Hôm 27/8, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc tuyên bố lịch làm việc từ 9-21h, 6 ngày/tuần phổ biến trong lĩnh vực công nghệ (văn hóa 996) là trái quy định pháp luật, vi phạm quyền lợi của người lao động.
Theo SCMP, đây là lời cảnh báo đanh thép của các cơ quan quản lý Trung Quốc đối với những gã khổng lồ công nghệ của nước này, vốn kêu gọi nhân viên tham gia vào lịch trình làm việc khốc liệt trong nhiều năm qua.
Vi phạm pháp luật lao động
"Gần đây, tình trạng làm thêm giờ quá mức trong một số ngành công nghiệp nhận được sự nhiều quan tâm", Tòa án Nhân dân Tối nêu trong tài liệu đồng phát hành với Bộ Nguồn nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc.
Giới chức nước ngày cho rằng người lao động xứng đáng được hưởng quyền lợi nghỉ ngơi, chủ sử dụng lao động có nghĩa vụ tuân thủ quy định hệ thống giờ làm việc quốc gia.
Văn hóa làm việc 996 của giới công nghệ Trung Quốc vừa bị đặt ngoài vòng pháp luật. Ảnh: Getty Images. |
Tài liệu trích dẫn 10 trường hợp vi phạm quy tắc lao động của một số công ty ở các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả ngành công nghệ. Việc yêu cầu nhân viên hoạt động theo lịch như vậy "đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về thời gian làm thêm", tòa án tuyên bố.
Chẳng hạn, sự việc diễn ra ở một công ty chuyển phát nhanh (không nên tên), doanh nghiệp đã sa thải nhân viên chỉ vì người này phản đối làm từ 9-21h mỗi ngày và 6 ngày/tuần. Lịch làm việc này được viết trong nội quy của công ty. Tuy nhiên, cơ quan quản lý khẳng định đây là hành vi sai trái, buộc phía chủ lao động phải bồi thường 1.234 USD.
Trong một vụ khác, nhân viên ngành truyền thông bất tỉnh trong phòng vệ sinh lúc 5h30, sau đó chết vì trụy tim. Tòa án Trung Quốc khẳng định cái chết của người này có liên quan đến công việc và yêu cầu công ty bồi thường cho gia đình nạn nhân khoảng 62.000 USD. Mới đây, 2 nhân viên Pindoudou thiệt mạng, một vì làm việc quá sức, một tự sát.
Theo luật lao động của Trung Quốc, 996 vẫn có thể hợp pháp nếu không bị lạm dụng, bến thành một lịch trình cố định. Luật cho phép người lao động làm thêm tối đa 3h/ngày. Ca làm việc 12h hợp pháp nếu bao gồm 1h nghỉ trưa. Ngoài ra, tổng số giờ làm thêm mỗi tháng bị giới hạn ở mức 36h.
Lời cảnh báo đanh thép
Theo SCMP, việc công bố các vụ vi phạm luật lao động vào thời điểm này làm dấy lên suy đoán về khả năng nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu có lập trường cứng rắn hơn đối với giới công nghệ trong vấn đề sử dụng nhân viên.
Alibaba là một trong những ông lớn công nghệ Trung Quốc hô hào thực hiện lịch làm việc 996. Ảnh: AP. |
Văn hóa 996 là một yếu tố quan trọng trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt đối với các startup đang chạy đua để mở rộng quy mô trên thị trường có tính cạnh tranh khốc liệt.
Chiến dịch chống 996 có thể nhắm trực tiếp vào các tập đoàn Internet khổng lồ như Alibaba, JD.com, Pinduoduo, ByteDance… Đây chính là những doanh nghiệp đề cao lối làm việc 996 trong nhiều năm qua, đồng thời cũng là điểm xuất phát luồng phản ứng gay gắt trước tình trạng bị bóc lột sức lao động quá mức, thậm chí bức tử nhân viên.
Ngoài ra, Financial Times nhận định, động thái mới của nhà chức trách Trung Quốc là một phần trong đợi chấn chỉnh, rà soát lớn đối với hoạt động kinh doanh tại nước này.
Các ông lớn công nghệ bắt đầu bị giám sát chặt chẽ hơn từ tháng 11/2020, khi Trung Quốc đình chỉ đợt phát hành cổ phiếu trị giá 37 tỷ USD của fintech Ant Group, do tỷ phú Jack Ma điều hành.
Jack Ma tiếp tục đón nhận tin xấu khi tập đoàn thương mại điện tử Alibaba do ông sáng lập chịu mức phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD vì vi phạm luật chống độc quyền.
Đến đầu tháng 7, Trung Quốc gỡ ứng dụng Didi Global trên các nền tảng di động, cấm đang ký tài xế và người dùng mới. Gã khổng lồ gọi xe bị cáo buộc thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp. Vụ điều tra diễn ra ngay sau khi Didi IPO thành công trên sàn chứng khoán Mỹ.
Theo CNN, tính từ mức cao vào đầu năm đến tháng 8, vốn hóa của các công ty hàng đầu Trung Quốc đã bốc hơi 1.200 tỷ USD. Phần quan trọng trong số này đến từ các startup công nghệ.
Theo Zing
Bị phản đối, vì sao văn hóa 996 vẫn tồn tại ở Trung Quốc?
996 là cách sống, cách làm việc cực đoan đã dẫn đến cái chết của nhiều người lao động tại Trung Quốc.