- Có tấm bằng thạc sĩ nhưng lương vẫn không đủ sống, Thúy phải bán hàng qua mạng để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Khó kiếm việc làm nên vừa tốt nghiệp Đại học là Lê Thị Thúy (quê Lào Cai) thi cao học và đỗ luôn. 26 tuổi, Thúy đã có tấm bằng thạc sĩ trong tay. Thế nhưng tấm bằng ấy cũng không thể đảm bảo cho Thúy tìm được một công việc có thu nhập tốt.

Thúy bảo, thời gian học thạc sĩ cô cũng đi tìm việc và được nhận vào làm ở một công ty tư vấn tài chính, nhưng lịch học thay đổi liên miên, công việc lại áp lực nên cô bắt buộc phải bỏ việc. Tiền chu cấp của bố mẹ không đủ trang trải cuộc sống vì lớp cao học phải “đóng góp” nhiều nên Thúy tìm cách xoay xở.

“Mới đầu mình xin làm phục vụ ở một quán cà phê, thu nhập cũng khá nhưng thời gian làm muộn quá, đêm nào cũng 12 giờ mới về đến nhà. Bố mẹ ở quê biết chuyện bắt nghỉ. Sau đó nhận bán quần áo online cho một shop thời trang, mỗi chiếc được trích hoa hồng 50 ngàn. Hàng thời trang bán chậm nên mỗi tháng cũng chỉ bán được 7-8 chiếc”, Thúy kể.

{keywords}

Mật ong rừng – một trong những nông sản mà Thúy bán.

Làm quen với môi trường kinh doanh trên mạng, Thúy phát hiện ra nhu cầu mua hàng nông sản của các bà nội trợ là rất lớn. Thúy quyết định thôi bán quần áo, chuyển sang bán nông sản online. Lúc đầu Thúy chỉ bán nấm hương, chua chát khô, mật ong rừng, rượu vì các sản phẩm này vốn ít, để lâu không sợ hỏng. Khi có lượng khách ổn định, đơn hàng nào Thúy cũng nhận, từ thuốc tắm của người Dao đỏ, lá nếp cẩm đồ xôi đến các nông sản nổi tiếng của Lào Cai như mận Tam Hoa, hạt dẻ rừng, trám tươi.

“Bán hàng qua mạng linh động về thời gian. Ở nhà mẹ mình cũng buôn bán nên nhập hàng được giá tốt. Đường sá bây giờ thuận tiện nên vận chuyển cũng dễ, cứ có đơn hàng hôm trước là hôm sau có hàng ở Hà Nội. Mỗi tháng cũng kiếm được khoảng 2-3 triệu”, Thúy nói.

Giờ đây, Thúy đang làm hợp đồng cho một viện nghiên cứu kinh tế ở Hà Nội. Lương theo bậc nhà nước, gần 3 triệu đồng/tháng. Đi làm, thêm nhiều khoản chi tiêu nên Thúy vẫn phải duy trì bán hàng qua mạng.

“Giờ mới thấy tấm bằng chẳng nói lên điều gì cả. Đi xin việc ở các doanh nghiệp bên ngoài nhiều nơi còn không tuyển thạc sĩ cơ. Mình phải chấp nhận thực tế thôi, trong lúc khó khăn thế này thì thạc sĩ hay tiến sĩ cũng phải kiếm sống. Miễn sao kiếm tiền bằng sức lao động của mình thì không có gì phải xấu hổ cả”, Thúy chia sẻ.

K. Minh