Thu nhập người dân đạt 37.000USD vào năm 2045 

Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, TP dựa trên cơ sở của dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng để xây dựng chương trình phát triển bền vững, cùng cả nước, vì cả nước.

Theo Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong, trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy góp ý văn kiện Đại hội XI của Đảng bộ Thành phố; cùng với nghiên cứu dự thảo văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương, đó là:  

Đến năm 2025: TP.HCM là đô thị thông minh, phát triển dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại; là động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

{keywords}
Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong

Đến năm 2030: Là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. TP đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000USD,

Đến năm 2045: Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Theo ông Phong, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, TP đã đề ra 26 chỉ tiêu phát triển trên 5 lĩnh vực, như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) bình quân hàng năm khoảng 8%; kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm… 

Để đạt được các mục tiêu đó, người đứng đầu chính quyền TP, cho rằng phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực.  

Trong đó, quan trọng hàng đầu là triển khai thực hiện Đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.  

Tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, phần mềm, sản phẩm số.

Xây dựng Thủ Đức trở thành một cực tăng trưởng mới cho TP và cả vùng trên nền tảng phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP. 

Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Phát huy tối đa lợi thế kinh tế biển và khu vực ven biển, đây là một hướng phát triển mới về kinh tế gắn với bảo vệ môi trường của TP.

Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho TP phát triển bền vững.

Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực ưu tiên (CNTT - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch và quản lý đô thị); tiếp tục phát huy vai trò trung tâm GD-ĐT của cả nước.

Phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên các lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G.

“Đặc biệt, xây dựng TP trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”, ông Phong khẳng định.

Cũng theo ông Phong, phải xem quy hoạch là công cụ quan trọng để quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài phát triển các dự án nhà ở xã hội, TP tập trung thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, như: Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Nam thành phố, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Tập trung xây dựng thành phố sạch và xanh, thân thiện với môi trường; chú trọng phát triển giao thông, giảm ngập nước, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông…

Ba đột phá

Theo Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong, trên cơ sở 3 đột phá chiến lược theo dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, TP vận dụng sáng tạo để xây dựng 3 chương trình đột phá; 1 chương trình trọng điểm với 51 đề án, tạo tiền đề vững chắc phát triển TP, bao gồm:

Chương trình đột phá đổi mới quản lý TP: Triển khai các cơ chế, chính sách quản lý TP phù hợp tính chất đô thị đặc biệt, đầu tàu về nhiều mặt của cả nước; xây dựng chính quyền đô thị; hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với thành lập TP Thủ Đức; thực hiện nhanh chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số…

{keywords}
Hạ tầng hiện đại, đồng bộ sẽ giúp TP.HCM phát triển bền vững, bứt phá

Chương trình đột phá phát triển hạ tầng TP: Phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng dịch vụ, viễn thông, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp, giao thông…

Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TP: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đạt trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực; phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển tiềm năng trí tuệ của nguồn nhân lực thành những thành quả ứng dụng và sáng tạo khoa học công nghệ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP: Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hợp tác các ngân hàng, tổ chức tài chính và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển; chú trọng phát triển sản phẩm và thương hiệu sản phẩm, nâng cao tỉ lệ cung ứng sản phẩm đặc trưng của TP trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“TP.HCM luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, nghiên cứu sâu các nội dung dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng để vận dụng triển khai gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Góp phần đưa đất nước phát triển bền vững, ngày càng nâng cao uy tín, vai trò, vị thế trên trường quốc tế”, ông Phong khẳng định.

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương: Đại hội XIII khơi dậy khát vọng, tiềm năng người Việt Nam

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương: Đại hội XIII khơi dậy khát vọng, tiềm năng người Việt Nam

Từ nhiệm kỳ này, phải dùng nguồn lực sáng tạo của con người thay cho nguồn lực tài nguyên thiên nhiên đang dần hạn hẹp. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng nói như vậy khi trao đổi với VietNamNet dịp Đại hội XIII. 

Hồ Văn - Bảo Anh