Trung Quốc đang nỗ lực tạo ra những đồng tiền Nhân dân tệ được mã hóa và có thể sử dụng rộng rãi trong đời sống. Đây được xem là động thái có thể làm lung lay sự thống trị của đồng USD, theo Wall Street Journal.
Đồng Nhân dân tệ sau khi được mã hóa, trông giống tiền giấy thông thường. Ảnh: Wall Street Journal. |
Các loại tiền mã hóa, như Bitcoin, đã báo trước tương lai tiềm năng cho các loại tiền kỹ thuật số. Tuy nhiên, hiện tại chúng vẫn lưu hành ngoài hệ thống tài chính truyền thống toàn cầu và không được công nhận hợp pháp như tiền mặt do chính phủ phát hành.
Nhưng đồng Nhân dân tệ mã hóa do chính Ngân hàng trung ương Trung Quốc kiểm soát. Loại tiền này dự kiến sẽ giúp chính phủ Trung Quốc kiểm soát cả nền kinh tế và người dân của họ.
Bắc Kinh đang dự tính biến đồng Nhân dân tệ thành loại tiền mã hóa được sử dụng rộng rãi trên quốc tế. Điểm đặc biệt là những tờ tiền kỹ thuật số này không bị ràng buộc vào hệ thống tài chính toàn cầu, nơi mà đồng USD là "kẻ thống trị" kể từ Thế chiến thứ 2.
Wall Street Journal cho biết Trung Quốc đang nỗ lực số hóa tiền để có thể dẫn đầu các công nghệ của tương lai.
Mối lo ngại mới của nền tài chính Mỹ
Tiền mã hóa có thể thay đổi các nguyên tắc cơ bản của tài chính, cũng như cách Amazon làm gián đoạn hoạt động bán lẻ và Uber làm xáo trộn hệ thống taxi.
“Để bảo vệ chủ quyền tiền tệ và tình trạng tiền tệ hợp pháp của quốc gia, chúng tôi phải lên kế hoạch trước”, Mu Changchung, người điều hành dự án tiền mã hóa tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết.
Trung Quốc từ lâu đã là đối thủ kinh tế của Mỹ. Việc đất nước tỷ dân phát hành tiền mã hóa khiến các nhà lý thuyết tiền điện tử tại Washington lo ngại. Trong những tuần gần đây, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết họ đang nghiên cứu một cách nghiêm túc vấn đề Trung Quốc mã hóa đồng Nhân dân tệ.
Trung Quốc đã nhận ra tiềm năng của tiền kỹ thuật số kể từ những ngày đầu của Bitcoin. Ảnh: Wall Street Journal. |
Đồng USD trước giờ đã bỏ xa các loại tiền tệ khác trong giao dịch ngoại hối quốc tế. Theo bảng xếp hạng mới nhất của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, con số này đạt 88%. Nhân dân tệ chỉ được sử dụng 4%.
Các nhà phân tích và nhà kinh tế tại Mỹ cho rằng số hóa đồng Nhân dân tệ sẽ không biến nó thành đối thủ của đồng USD trong thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, nó có thể giúp Trung Quốc đạt được lợi nhuận biên (lợi nhuận kiếm được khi sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm) trên hệ thống tài chính quốc tế.
Theo Wall Street Journal, người dân ở các nước chưa phát triển sẽ có thêm một loại tiền khác bên cạnh đồng USD để chuyển tiền quốc tế. Ngay cả khi việc lưu hành quốc tế gặp hạn chế thì đồng tiền này cũng giúp Trung Quốc đối mặt với lệnh cấm của Mỹ đang áp dụng lên nhiều công ty Trung Quốc.
Josh Lipsky, cựu nhân viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hiện làm việc tại Viện nghiên cứu của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết đồng Nhân dân tệ mã hóa có thể đe dọa đồng USD về lâu dài và đây là vấn đề an ninh quốc gia.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Việc sử dụng đồng Nhân dân tệ mã hóa không cần kết nối Internet. Hiện tại, đã có hơn 100.000 người Trung Quốc tải xuống ứng dụng của ngân hàng trung ương để chi tiêu loại tiền này tại nhiều cửa hàng như Starbucks và McDonald.
Tao Wei, một phụ nữ trẻ ở Bắc Kinh đánh giá nó khá tốt. Cô chỉ cần hướng điện thoại về phía máy quét là có thể trả tiền cho bức chân dung sinh nhật con gái 2 tuổi.
Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số đang được thử nghiệm rộng rãi và nhận được đánh giá tích cực của người dân. Ảnh: Wall Street Journal. |
Trung Quốc tuyên bố đồng kỹ thuật số mới sẽ lưu hành cùng tiền mặt trong một thời gian. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang đặt mục tiêu số hóa tất cả tiền của mình. Các quan chức Trung Quốc chưa xác nhận điều này.
Kể từ khi thanh toán trực tuyến trở thành tiêu chuẩn, Trung Quốc đã nỗ lực để kiểm soát dòng tiền trong nước. Tuy nhiên, ông Mu khẳng định ngân hàng trung ương sẽ hạn chế theo dõi khi người dân sử dụng loại tiền mã hóa này. Ông gọi đây là sự "ẩn danh trong tầm kiểm soát".
Đồng tiền kỹ thuật số mới này sẽ là phương pháp mới để Chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát giao dịch trong nước. Ảnh: Wall Street Journal. |
Theo Wall Street Journal, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt chẽ loại tiền kỹ thuật số này để đảm bảo không có sự khác biệt giữa nó và tiền giấy. Điều đó đồng nghĩa các nhà đầu tư sẽ không có cơ hội đầu cơ như người ta vẫn thường làm với Bitcoin và các loại tiền mã hoá.
Trung Quốc sẽ phát triển các biện pháp chống hàng giả để ngoài Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ra, không ai có thể tạo ra đồng tiền này.
Hiện tại, Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa công bố cụ thể luật sử dụng những đồng tiền kỹ thuật số. Ngân hàng trung ương cho biết mỗi Nhân dân tệ được mã hóa sẽ hủy bỏ một Nhân dân tệ tiền mặt. Lượng tiền mà một người có thể sở hữu cũng được giới hạn.
"Trong cái khó ló cái khôn"
Khi Bitcoin ra mắt vào năm 2009, các nhà hoạch định chính sách tại hầu hết quốc gia đã đánh giá thấp tầm quan trọng của nó, trừ Trung Quốc.
Zhou Xiaochuan, giám đốc ngân hàng trung ương từ năm 2002-2018, cho biết Bitcoin khiến ông vừa kinh ngạc vừa sợ hãi. Vào năm 2014, ông đã tìm cách phát triển một loại tiền kỹ thuật số của riêng Trung Quốc.
Trung Quốc không phải người tiên phong về tiền tệ. Trước đây, khi các loại tiền tệ phổ biến khác đang giao dịch rầm rộ trên thị trường quốc tế, đồng Nhân dân tệ lại bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ.
Cùng lúc đó, một cuộc cách mạng công nghệ-tài chính diễn ra ở Trung Quốc. Các ứng dụng như AliPay và WeChat bùng nổ khiến tiền mặt mất dần chỗ đứng. Doanh nghiệp đã có thêm nhiều phương tiện thanh toán trực tuyến thay thế.
Với sự phát triển của công nghệ thanh toán, Trung Quốc nhanh chóng nắm bắt thời cơ phát triển tiền mã hóa để có thể cạnh tranh với đồng USD. Ảnh: Wall Street Journal. |
Sau đó, vào giữa năm 2019, Facebook cho biết họ sẽ phát triển tiền điện tử của riêng mình. Đây là lúc Trung Quốc nhận ra công nghệ có thể thay thế tiền tệ truyền thống.
Trong khi các nhà quản lý tại Mỹ tập trung ngăn chặn Facebook, Trung Quốc đã tăng tốc phát triển đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số và đưa ra thử nghiệm vào tháng 4 năm 2020.
Sự phát triển của tiền mã hóa Trung Quốc đã khiến Mỹ lo ngại.
“Bạn sẽ không muốn tiền tệ của quốc gia khác lưu hành trong nước bạn”, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Trung ương Châu Âu cho biết.
Hiện tại, Mỹ là nhà phát hành đồng USD của hơn 21.000 ngân hàng trên thế giới. Điều này mang lại cho Washington khả năng đóng băng các cá nhân và tổ chức ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu bằng cách cấm các ngân hàng thực hiện giao dịch với họ. Hành động này được chỉ trích là “vũ khí hóa đồng USD”.
Gặp khó khăn khi đối mặt với Mỹ bằng tiền giấy, Trung Quốc nhanh chóng biến Nhân dân tệ thành tiền kỹ thuật số. Ảnh: Fortune. |
Ví dụ, Mỹ đã trừng phạt Triều Tiên và Iran vì các chương trình hạt nhân và làm suy yếu nền kinh tế của 2 nước này. Sau cuộc đảo chính tháng 2 ở Myanmar, Mỹ đã chặn việc di chuyển tài sản của các quan chức quân sự thông qua ngân hàng. Danh sách cấm của Mỹ có thể nói là chạm đến hầu hết quốc gia.
Trung Quốc từ lâu đã không hài lòng với việc làm của Mỹ khi danh sách đen của họ có hơn 250 cái tên là chính trị gia ở đất nước tỷ dân này. Theo Wall Street Journal, khi đồng mã hóa Nhân dân tệ trở nên phổ biến, những đối tượng bị Chính phủ Mỹ trừng phạt có thể đổi tiền mà không cần đến Mỹ.
Theo Zing/Wall Street Journal
Trung Quốc gặp khó với 'chợ đen' mua bán thông tin cá nhân
Trung Quốc muốn doanh nghiệp tận dụng toàn bộ tiềm năng của dữ liệu để thúc đẩy lĩnh vực kỹ thuật số. Nhưng vấn nạn mua bán thông tin cá nhân khiến nước này rơi vào thế khó.