- Việt Nam và Pháp sẽ tuyên bố trở thành đối tác chiến lược nhân chuyến thăm chính thức CH Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu từ hôm nay (24/9).


Pháp là nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cuối cùng cam kết với Việt Nam về một khuôn khổ quan hệ vượt trên mức “hữu nghị” thông thường, để tiến tới xây dựng lòng tin chiến lược và hợp tác toàn diện.

40 năm sau ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973), hai quốc gia từng chia sẻ một quá khứ chung không dễ dàng, đã cùng nhận thấy nhu cầu phải nâng cấp mối quan hệ tốt đẹp hiện có lên một tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng và vị thế của mỗi nước trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tại Hà Nội tháng 8 vừa qua. Ảnh: VGP
Nhìn lại lịch sử, quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng càng về sau càng đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Từ chỗ là cường quốc thực dân, Pháp buộc phải từ bỏ Đông Dương vào năm 1954, vị thế suy giảm mạnh. Kể từ sau diễn văn của Tổng thống de Gaulle tại Phnom Penh năm 1966, nước Pháp đã cố gắng đóng vai trò trung gian giữa các bên để dẫn tới hội nghị hòa bình Paris kết thúc thắng lợi năm 1973.

Thập niên tiếp theo, Pháp tiếp tục phát huy ảnh hưởng trong việc giải quyết vấn đề Campuchia và giúp Việt Nam bình thường hóa quan hệ với phương Tây.

Pháp là nước đi đầu khai thông quan hệ với Việt Nam sau 1989, xóa nợ cho Việt Nam, giúp Việt Nam giải quyết nợ với các nước chủ nợ thành viên CLB Paris. Tiếng nói độc lập của Paris trong các vấn đề quốc tế được đánh giá cao ở Hà Nội, trước những nguy cơ của chính trị cường quyền, “ngoại giao pháo hạm”…

Pháp là một trong vài nước phương Tây đón nhiều đoàn cấp cao nhất của Việt Nam sang thăm, như chuyến thăm của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu năm 2000, chuyến thăm của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh năm 2005, Chủ tịch nước Trần Đức Lương năm 2002, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng các năm 1993, 1998 và 2007.

Ngược lại, Việt Nam đã đón Tổng thống François Miterrand và Jacques Chirac, Thủ tướng François Fillon, Bộ trưởng Ngoại giao Laurent Fabius…

Hiện nay, về kinh tế, Pháp là bạn hàng châu Âu lớn thứ ba của Việt Nam (sau Đức và Anh). Trao đổi thương mại hai chiều năm 2012 đạt 3,2 tỷ USD, trong đó Việt Nam là bên xuất siêu với 1,898 tỷ USD. Pháp đứng thứ hai trong các nước châu Âu (sau Hà Lan) và đứng thứ 15 trong 92 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 375 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3,1 tỷ USD.

Về hợp tác phát triển, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam. Tại hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam cuối năm 2012, Pháp cam kết cấp 339,14 triệu USD cho Việt Nam trong năm 2012. Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á (sau Afghanistan).

Hợp tác giáo dục gắn với quảng bá Pháp ngữ luôn là mục tiêu ưu tiên của Pháp. Hiện hai bên đang triển khai một số dự án trọng điểm về đào tạo như: chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, dự án thành lập hai Trung tâm Đại học Pháp tại Đại học quốc gia Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Viện Tin học Pháp ngữ.

Tháng 10/2010, trường Đại học khoa học và công nghệ Hà Nội do Pháp tài trợ 100 triệu euro đã khai giảng khóa học đầu tiên. Đây là một trong 4 trường đại học tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Pháp là nơi có lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ ba trên thế giới (hiện có khoảng 7.000 sinh viên đang theo học tại Pháp).

Dưới nhiệm kỳ của Tổng thống François Hollande, Pháp đang tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến tình hình an ninh khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam và vấn đề Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian đã hai lần tham dự Đối thoại Shangri-La 2012 và 2013 tại Singapore. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Pháp gần đây, hai bên nhất trí xây dựng quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng.

Trong số các đối tác chiến lược của Việt Nam, mỗi nước có những lĩnh vực thế mạnh và lĩnh vực ít mạnh hơn.

Pháp là quốc gia có đầy đủ và tương đối cân bằng các quan điểm về lợi ích mà Việt Nam có thể chia sẻ, đơn cử như trật tự thế giới đa cực, tính đa dạng và ngoại lệ văn hóa, nhu cầu phát triển bền vững, thương mại công bằng, bảo tồn di sản… Sự tương đồng văn hóa đó chính là nền vững chắc cho mối quan hệ đối tác đa diện vừa được đặt những viên gạch đầu tiên.

Linh Thư