Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine (Mỹ), phân tích, CPTPP sẽ có tác động lớn đối với hồ sơ Biển Đông. Vì khi lợi ích chung của 11 nước thành viên và các đồng minh của họ bị đe dọa thì họ sẽ có những quyết định tích cực hơn so với những tổ chức khu vực như APEC và ASEAN từ trước đến nay.

Thông báo chính thức cho hay, bộ trưởng các nước thành viên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong cuộc gặp mặt tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng đã đạt được thoả thuận cơ bản cho hiệp định TPP-11 và đồng ý đổi tên TPP thành tên gọi mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Về cấu trúc, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản - Toshimitsu Motegi cho biết hiệp định mới sẽ tích hợp TPP, đình chỉ thực hiện 20 điều khoản trong hiệp định ban đầu, bổ sung các quy định về tính hiệu lực, quy trình rút lui, gia nhập, rà soát lại CPTPP trong tương lai.

Trước đó, đàm phán giữa các bộ trưởng đã sớm đưa hiệp định TPP vào hiệu lực. Tên gọi mới và thoả thuận được đưa ra sau 4 vòng đàm phán giữa các bên. “Dù rất khó khăn, chúng tôi đều xác định là sẽ phải đạt được thoả thuận ở Đà Nẵng. Chúng tôi vẫn cố phải cân bằng duy trì chất lượng cao trong khi phải thực tế để các nước thành viên có thể thực hiện”, bộ trưởng Motegi cho hay.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi thông báo kết quả đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP năm 2017. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Diễn biến mới được coi là bước đột phá lớn của TPP, vốn rơi vào khủng hoảng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ rút khỏi hiệp định chỉ vài ngày sau khi nhậm chức đầu năm nay.

Nhiều người đã bàn về khía cạnh tác động kinh tế, tài chính, chính trị, xã hội… của TPP. Tuy nhiên, theo GS. Ngô Vĩnh Long, chuyên gia quan hệ quốc tế, Khoa Lịch sử, Đại học Maine (Mỹ) nhận định, TPP nay được đổi tên là CPTPP, còn có vai trò rất quan trọng đối với an ninh, không những cho các nước thành viên mà còn cho nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới. Người ta không đề cao trước công chúng vấn đề này vì nhiều lý do, trong đó có lý do Trung Quốc đã cho rằng TPP là một hình thức Mỹ vận động các nước thành viên để bao vây mình.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cũng phân tích, đối với riêng hai nước Nhật Bản và Việt Nam thì một thoả thuận chung về CPTPP có ảnh hưởng rất lớn trong vấn đề an ninh, đặc biệt là trong khu vực Tây Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Hiện nay các tổ chức khu vực như APEC hay ASEAN không phải là những nơi có thể dễ dàng đem những vấn đề an ninh ra bàn để đi đến những quyết định chung. Vì APEC là một tổ chức quá rộng và có quá nhiều lợi ích khác nhau. Còn ASEAN với phương thức “đồng thuận” thì khó có thể đi đến đồng thuận, đặc biệt là nếu một vài nước thành viên bị nước ngoài làm áp lực hay bị mua chuộc.

Một tổ chức như CPTPP với 11 nước thành viên có những lợi ích chung trên bình diện kinh tế và an ninh thì có thể đàm phán và quyết định các vấn đề dễ dàng hơn. Nhật Bản là nước đồng minh lớn nhất và mạnh nhất của Mỹ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Còn Việt Nam là nước có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong khu vực Biển Đông. Cho nên hai nước này có vai trò nhất định trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh đối với tất cả các nước cần trao đổi kinh tế và lưu thông hàng hải trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Đối với vấn đề CPTPP được thông qua ảnh hưởng thế nào đến kiến trúc quyền lực của khu vực, đặc biệt khi thiếu vắng Mỹ, trong khi đại dự án "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc khởi xướng đang vận hành rầm rộ, GS Vĩnh Long cho rằng, Mỹ đã là một nước mạnh trong hơn một thế kỷ qua phần lớn là do mạnh trên biển. Để duy trì sức mạnh, Mỹ không thể thiếu vắng trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đặc biệt là vì Mỹ đã bỏ ra rất nhiều sức người và sức của để tham gia bốn cuộc chiến tranh lớn trong khu vực để bảo vệ lợi ích của Mỹ.

“Một vành đai, một con đường” là một thách thức đối với Mỹ cũng như với một số đồng minh của nước này trong khu vực. Một số nước nhỏ trong khu vực thấy một số lợi ích trước mắt từ Trung Quốc, nhưng về lâu về dài những nước này có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trên bình diện xã hội, kinh tế và an ninh và không chắc gì họ sẽ vẫn hồ hởi như hiện nay.

Đối với Trung Quốc thì những con đường trên bộ có những lợi ích về chính trị nhất thời, nhưng thật ra trong lĩnh vực kinh tế thì lợi ích rất nhỏ so với vận chuyển hàng hoá trên biển và trên không. Do đó, nếu Trung Quốc thách thức Mỹ trên biển - từ Thái Bình Dương qua đến Ấn Độ Dương - và đe doạ các nước khác trong và ngoài khu vực, thì không những Mỹ sẽ phản ứng mà các nước khác cũng sẽ có những thái độ khác hơn đối với Trung Quốc.

Về tác động của CPTPP đến vấn đề tranh chấp Biển Đông, GS Ngô Vĩnh Long nhận định, CPTPP sẽ có tác động lớn đối với hồ sơ Biển Đông. Vì khi lợi ích chung của 11 nước thành viên và các đồng minh của họ bị đe doạ thì họ sẽ có những quyết định tích cực hơn so với những tổ chức khu vực như APEC và ASEAN từ trước đến nay. Có thể lúc đó Mỹ cũng sẽ phải xin gia nhập CPTPP để dùng số đông bảo vệ lợi ích của chính mình.

Theo GS Long, hiện nay không có sự hiện diện của Mỹ như là một thành viên chưa chắc đã là một bất lợi chính trị. Vì Trung Quốc đã quảng bá rầm rộ khi Mỹ chưa rút khỏi TPP là Mỹ sử dụng các nước thành viên bao vây Trung Quốc. Không có “cái cớ” nước Mỹ, Trung Quốc sẽ khó chống lại CPTPP hơn.

Kim Anh - Diệu Thúy