đã ban hành nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp, cũng như việc Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp kéo dài thời gian góp ý đến hết tháng 9.

Tuy nhiên, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân ở một số nơi, nhất là ở cấp cơ sở còn hình thức, lúng túng, bị động, chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan. Một số nơi in, phát dự thảo sửa đổi tới từng hộ gia đình nhưng việc hướng dẫn nhân dân thảo luận góp ý và tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân chưa tốt.

Cử tri và nhân dân kiến nghị các cơ quan hữu quan tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác những ý kiến của nhân dân đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc; đồng thời giải trình rõ những nội dung không tiếp thu để hoàn thiện dự thảo, phản ánh đúng và đầy đủ ý nguyện của nhân dân tới QH; kiến nghị QH phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ để xây dựng bản Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Hỗ trợ nông dân, ngư dân

Ngoài những vấn đề vĩ mô nói trên, nhiều người dân cũng bày tỏ bức xúc về những vấn đề quốc kế dân sinh hàng ngày.

Theo phản ánh của người dân, tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn rất khó khăn, lãi suất cho vay của ngân hàng có giảm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn vay.

Từ đầu năm đến nay đã có hàng ngàn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị giải thể, phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất dẫn đến số người mất việc làm tiếp tục gia tăng. Sức mua trong quý I/2013 giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, dẫn tới hàng hóa tồn kho lớn.

Tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới hiện nay dẫn đến sự băn khoăn, thiếu tin tưởng của cử tri về năng lực của cơ quan nhà nước hữu quan trong việc quản lý điều hành thị trường vàng. Cử tri và nhân dân kiến nghị QH, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, có những giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng trên.

Cử tri các tỉnh thành cũng phản ánh tình trạng khó khăn trong hoạt động nông nghiệp. Chẳng hạn, đời sống của ngư dân, diêm dân gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu cao, thời tiết không thuận lợi, ngư trường một số nơi bị nước ngoài đe dọa, giá cả đầu ra thấp.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, ngư dân, diêm dân, để người dân yên tâm sản xuất.

Cử tri TP.HCM chia sẻ lo lắng về tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước cần có những động thái quyết liệt hơn, đẩy mạnh công tác ngoại giao, kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền biển đảo; tăng cường ngân sách cho an ninh quốc phòng, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; quan tâm chăm lo đời sống, có giải pháp hỗ trợ cho ngư dân bám biển; tổ chức các lực lượng tuần tra trên biển nhằm kịp thời bảo vệ tài sản và tính mạng cho ngư dân.

Liên quan đến các dự án khai thác bôxit Tây Nguyên, người dân cũng đề nghị QH cần sớm tiến hành giám sát, đánh giá lại hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội của dự án.

Lê Nhung