- Các tỉnh thành có dành cho công dân của mình những chất lượng dịch vụ hành chính tương tự như đã dành cho doanh nghiệp?
Các dịch vụ công mà địa phương cung
cấp cho doanh nghiệp để thu hút vốn đầu tư vào tỉnh mình hiệu quả ra sao
được đánh giá thông qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong khi
hiệu quả đó trong việc phục vụ nhân dân được thể hiện qua Chỉ số hiệu quả quản
trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). PAPI lần đầu tiên được công bố hôm qua (31/3) tại Hà Nội.
PCI cao, PAPI có cao theo?
Đà Nẵng ba năm liền giữ vững danh hiệu năng lực cạnh tranh tốt nhất và đứng thứ 4 về hiệu quả hành chính. TP.HCM xếp hạng 23 về PCI (tụt 7 bậc so với năm ngoái) nhưng lại là địa phương có mức độ hiệu quả hành chính được người dân đánh giá cao và đồng đều nhất.
Cơ quan tiến hành khảo sát - UB TƯ MTTQ Việt Nam và UNDP - hy vọng năm 2011 sẽ có chỉ số PAPI cho tất cả các tỉnh, thành
Chính quyền Kon Tum, Lai Châu, Lạng
Sơn, Yên Bái nhận được sự đánh giá thấp nhất của chính người dân trong tỉnh về
hiệu quả phục vụ hành chính. Trong khi đó, Yên Bái và Kon Tum thuộc số các tỉnh
được doanh nghiệp đánh giá là có năng lực cạnh tranh tốt và khá, Lai Châu và
Lạng Sơn cũng nằm trong nhóm được đánh giá trung bình.
Trong số 30 địa phương được khảo sát, các tỉnh, thành lớn như Đồng Nai, Hải Phòng, Phú Thọ và thủ đô Hà Nội thuộc nhóm được dân đánh giá trung bình về hiệu quả hành chính. Đồng Nai, Hải Phòng, Hà Nội cũng không có vị trí cao trong bảng xếp hạng PCI, chỉ ở mức khá, Phú Thọ còn chỉ thuộc mức trung bình.
Tuy vị trí của các tỉnh thành trong tương quan giữa hai bảng xếp hạng này không có sự mâu thuẫn quá lớn, song vẫn có thể thấy giữa mức độ "trải thảm đỏ" cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính và dịch vụ công ở các tỉnh và chất lượng phục vụ công dân của chính tỉnh mình vẫn có những khoảng cách nhất định.
Không phải chuyện xếp hạng cao thấp
Tuy vậy, mục đích của PAPI, như những người thực hiện luôn nhấn mạnh, không phải là để xếp các tỉnh ai hơn ai kém, mà là để chỉ ra mỗi địa phương đang đứng ở đâu trên bậc thang hài lòng của dân, họ đã làm tốt đến mức nào để phục vụ công dân của mình, còn hạn chế và thiếu sót ở khâu nào, có thể cải thiện điều gì để phục vụ dân tốt hơn.
Hay theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, Trưởng ban tư vấn dự án PAPI, "đây là thông số có tính chất tham khảo cho các cơ quan có trách nhiệm trong việc chỉ đạo, điều chỉnh cơ chế chính sách của mình, cũng như tổ chức công việc theo hướng phục vụ".
Đến với chính quyền địa phương,
người dân phải có tâm thế như một khách hàng. Ảnh: Long Anh
Sự hài lòng của người dân không chỉ
được đánh giá qua những hoạt động cụ thể tại các cơ quan, mà còn qua
nhận thức và thái độ của họ về công việc hành chính. Hiệu quả của các cơ quan
công quyền cũng không chỉ được đánh giá qua những cam kết, lời hứa, văn bản hay
cơ cấu tổ chức bộ máy, con người, mà quan trọng hơn là kết quả - những sản phẩm
dịch vụ hành chính khi đến tay khách hàng - người dân.
"Đến với chính quyền địa phương, người dân phải có tâm thế như một khách hàng, để được phục vụ, và công chức là những người phục vụ họ", TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam, nhận định.
Việc tỉnh này có điểm cao, tỉnh kia có điểm thấp không quan trọng bằng việc không có địa phương nào (trong số 30 tỉnh, thành được khảo sát) thực sự đạt được mức độ hoàn hảo về phục vụ công dân. Mỗi tỉnh đều có điểm yếu của mình và đều có thể học tập các tỉnh khác ở những điểm mạnh của họ.
Chia sẻ bên lề cuộc họp báo, cố vấn chính sách của UNDP Jairo Acuna-Alfaro cũng nhận định: "Kể cả ở những địa phương được xếp hạng cao, vẫn có những điểm cụ thể mà người dân chưa hài lòng, cũng không phải các địa phương ở vị trí thấp không có những điểm làm tốt khiến dân đánh giá cao".
Kết quả khảo sát cho thấy Phú Thọ được người dân cho là có ít "tham nhũng vặt" trong khu vực công, nhưng số người cho là các cán bộ địa phương có sử dụng công quỹ vào mục đích riêng lại cao hơn các tỉnh có điểm kiểm soát tham nhũng thấp hơn. Trong khi Thừa Thiên - Huế chỉ đạt mức trung bình về kiểm soát tham nhũng vặt, số người trả lời họ không phải hối lộ khi xin cấp phép xây dựng lại cao hơn Bình Phước, Tiền Giang, Kiên Giang hay Bắc Giang, những nơi có mức kiểm soát tham nhũng vặt được đánh giá cao hơn.
Hay trong việc cấp sổ đỏ, TP.HCM được dân đánh giá cao về thông tin thủ tục rõ ràng, công khai về chi phí, thời gian cũng như thái độ của cán bộ công chức, nhưng lại mất điểm ở việc giấy tờ quá nhiều. Trong khi đó, việc giảm thiểu gánh nặng giấy tờ cho dân lại là điểm cộng của Phú Thọ, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Tiền Giang, dù họ vẫn bị dân chê về các điểm khác.
Khi xét tổng thể các tiêu chí, TP.HCM có điểm trung bình cao nhất, nhưng về sự tham gia của người dân, họ có thể phải học tập Hải Dương, về kiểm soát tham nhũng thì Cà Mau hay Bình Định cũng không thua kém, hay về cung ứng dịch vụ công, Hải Phòng có phần vượt trội hơn.
Tuy kết quả PAPI
là những "con số biết
nói" như nhận định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban
Tư pháp QH Lê Thị Nga, cố vấn
của cuộc nghiên cứu, nhưng phần việc phân tích, đào sâu ý nghĩa và tác
dụng của
những số liệu này, những người thực hiện mong có sự chủ động vào cuộc
của các cơ
quan chức năng và đoàn thể chính trị - xã hội. Kết quả khảo sát
được đăng tải
trên trang papi.vn.
Thủy Chung