Khi những lời đồn đoán đầu tiên rộ lên về việc Apple đang phát triển một mẫu đồng hồ thông minh, người ta đều tin rằng thiết bị đó sẽ được đặt tên là iWatch.
Apple Watch |
Nếu như điểm lại phong cách đặt tên những sản phẩm trước đó của Apple như iPhone, iPad và iPod, iWatch dường như là một sự lựa chọn hiển nhiên đến mức không ai muốn phản biện nữa. Ngay cả đến sát ngày Apple công bố Apple Watch, một bộ phận không nhỏ trong giới công nghệ vẫn tin sản phẩm đó không thể có cái tên nào khác ngoài iWatch.
Chính vì thế, khi Apple gọi tên "Apple Watch" tại lễ công bố iPhone 6 và 6 Plus hồi tháng 9 năm ngoái, dư luận đã hết sức ngỡ ngàng. Cho đến tận lúc này, nhiều người vẫn thắc mắc vì sao Apple lại từ bỏ cái tên iWatch - vừa dễ nhớ, vừa ngắn gọn, vừa đặc trưng để lựa chọn "Apple Watch".
Theo tiết lộ của CNBC mới đây thì hóa ra, lý do khiến Apple không thể sử dụng tên gọi iWatch là vì hãng OMG Electronics đã đăng ký sở hữu bản quyền đối với thương hiệu iWatch ngay từ tháng 9/2012 rồi. Mục đích của OMG Electronics là thu hút đầu tư từ các thành viên của website Indiegogo nhằm sản xuất một mẫu smartwatch do hãng này thiết kế, tuy nhiên nỗ lực này đã bất thành. OMG cần tới 100.000 USD nhưng chỉ kêu gọi được 1434 USD mà thôi.
Nên biết rằng tháng 6/2007, một công ty có trụ sở tại New York là M.Z.Berger & Co cũng đã nộp đơn xin đăng ký bản quyền cái tên iWatch, nhưng khi ấy đã bị hãng đồng hồ Thụy Sĩ Swatch ra tay ngăn cản. Lập luận của Swatch là cái tên iWatch sẽ dễ gây bối rối và nhầm lẫn cho những khách hàng của Swatch. Tại châu Âu, một hãng có tên Probendi cũng sở hữu bản quyền tên gọi iWatch từ năm 2008. Trên website của mình, công ty này đe dọa kiện ra tòa bất cứ công ty nào sử dụng cái tên iWatch tại cựu lục địa. Còn tại Thụy Sĩ, cái tên Apple Watch hiện đang thuộc quyền bảo hộ thương hiệu của hãng Leonard Timepieces và điều này có thể khiến cho mẫu smartwatch của Apple ra mắt muộn tại thị trường này.
Do đó, nếu như ai đó hỏi bạn vì sao Apple không gọi mẫu smartwatch của mình là iWatch thì bạn đã biết câu trả lời rồi đấy. Tất nhiên, Apple chẳng bao giờ tiết lộ hãng có cố mua lại thương hiệu này từ OMG Electronics hay Probendi hay không (như hãng đã từng làm với iPhone và iPad trước đây). Trong trường hợp của iPhone, Apple đã phải thỏa thuận với Cisco để có quyền sử dụng tên gọi này. Còn với iPad, Cupertino đã phải trả tiền cho một doanh nghiệp có tên Proview để có thể sử dụng tên gọi iPad ở Trung Quốc đại lục.
T.Cầm