iMessage dùng màu sắc để phân biệt người dùng iPhone và người dùng nền tảng khác. (Ảnh: iMore) |
Hiroshi Lockheimer - Phó chủ tịch Google đã chỉ trích Apple đang cố tình gieo rắc "áp lực đồng trang lứa và bắt nạt bạn bè" qua ứng dụng nhắn tin iMessage khiến người dùng Android chuyển sang iPhone. Sau một báo cáo cho biết thanh thiếu niên đang muốn đổi sang iPhone để theo kịp bạn bè mình, Google tuyên bố rằng Apple mới là “kẻ bắt nạt” chứ không phải người dùng của họ.
Ứng dụng iMessage của Apple bao gồm một số tính năng độc quyền của iOS, như tạo biểu tượng cá nhân hóa Memoji hay phân biệt màu sắc nhắn tin. Cụ thể, màu xanh dương dùng biểu thị tin nhắn trao đổi bằng iPhone với nhau, còn màu xanh lá là tin nhắn được gửi từ các thiết bị khác.
Nghe có vẻ chỉ là chuyện nhỏ, nhưng chính điều này khiến iMessage trở thành một “biểu tượng địa vị”, dẫn đến việc tẩy chay người dùng Android. Nhiều người dùng Android trẻ tuổi cảm thấy bị “bỏ rơi” khi nhắn tin cho người dùng iOS. Khi nhắn tin trong một nhóm, nếu đoạn chat của bạn hiện màu xanh lá, bạn có thể cảm thấy bị tách biệt.
Lockheimer trước đó có một tuyên bố khá “gắt” trên Twitter rằng việc Apple giữ iMessage làm “của riêng” là một chiến lược có tính toán. “Gây áp lực đồng trang lứa và bắt nạt để bán được sản phẩm là một điều không cần thiết đối với một công ty lấy con người và công bằng làm tiền đề trong hoạt động tiếp thị của mình”, Lockheimer nói.
Apple đã cân nhắc việc cung cấp iMessage trên Android nhằm thu hút nhiều người dùng hơn, nhưng theo Giám đốc điều hành Apple - Phil Schiller, việc này gây hại hơn là giúp ích cho Apple.
Tất nhiên, sự lên tiếng của Google ở đây không thuần túy mang tính nhân văn. Công ty sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc Apple cung cấp iMessage trên Android. Google cũng không có đủ tư cách chỉ trích chiến lược nhắn tin của các công ty khác. Theo biên tập viên Ron Amadeo của Ars Technica, Google đã tung ra 13 ứng dụng nhắn tin riêng biệt kể từ khi iMessage ra mắt vào năm 2011 nhưng hầu hết đều thất bại.
Google đang cố gắng xây dựng một nền tảng nhắn tin để cạnh tranh với ứng dụng iMessage của Apple. Đó là RCS nhằm thay thế SMS, cho phép chia sẻ tệp phương tiện, quyền riêng tư lớn hơn và đặc biệt có thể dùng để nhắn tin với các tính năng tương tự như iMessage, giúp Google nhận được sự ủng hộ từ những nhà mạng lớn của Mỹ.
Với sự hỗ trợ của iOS cho RCS, Google lưu ý rằng giới trẻ Mỹ sẽ giảm bớt áp lực mua iPhone để theo kịp bạn bè, các bậc phụ huynh cũng thấy nhẹ nhàng hơn nếu mua cho con mình một chiếc điện thoại Android thay vì iPhone đắt đỏ.
Hương Dung (Tổng hợp)
Apple đã chi bao nhiêu tiền cho nhà phát triển App Store năm 2021?
Trong năm 2021, Apple đã số tiền kỷ lục cho các nhà phát triển ứng dụng trên chợ App Store của hãng.