Triều Tiên đã đe dọa một “cuộc chiến tranh thần thánh” hạt nhân và Hàn Quốc thề “đáp trả dữ dội” bất kỳ hành động gây hấn nào từ Bình Nhưỡng. Sau các cuộc tập trận của Hàn Quốc, cả hai miền đều có những tuyên bố hùng hồn. Nhưng theo các nhà phân tích, một cuộc chiến tranh tổng lực là điều bất lợi với cả hai bên.
Triều Tiên trước đây từng đe dọa sẽ phá hủy nước láng giềng, căng thẳng ngày càng gia tăng trên bán đảo bị chia tách kể từ vụ nã pháo chết người vào một hòn đảo ở bờ biển phía tây khiến Hàn Quốc phản ứng bằng những cuộc tập trận trình diễn lực lượng liên tiếp.
Bình Nhưỡng đã đề xuất có thể cho phép các thanh sát viên hạt nhân LHQ trở lại, nhưng cả Hàn Quốc và những nước đồng minh đều hoài nghi, khi cho rằng, Triều Tiên từng thất hứa trong quá khứ.
Những gì có thể xảy ra tiếp theo?
Động thái của Triều Tiên
Theo các nhà phân tích, những hành động quân sự sẽ phục vụ cho sự chuyển giao quyền lực từ Chủ tịch Kim Jong-il cho người con trai út Kim Jong-un.
Cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tập trận quân sự của Hàn Quốc trên đảo Yeonpyeong nhưng không làm vậy, cho dù họ đã đưa ra lời đe dọa hùng hồn sau khi Seoul tiến hành tập trận trên bộ và trên không lớn nhất từ trước tới nay ở khu vực biên giới hôm 23/12.
Lời đe dọa ấy không đi kèm tiếng súng.
Động thái nhiều khả năng xảy ra tiếp theo của Triều Tiên là cuộc tập trận bắn đạn thật hoặc thử nghiệm tên lửa tầm ngắn ở vùng biển phía tây. Ở đây có Đường giới hạn phía Bắc (NLL), do LHQ đưa ra khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 nhưng Triều Tiên không công nhận. Tại đây đã xảy ra một số vụ đụng độ hải quân chết người trong thập niên qua. Việc Triều Tiên tuyên bố chủ quyền với khu vực này trở nên rõ ràng hơn nhiều trong năm nay.
Một khả năng khác về những hành động của Bình Nhưỡng trong vài tháng tới có thể bao gồm các cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa, hay thử nghiệm hạt nhân lần ba. Khi Triều Tiên nhiều lần đe dọa phá hủy Hàn Quốc với vũ khí hạt nhân, thì các nhà phân tích cho rằng, Bình Nhưỡng hầu như chưa có khả năng công nghệ làm việc này.
Nếu Hàn Quốc nối lại việc tuyên truyền chống Bình Nhưỡng từ biên giới, Triều Tiên có thể bắn vỡ các loa phóng thanh.
Nhìn tổng thể, các vụ việc xảy ra trong năm nay cho thấy Triều Tiên đã chuẩn bị cho các hoạt động mạnh mẽ hơn và giới phân tích nhất trí rằng, mức độ đe dọa nói chung đã gia tăng. Bình Nhưỡng dường như chờ đợi và chứng kiến kết quả như kiểu trở lại đàm phán quốc tế trước khi có động thái khác. Họ cũng có thể phải cân nhắc tới phản ứng của Hàn Quốc, khi người dân thúc giục chính phủ có hành động cứng rắn hơn.
Tổng thống Hàn Quốc "tiến thoái lưỡng nan"
Các cuộc tập trận quân sự của Hàn Quốc trong tuần này được cho là theo lịch thông thường, tiến hành hàng tháng trong nhiều năm nay. Seoul khẳng định họ hoàn toàn có quyền làm việc này, và sẽ tiếp tục.
Ngoài ra, Hàn Quốc còn tập trận chung với Mỹ. Vụ chìm tàu chiến Cheonan và vụ nã pháo vào đảo Yeonpyeong đồng nghĩa với việc lực lượng liên quân sẽ diễn tập phô diễn sức mạnh nhiều hơn. Động thái này có thể tiếp tục ở biển phía tây, cách NLL 150km về phía nam, và có thể lần nữa có sự tham gia của tàu sân bay Mỹ.
Những cuộc diễn tập gần NLL đặc biệt nhạy cảm, và nếu “tên bay đạn lạc” vào hòn đảo nào ở vùng biển tranh chấp, rất có thể gây ra xung đột.
Bình Nhưỡng luôn xem các cuộc tập trận của Hàn Quốc và Mỹ là khơi nguồn cho một cuộc tấn công thực sự.
Hàn Quốc có thể đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống Bình Nhưỡng. Họ sẽ nối lại các thông điệp tuyên truyền qua hệ thống loa phóng thanh ở biên giới, đã từng dừng lại sáu năm trước.
Seoul đã thề sẽ đáp trả mạnh mẽ chống lại Triều Tiên nếu nước này tấn công Hàn Quốc lần nữa kiểu như vụ tàu Cheonan hay đảo Yeonpyeong. Hàn Quốc đã thay đổi quan điểm, cho phép quân đội đáp trả để phòng vệ. Trước đây, các chọn lựa trả đũa của Seoul thường bị giới hạn bởi những hạn chế của LHQ kể từ thỏa thuận ngừng bắn năm 1953.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã thay thế các quan chức quốc phòng cấp cao bằng những nhân vật cứng rắn hơn sau nhiều chỉ trích về phản ứng của nội các trước hành động từ Triều Tiên. Ông đang ở trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, vừa cần cứng rắn bởi thúc giục của người dân trong nước, nhưng lại nhận thức sâu sắc về sự đe dọa của Triều Tiên.
Chiến tranh tổng lực?
Điều này là không chắc, nhưng giới phân tích dường như vẫn rất quan ngại về tình hình ngày một leo thang trên bán đảo Triều Tiên trong năm nay. Họ lo về một sự tính toán sai lầm, hay “tên bay đạn lạc” có thể châm ngòi cho cuộc xung đột ăn miếng trả miếng nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Nhưng một cuộc chiến tranh tổng lực là điều bất lợi với cả hai bên.
Triều Tiên biết những hạn chế của mình và không chắc mong muốn tạo ra tình huống leo thang nguy hiểm. Sự kết hợp của lực lượng quân sự công nghệ cao giữa Hàn Quốc và Mỹ có thể áp đảo Bình Nhưỡng, nhưng đó sẽ là chiến thắng với cái giá quá đắt và hao tiền tốn của, cũng như gây khó khăn cho tiến trình thống nhất hai miền.
Ngoại giao
Hiện nay, khả năng hội đàm có tất cả các bên liên quan tham dự là không nhiều. Hội đồng Bảo an LHQ thậm chí đã bế tắc trong việc làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Nga và Trung Quốc theo đuổi một tuyên bố tránh chỉ trích Triều Tiên về cuộc khủng hoảng, đồng thời kêu gọi cả hai bên kiềm chế. Trong khi đó, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc mong muốn một tuyên bố đổ lỗi khủng hoảng cho Bình Nhưỡng và chỉ trích họ về vụ nã pháo hồi tháng trước.
Ngoài ra, Bắc Kinh và Nga đã kêu gọi cuộc họp khẩn cấp giữa các cường quốc trong khu vực để bàn thảo về tình hình. Washington, Tokyo và Seoul thờ ơ.
Tất cả các bên đều khẳng định muốn nối lại hội đàm sau bên, nhưng có nhiều bất đồng ở điểm khởi đầu. Trung Quốc xem đây là nơi tốt nhất để bắt đầu hội đàm. Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản tuyên bố chỉ trở lại bàn đàm phán khi có minh chứng rõ ràng rằng, Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân. Còn Triều Tiên thì muốn được công nhận là một cường quốc hạt nhân.
Tình hình càng trở nên phức tạp hơn với tiết lộ hạt nhân gần đây của Triều Tiên với tiến triển đáng kể trong quá trình làm giàu uranium.
-
Thái An (Theo Reuters)