Đe dọa bất thành
Meta, công ty mẹ của Facebook gần đây đã gây xôn xao vì lời đe dọa sẽ đóng cửa các dịch vụ Facebook và Instagram ở Châu Âu do các quy định mới được đưa ra, theo đó công ty phải xử lý dữ liệu người dùng châu Âu trên máy chủ ở khu vực này.
Vì sao Facebook không thể ‘đoạn tuyệt’ với châu Âu? |
Trước sự đe dọa này, Bộ trưởng Kinh tế Đức - Robert Habeck và Bộ trưởng Tài chính Pháp - Bruno Le Maire nói rằng Meta cần tuân thủ các quy định mới của EU, nếu không các nền tảng truyền thông xã hội của nó sẽ bị cấm trên toàn châu Âu. Facebook cũng đối mặt với làn sóng tẩy chay mạnh mẽ của người dùng sau động thái này.
Trước tình hình căng thẳng vào ngày 8/2, Phó Chủ tịch Markus Reinisch đã có bài viết trên blog của Meta để phản hồi về vấn đề này. Theo ông Reinisch, Meta không hề đe dọa rút khỏi châu Âu, báo chí đưa thông tin sai sự thật.
Meta chỉ ra rằng, cũng giống như các công ty khác, họ lo ngại rằng việc ngăn chặn việc truyền dữ liệu xuyên Đại Tây Dương sẽ cản trở hoạt động kinh doanh. Ít nhất 70 công ty khác trong nhiều ngành, bao gồm mười doanh nghiệp châu Âu, cũng đã nêu ra những rủi ro xung quanh vấn đề này.
Lợi bất cập hại
Trên thực tế, việc Facebook rút khỏi thị trường châu Âu sẽ mang lại nhiều tổn thất cho công ty hơn là lợi ích. Theo báo cáo của Facebook vào quý 4/2021, Facebook có hơn 309 triệu người dùng hoạt động hàng ngày ở Châu Âu. Mặc dù không có bất kỳ sự tăng trưởng nào trong năm quý vừa qua, nhưng nó chiếm gần 16% lượng người dùng toàn cầu. Số lượng người dùng hoạt động hàng tháng cho khu vực này là 427 triệu, chiếm 14,6%.
Bên cạnh đó, trong quý 4/2021, tổng doanh thu của Meta tại châu Âu là 8,3 tỷ USD, tương đương với 24% tổng doanh thu toàn cầu. Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) của Facebook là 19,68 USD - cao nhất từ trước đến nay đối với khu vực này.
Tất cả những con số trên cho thấy người dùng châu Âu rất có giá trị đối với Meta. Đối với một công ty đang mất giá cổ phiếu nhanh chóng, việc rút khỏi khu vực tạo ra doanh thu đáng kể là hoàn toàn không hợp lý. Thêm vào đó, nhiều trung tâm dữ liệu và văn phòng công nghệ của Meta hiện vẫn đang có trụ sở trong biên giới châu Âu.
Lợi thế duy nhất đối với việc Meta rút khỏi châu Âu là nó không phải đối mặt với các vụ kiện chống độc quyền giống như ở Mỹ. Tuy nhiên công ty sẽ tổn thất rất nhiều về mặt kinh tế và đó không phải là con số mà Mark Zuckerberg muốn chi trả.
Đây không phải là lần đầu tiên Meta đưa ra lời đe dọa rời khỏi một thị trường cụ thể. Năm ngoái, Meta đã cấm người dùng truy cập hay chia sẻ tin tức ở Úc, nhằm hù dọa nhằm khiến chính phủ Úc sửa đổi quy tắc thương lượng trên phương tiện truyền thông của mình.
Rob Nicholls, Phó giáo sư và chuyên gia chính sách cạnh tranh của Đại học New South Wales, cho biết các công ty nền tảng kỹ thuật số như Meta phụ thuộc nhiều vào hiệu ứng mạng, chứ không phải là doanh nghiệp sản xuất, vì thế đe dọa chính phủ sẽ là hành động “mua dây buộc mình”, không chỉ ảnh hưởng xấu đến doanh thu mà còn cả sự ổn định của toàn mạng lưới. Chẳng hạn, những người sống ở Úc giao tiếp với gia đình và bạn bè ở châu Âu bằng Instagram hoặc WhatsApp, hoàn toàn có thể chuyển sang một nền tảng khác nếu Meta đóng cửa ứng dụng ở hai thị trường này.
Thêm vào đó, với việc các chính phủ ngày càng tự tin hơn trong việc không phụ thuộc vào các nhu cầu công nghệ lớn, Meta đang bị ràng buộc, đặc biệt là khi 98% doanh thu của nó vẫn đến từ quảng cáo kỹ thuật số.
Facebook nên làm gì?
Nếu EU và Mỹ không thể đi đến một giải pháp chung về cách thức truyền dữ liệu, Facebook rõ ràng chỉ có hai lựa chọn.
Đầu tiên là rút một số dịch vụ của mình khỏi EU. Đây không phải là một lựa chọn hấp dẫn vì EU có dân số tương đương với Mỹ. Trong quý gần đây nhất, gần 25% doanh thu quảng cáo của công ty đến từ châu Âu.
Giải pháp thay thế khác là Meta sẽ thay đổi các quy trình kinh doanh của mình để phù hợp với các quy định mà châu Âu đưa ra. Tuy nhiên, tùy chọn này sẽ tốn kém vì nó sẽ đòi hỏi Meta phải có các trung tâm dữ liệu lớn và riêng biệt ở Châu Âu.
Hiện tại, chưa rõ Meta sẽ quyết định như thế nào. Tuy nhiên, vào thời điểm công ty đang có nhiều biến động cũng như nhận được sự phản hồi gay gắt từ phía Đức và Pháp, thực hiện những động thái mang tính “xoa dịu” là điều Facebook nên cân nhắc.
Hương Dung (Tổng hợp)
Hàng tỷ iPhone đã bị hack, Facebook dọa sẽ đóng cửa tại châu Âu
Facebook dọa sẽ đóng cửa tại châu Âu; thêm 1 công ty khai thác lỗ hổng nghiêm trọng của iPhone; EU vung 49 tỷ USD giải cơn khát chip;... là những thông tin nổi bật trong bản tin Công nghệ thứ 7 tuần này.