Anh Tuân cho rằng mức phí như hiện tại là quá cao, bất hợp lý. Mỗi ngày anh mất 300.000 tiền gửi ôtô. Bình quân mỗi tháng phải chi ra hơn 10 triệu đồng cả xăng xe.

Từ 1/1/2018, quy định tăng phí trông giữ xe của UBND Hà Nội chính thức có hiệu lực. Ngay lập tức, phí trông giữ xe theo quy định mới đã vấp phải sự phản đối của người dân.

Đa số các lái xe bức xúc cho rằng mức phí mới là quá cao, không hợp lý. Họ cho rằng việc tăng phí phải có lộ trình.

Méo mặt gửi xe 8 tiếng mất 300.000 đồng

Ngày 3/1, các điểm giữ xe tại trung tâm, các bãi giữ xe đã dán đầy đủ thông báo, công khai mức giá mới ngay từ đầu lối vào bãi gửi xe.

Anh Nguyễn Minh Tuân, giám đốc một công ty sách tại Hà Nội cho biết "Do không để ý nên tôi chưa biết thành phố áp dụng quy định định mới về phí gửi xe".

{keywords}
Nhiều chủ xe cho rằng việc tăng phí trông giữ ôtô theo quyết định mới của Hà Nội là quá cao.

Do công ty không có bãi đỗ ôtô, thường ngày, anh Tuân phải gửi xe trên đường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm). Mỗi ngày gửi 8 tiếng mất 120.000 đồng/lượt.

“Hôm 1/1, tôi gửi ôtô từ 9h đến 17h, tổng cộng 8 tiếng. Khi lấy xe về, nhân viên thông báo xe của tôi mất 300.000 đồng. Tôi tưởng họ tính nhầm nhưng không phải. Thành phố đã áp dụng mức phí mới”, anh Tuân nói.

Anh Tuân cho rằng mức phí như hiện tại là quá cao, bất hợp lý. Mỗi ngày anh mất 300.000 tiền gửi ôtô. Bình quân mỗi tháng phải chi ra hơn 10 triệu đồng cả xăng xe. “Xe thì vẫn phải đi. Gửi đâu cũng thế thôi. Mỗi ngày 300.000 phí gửi xe, chúng tôi cảm thấy sốc”, anh Tuân bức xúc.

Theo quy định mới áp dụng ngày 1/1, phí đỗ 2 tiếng đầu là 25.000 đồng/giờ. Tiếng thứ 3 và 4, mỗi giờ 35.000 đồng. Bắt đầu tư tiếng thứ 5 trở đi, 45.000 đồng/giờ. Như vậy, gửi 8 tiếng người dân phải bỏ ra tổng cộng 300.000 đồng.

Trước đó, mức đỗ xe ôtô tại Hà Nội 2 tiếng đầu tổng cộng 30.000 đồng, đỗ xe cả ngày (8 tiếng) chỉ 120.000 đồng.

Anh Nguyễn Thế Anh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết đang tính chuyển sang đi xe máy vì giá gửi xe tăng quá cao. “Vẫn biết là phải tăng phí trông giữ nhưng Hà Nội nên tăng dần, có lộ trình. Tăng hơn gấp đôi một lúc là vô lý”, anh Thế Anh nói.

“Tôi thấy mức tăng bình thường”

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH Khai thác điểm đỗ Hà Nội, cho biết việc tăng phí đã được áp dụng từ ngày 1/1/2018. Trước đó, mức phí đã được HĐND Hà Nội thông qua.

Ông Đức khẳng định mục đích Hà Nội tăng phí trông giữ xe để hạn chế việc dừng đỗ, giảm thiểu ùn tắc giao thông đô thị.

{keywords}
Theo mức phí mới, chủ xe mất 300.000 đồng cho 8 tiếng trông giữ xe.

Phó giám đốc công ty cho rằng việc người dân phản ứng tăng phí là điều dễ hiểu. Ai cũng thế, đi uống cốc cà phê, nay giá 30.000 đồng/cốc, ngày mai tăng lên 35.000 đồng họ ý kiến, phản ứng ngay.

Theo ông Đức, trước khi tăng phí trông giữ xe, Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có lẽ, nhiều người chưa tiếp nhận được thông tin nên cảm thấy bất ngờ về mức giá mới.

“Về cá nhân tôi, hiểu được mục đích tăng phí trông giữ xe của thành phố, tôi thấy mức phí như vậy là bình thường. Đã 5 năm nay Hà Nội chưa tăng phí trông giữ xe rồi”, ông Đức chia sẻ.

Hiện Hà Nội đã triển khai dịch vụ tìm kiếm điểm trông giữ xe qua thiết bị di động ở 9 quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Long Biên và Cầu Giấy.

Công ty TNHH Khai thác điểm đỗ Hà Nội có 151 điểm, đáp ứng được hơn 4.500 chỗ dành cho ôtô.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ôtô trên địa bàn TP.Hà Nội, áp dụng từ 1.1.2018. Theo đó, giá trông giữ xe máy, ôtô tại các quận sẽ tăng mạnh. 

Theo đó, giá trông xe máy tăng lên mức 3.000 - 5.000 đồng/xe/lượt; ôtô tại các quận tăng lên mức tối đa từ 30.000 - 35.000 đồng/xe/lượt.

Tại một số tuyến phố trung tâm như: Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hàng Đường, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Giấy, Phủ Doãn, Quán Sứ giá trông giữ xe dưới 9 chỗ theo tháng (cả ngày, đêm) lên tới 3-4 triệu đồng/ôtô và xe từ 10-24 chỗ ngồi có phí gửi từ 3.600.000 lên đến 5.000.000 đồng/ôtô.

(Theo Zing)