Đọc bài "Đạo làm dâu suy đồi là do phụ nữ quá ích kỷ" của Phạm Kiên, tôi nghĩ sao anh không thử đặt trường hợp ngược lại, anh làm rể nhà vợ, được bố mẹ vợ dạy, anh có ngoan ngoãn không cãi lại một lời? Anh có nguyện hi sinh tất cả cho gia đình vợ không?
Tôi là một độc giả nam nhưng tôi không đồng tình với quan điểm của anh Phạm Kiên, người chồng đòi hỏi người phụ nữ phải “gọi dạ, bảo vâng”, hi sinh tất cả cho gia đình chồng. Tư tưởng của anh cổ hủ và quá gia trưởng.
Ảnh minh họa |
Tuổi thơ tôi đã chứng kiến cảnh mẹ tôi thức khuya may vá kiếm tiền và sáng phải dậy sớm để chạy chợ. Ông bà nội chỉ ở nhà quanh quẩn trông cháu, bố tôi làm chân quèn ở xã cũng chả thu nhập được là bao, mẹ tôi một mình chạy chợ nuôi cả gia đình chồng, bao gồm cả một cô út, em gái bố tôi nữa. Những ngày Lễ, Tết, mẹ còn vất vả hơn gấp bội ngày thường. Dọn dẹp, chuẩn bị cỗ bàn, hầu như thời gian đó mẹ tôi chỉ cắm đầu trong bếp để làm cơm tiếp khách đến chúc Tết gia đình chồng. Cứ Tết xong là mẹ lại ốm dài ngày vì làm việc quá sức. Nhưng mẹ vẫn cố gắng dậy sớm chạy chợ, bởi nếu không chạy chợ, nhà chả biết lấy gì mà tiêu. Chứng kiến phận làm dâu khổ hạnh của mẹ, tôi đã tự nhủ là sau là sẽ không để vợ tôi phải rơi vào hoàn cảnh như vậy nữa.
Tôi thấy anh cũng nhận ra rằng “phụ nữ ngày xưa khổ trăm bề”, “các bà các mẹ ngày xưa làm dâu khổ trăm bề...”, “phụ nữ ngày xưa một nách...vai gồng “vai gánh...”; nói chung là "nhận thức" được cái khổ của người phụ nữ ngày xưa, của mẹ mình, của bà mình...vậy sao anh lại muốn vợ mình “noi gương” họ, tiếp tục chấp nhận khổ trăm bề?
Vợ chồng là cùng nhau hi sinh, chia sẻ công việc với nhau vì hạnh phúc gia đình. Vợ chồng phải tôn trọng, chăm sóc lẫn nhau chứ không phải vợ osin, tôi tớ, còn chồng là ông chủ mà có quyền hạch sách như thế. Phụ nữ xưa gánh vác cả giang sơn nhà chồng không một lời ca than, nhưng thử hỏi họ có cảm thấy hạnh phúc không?
Người vợ lo cho chồng và gia đình chồng là đúng. Nhưng đừng nên đòi hỏi quá đáng bạn à. Vợ tôi, vợ anh và vợ của nhiều người đàn ông khác hàng ngày vẫn đến công sở 8 tiếng, tức họ còn làm việc ngoài xã hội nữa. Nếu đòi hỏi họ họ về lao động quần quật ở nhà nữa thì họ sức đâu mà chịu.
Là người chồng, trước tiên phải biết tôn trọng vợ và gia đình vợ, rồi biết lo cho vợ, chia sẻ cùng vợ. Thế mới đáng mặt nam tử hán, đại trượng phu!
Độc giả Hoài Nam