Hội đồng trọng tài do Tòa án Quốc tế về luật Biển (ITLOS) thành lập đã họp phiên đầu tiên, mở màn phiên tòa xét xử vụ kiện “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

>> Philippines 'đi đúng hướng' trong vụ kiện TQ
>> EU ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa LHQ

{keywords}
Người Philippines biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: thestar

Bộ Ngoại giao Philippines ngày 16/7 ra thông báo Hội đồng trọng tài do Tòa án Quốc tế về luật Biển (ITLOS) thành lập đã tiến hành phiên họp đầu tiên vào ngày 11/7 ở thành phố The Hague, Hà Lan, chính thức mở màn phiên tòa xét xử vụ kiện “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối cũng như trì hoãn từ phía Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết: “Các thủ tục tố tụng đã được trọng tài chính thức triển khai. Văn phòng Tổng Biện lý cam kết sẽ hoàn toàn hợp tác với ITLOS, bảo đảm sự công bằng, khách quan và hiệu quả để có phán quyết cuối cùng phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Chương trình chính của buổi họp đầu tiên là thông qua bộ quy định về trình tự xét xử. Trung Quốc và Philippines có thời hạn để đưa ra ý kiến về bộ quy định này trước ngày 5/8.

Tại Manila, trả lời câu hỏi của phóng viên: “Liệu Philippines có giành chiến thắng trong vụ kiện này hay không?”, người phát ngôn Raul Hernandez tuyên bố: “Chúng tôi có lợi thế lớn bởi đường lưỡi bò của Trung Quốc đã đi quá xa so với luật pháp quốc tế”.

Trước đó, tại diễn đàn “Quản lý Biển Đông và các vấn đề an ninh khu vực khác” diễn ra ở Brussels, Bỉ hôm 10/7, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã khẳng định vụ kiện này không hề ảnh hưởng tới tiến trình ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vì đây là một trong những cơ chế giải quyết tranh chấp chuẩn theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Ông cũng nhắc lại quan điểm của chính quyền Manila là theo đuổi tới cùng bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

Phủ tổng thống Philippines từng khẳng định, việc Trung Quốc từ chối ra toà án quốc tế giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có thể tăng cường cơ hội của Manila để có được một phán quyết lợi thế tại Toà án quốc tế về Luật biển.

EU và Mỹ đều ủng hộ việc Philippines tìm giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ tại tòa quốc tế.

PV tổng hợp