- Nhiều chuyên gia nhận định, những hành động lố của “bà Tưng” có thể chỉ là một chiêu để gây sự chú ý cho mục đích quảng cáo.
Từ clip thả rông ngực để nhảy “Gentleman", đến clip “giáo dục sinh lý” và một loạt những tuyên bố mạnh miệng “sẽ không dừng lại”, “muốn nổi tiếng, cực kỳ nổi tiếng” hay “có sóng gió thì đời mới vui”... cô gái có biệt danh là “bà Tưng” đang được nhắc đến nhiều nhất trên mạng internet.
Chỉ trong vòng một tuần, cô gái này đã lôi kéo được hơn 150.000 người theo dõi trên facebook. Điều đáng nói là vì cô mà cư dân mạng quay ra tranh luận nảy lửa, thậm chí là lăng mạ nhau khi một bên thì ủng hộ những hành động của cô, một bên là “ném đá”, mắng nhiếc không tiếc lời.
Theo công cụ đo đếm ảnh hưởng của các nhân vật nổi tiếng trên internet – Starbuzz hiện Bà Tưng đang là nhân vật nổi thứ 3 làng internet Việt, chỉ sau hai ngôi sao nổi tiếng là Đàm Vĩnh Hưng và Mỹ Linh). |
Lý giải về hành động được cho là lệch chuẩn của “bà Tưng”, chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà - Trung tâm tư vấn tâm lý - Tình yêu - Hôn nhân cho biết, nguyên nhân sâu xa có thể xuất phát từ mục đích quảng cáo, muốn gây sự chú ý để quảng bá cho một sản phẩm nào đó.
“Facebook, mạng xã hội là nơi có sức lan tỏa rất mạnh, ai cũng có thể truyền thông tin, ai cũng có thể tiếp nhận thông tin. Nhiều người đã tận dụng nó để quảng cáo sản phẩm. Hành động của cô gái này rất có thể chỉ là một chiêu quảng cáo để tiêu thụ sản phẩm gì đó. Quảng cáo càng khác lạ, càng đặc biệt thì sự quan tâm càng lớn”, bà Hà lý giải.
Lý giải của bà Hà có cơ sở, bởi ngay sau khi nổi đình đám trên mạng, đã có một số tin đồn “bà Tưng” được một doanh nghiệp lớn về internet ở Việt Nam thuê với giá 2000 USD trong vòng 6 tháng để quảng bá cho sản phẩm của họ. Và những hành động của “bà Tưng” trong thời gian qua chỉ là chiêu để tạo sự chú ý.
Tuy nhiên, xét ở góc độ cá nhân, bà Hà cho biết, “sự dũng cảm khoe thân” của cô gái một phần do ảnh hưởng từ lối sống phương Tây. Lối sống này du nhập vào Việt Nam chủ yếu qua internet. Giới trẻ đề cao cái tôi cá nhân, thích thể hiện cái tôi, cá tính ra cộng đồng nên mới có những hiện tượng chia sẻ hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội như vậy.
Hành động của “bà Tưng” bị nghi ngờ là chiêu PR khi bức ảnh chụp trong trụ sở 1 công ty internet bị rò rỉ. |
Còn theo PGS. TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình, nguyên nhân sâu xa của những hiện tượng “nổi loạn” như vậy là do những đứt gãy trong văn hóa đời sống chúng ta. Những thứ lệch lạc, phản giá trị vẫn được một bộ phận trong xã hội tung hô, cổ súy, thay vì bài trừ nó một cách triệt để. Ông Bình cho biết, sự việc “bà Tưng” nếu không có biện pháp xử lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giới trẻ. Nó làm đảo lộn giá trị cuộc sống, làm cho bạn trẻ không còn biết đâu là phải, đâu là trái, cái gì đáng tôn thờ, cái gì đáng lên án.
Theo cả hai chuyên gia, nhà tâm lý Hồng Hà và nhà xã hội học Hòa Bình, báo chí và truyền thông phần nào đã “tiếp tay” cho mục đích của “bà Tưng” khi đưa tin, viết bài quá nhiều. Thậm chí có những bài phỏng vấn “bà Tưng” theo kiểu vô thưởng vô phạt, hỏi những câu ngớ ngẩn rồi đưa một loạt hình ảnh của cô này lên để câu khách.
“Thay vì đưa tin rầm rộ, giật những cái tít ồn ào để câu độc giả, lan truyền thông tin rộng hơn, truyền thông nên dừng lại, có thể chỉ đưa một tin ngắn thôi. Các bạn trẻ nếu thấy không tốt cũng đừng xem, đừng quan tâm, đừng chia sẻ thông tin về cô này. Không có người xem thì cô ấy cũng sẽ hết “đất diễn”, bà Hà chia sẻ.
Kim Minh