Bị vợ bạo hành ngược, nỗi đau đớn về thể xác, về tinh thần của những người đàn ông này giống như giọt nước mắt khô khốc mà mặn chát.
Từ trước đến nay, mọi người nghĩ về vấn đề bạo lực gia đình thường chỉ đơn thuần là hình ảnh người phụ nữ bị chồng đánh đập tàn nhẫn. Nhưng câu chuyện bạo lực gia đình còn có góc khuất không phải ai cũng được biết. Đó là chuyện bạo hành ngược, hay là việc người chồng bị vợ bạo hành. Vì tâm lý ở vị thế phái mạnh hay sợ mọi người chê cười "đàn ông mà để vợ bắt nạt" nên rất nhiều ông chồng đã phải chịu cảnh bạo hành trong thời gian dài với rất nhiều lý do khó giãi bày.
H.T (34 tuổi, Đường Láng, Hà Nội) lấy vợ đã 5 năm nhưng sớm phải chịu cảnh bị vợ bạo hành ngược suốt 4 năm nay. H.N (vợ T) là bạn đại học của T. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, T đã rất ấn tượng với cô bạn cùng lớp xinh xắn, cá tính. Đến khi yêu nhau, T cũng không chê trách N điểm gì. Nhưng nỗi ám ảnh về hôn nhân chỉ thực sự đến với T khi N mang thai và sinh con.
N mang thai ngay sau khi hai người kết hôn, niềm vui chưa được bao lâu thì N bị mắc chứng ốm nghén đặc biệt nghiêm trọng. Cô không những không ăn được bất cứ món đồ nào mà còn thường xuyên mất ngủ. Cơ thể suy nhược, thần kinh căng thẳng, không ít lần N phải nhập viện để điều trị. 9 tháng thai kỳ cũng là 9 tháng N là bệnh nhân thường xuyên của bệnh viện. Chính sự mệt mỏi trong thời kỳ thai nghén đã khiến N trở nên cáu gắt, khó tính. Cô thường xuyên quát mắng T không vì lý do gì. T thương vợ ốm nghén mệt mỏi nên cũng bỏ qua nhiều hành động vô lý của vợ. Nhưng sau khi sinh con, tính tình N cũng không dễ chịu hơn, thậm chí ngày càng quá quắt.
Em bé nhà T bị suy dinh dưỡng do thời kỳ thai kỳ N không ăn được nhiều nên vợ chồng T nuôi con rất vất vả. Thậm chí, N đã phải gặp bác sỹ tâm lý xin tư vấn vì cô liên tục la hét, đập phá đồ đạc và có lúc là đánh đập T mỗi khi con ốm khóc. T hiểu những căng thẳng này là do N bị trầm cảm trong khi mang bầu và sau sinh nên T chấp nhận cam chịu khi bị vợ bạo hành với hy vọng khi con lớn hơn, cuộc sống dễ thở hơn giúp N thay đổi tâm tính. Nhưng suốt 4 năm nay, tình trạng của N không những không tiến triển mà ngày càng nặng. Bất cứ sự việc nào khiến N không hài lòng là cô lại la hét, mắng chửi chồng khiến T vô cùng chán nản vì cuộc hôn nhân như địa ngục của mình mà chẳng biết chia sẻ cùng ai.
T vô cùng chán nản vì cuộc hôn nhân như địa ngục của mình mà chẳng biết chia sẻ cùng ai (Ảnh minh họa). |
Khác với H.T, V.H (30 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) không bị vợ bạo hành về mặt thể xác nhưng lại chịu cảnh ấm ức, tủi nhục về mặt tinh thần khi trót lấy cô vợ tiểu thư, con nhà giàu. Ngày M lấy vợ, bạn bè đều trêu anh “chuột sa chĩnh gạo” khi nhà vợ M nổi tiếng là nhà giàu có. Bố mẹ vợ M kinh doanh bất động sản nên ngay khi vợ chồng M kết hôn, ông bà đã tặng luôn cho một căn nhà 5 tầng rộng rãi giữa trung tâm để hai vợ chồng tiện đi lại. Nhà cửa, xe cộ được bố mẹ cho, hai vợ chồng trẻ sống rất nhàn nhã. Vợ chồng son, lại có điều kiện, hai vợ chồng chỉ lo hôm nay ăn nhà hàng nào, ngày mai đi du lịch ở đâu... Nhưng cuộc sống nhờ nhà vợ của H chẳng mấy bình lặng khi càng ngày vợ H càng tỏ ra là người trọng của cải, coi thường nhà chồng.
Chẳng bao giờ vợ H chịu cùng anh về quê thăm bố mẹ chồng qua đêm vì theo cô, cô không quen “lối sống quê mùa” của nhà anh. Vợ H còn tỏ ý chê bai gia đình chồng trước mặt bố mẹ chồng khiến H nhiều lần ái ngại với bố mẹ. Không những thế, cậy thế nhà bố mẹ cho, chỉ cần H làm gì không vừa ý là vợ anh sẵn sàng la lối, vứt quần áo anh ra khỏi nhà để cho anh “biết tay”. Đợi vợ nguôi giận, M góp ý nhẹ nhàng, sau đó H không phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” mỗi khi vợ tức giận nhưng vài ngày sau cơn giận của vợ, anh sẽ phải nghe đi nghe lại điệp khúc: “Anh sướng mà không biết đường hưởng, bố mẹ em cho anh đủ thứ, bằng bạn bằng bè mà anh không coi em ra gì thì sớm muộn anh cũng ra khỏi nhà em mà chẳng có thứ gì. Anh không có gì trong tay thì nên cư xử với em cho tử tế, đừng để cả xã hội biết anh là thằng bất tài ăn bám nhà vợ”.
Giận lắm nhưng biết tính vợ nóng nẩy, ác miệng nên M nhiều lần tặc lưỡi bỏ qua. Tuy nhiên, sĩ diện đàn ông cũng khiến M rất trăn trở: “Bố mẹ cô ấy cho hai vợ chồng chứ không phải mình là người đòi hỏi, cô ấy cậy tiền của bố mẹ mà khiến mình luôn sống trong tâm trạng ấm ức. Nhiều khi cũng nghĩ đến chuyện ly dị nhưng lại thương con gái còn nhỏ nên lại bỏ qua. Người ta chỉ nói chuyện vợ bị chồng bạo hành, nhưng mình bị vợ bạo hành tinh thần còn khủng khiếp hơn rất nhiều lần bị đánh đập. Không biết còn chịu đựng được nhau đến lúc nào”.
Tạm kết
Bạo hành dù là thể xác hay tinh thần, dù đối tượng bạo hành là chồng hay vợ thì cũng để lại những hậu quả khôn lường gây ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc gia đình. Đặc biệt với tình trạng vợ bạo hành chồng, khi nạn nhân không thể tìm được sự chia sẻ của cộng đồng, rất có thể sẽ dẫn đến sự phản kháng tiêu cực, nghiêm trọng hơn là hành động gây thương tích cho người còn lại. Vậy nên bạo hành ngược cũng là vấn đề đáng lưu ý trong cuộc sống hôn nhân. Bất cứ người chồng hay người vợ muốn giữ lửa hôn nhân phải có ý thức duy trì tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau, có thế mới đẩy lùi được tình trạng bạo hành gia đình đang âm ỷ ăn mòn hạnh phúc của các gia đình trong thời đại ngày nay.
(Theo Trí Thức Trẻ)