- Ở thế kỷ 21 này vẫn còn nhiều phụ nữ khốn khổ chỉ vì không sinh được con trai. Tư tưởng trọng nam khinh nữ của một bộ phận người Việt vẫn còn rất nặng nề.

Sinh một chặp 3 đứa con gái, chị T. Hương (Sóc Sơn, Hà Nội) bị cả gia đình chồng hắt hủi. Chị bảo, chị sinh con gái đầu lòng, bố mẹ chồng có vẻ không hài lòng nhưng chỉ giục hai vợ chồng mau mau có thêm đứa nữa. Đến khi chị mang bầu đứa thứ hai, biết là con gái, bố mẹ chồng tức ra mặt. Mấy ngày ở viện sinh con, chỉ thui thủi một mình chồng chăm sóc, bố mẹ chồng thậm chí không gọi điện hỏi thăm lấy một câu.

“Đến khi tôi mang thai đứa thứ 3, lại là con gái thì bố mẹ chồng tôi chửi. Bảo tôi chỉ biết ăn mà không biết đẻ. Ông bà còn xúi chồng tôi bỏ vợ cưới người khác, không thì đi cặp bồ cũng được miễn là tìm được người đàn bà biết đẻ cháu trai cho họ”, chị Hương chua xót kể.

Chị Hương bảo, chồng chị không phải là con trai duy nhất trong gia đình, dưới anh còn một người em trai. Thế nhưng bố mẹ chồng cứ bắt chồng chị phải có con trai để lo hương hỏa cho gia đình. Vì chị không đẻ được con trai nên thường xuyên bị mẹ chồng đay nghiến.

“Cũng may là vợ chồng tôi đã chuyển ra ở riêng. Nhưng mỗi lần về thăm gia đình hay cỗ chạp gì là y như rằng tôi bị nhà chồng đay nghiến, mắng chửi. Thương nhất là ba đứa con nhỏ, về thăm mà ông bà cứ thờ ơ như người dưng nước lã”, chị nói.

Tư tưởng trọng nam khinh nữ đẩy nhiều phụ nữ vào cảnh khốn khổ vì không sinh được con trai. Ảnh minh họa

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đang ở mức báo động đỏ với 112,3 bé trai/100 bé gái. Tình trạng thừa nam thiếu nữ được dự báo trong khoảng chục năm nữa Việt Nam sẽ thiếu cô dâu, khoảng 4 triệu đàn ông sẽ ế vợ. Thế nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn khiến nhiều gia đình làm mọi cách để sinh con trai.

Chị Lan Anh (Ba Đình, HN) từng chứng kiến câu chuyện đau lòng của một người phụ nữ chỉ vì không sinh được con trai. Chị kể: “Lần tôi vào bệnh viện sinh cháu thứ 2, gặp một chị quê ở Hải Dương. Gia đình chồng rất thích có cháu đích tôn. Chị ấy sinh 2 đứa con đều là gái cả. Đến đứa thứ 3 gia đình chồng bắt phải đi siêu âm giới tính, là gái thì bỏ. Đứa thứ 4 cũng vậy. Trong hơn 1 năm chị phải nạo thai 2 lần, chỉ vì chưa phải con trai. Toàn thai to rồi mới nạo nên sức khỏe chị yếu dần.

Đến lần mang thai thứ 5 được đứa con trai, gia đình chồng mừng lắm. Mua đủ thứ để tẩm bổ cho chị. Nhưng đến tháng thứ 5 thì sảy. Thế là gia đình chồng trở mặt, không thèm chăm sóc gì nữa. Chị bị băng huyết nên phải chuyển ra bệnh viện ở Hà Nội, chỉ có mẹ đẻ ra thăm còn nhà chồng thì không hỏi han lấy một câu. Nghe chị ấy kể mà không tin vào tai mình nữa, làm phụ nữ khổ quá”.

K. Minh