- “Nếu cha mẹ là những người được trang bị đầy đủ kỹ năng, có thời gian và kiến thức thì tôi nghĩ quyết định cho con học tại nhà của họ không có gì là rủi ro cả”, thầy Tuấn Hải chia sẻ.

Trước những ý kiến trái chiều về mô hình học tại nhà (home-schooling) mà một gia đình sống ở Sài Gòn quyết định cho con gái nhỏ của mình theo học, ông Nguyễn Tuấn Hải, người sáng lập và điều hành trường Tiểu học Reggio Emilia Hà Nội, Giám đốc chiến lược của hệ thống Anh ngữ Eton Grammar, cho rằng, mô hình giáo dục tại nhà (tiếng Anh gọi là homeschooling) hoàn toàn có thể áp dụng tại mọi xã hội bất kể trình độ phát triển nào. Ông Hải tin tưởng rằng, homeschooling hoàn toàn khả thi ở Việt Nam.

Nhận xét về trường hợp cụ thể là gia đình sống ở Sài Gòn, thầy Hải nói: “Việc cha mẹ ở Sài Gòn cho con ở nhà tự dạy trong hoàn cảnh họ không phải là người làm trong ngành giáo dục, theo tôi vừa mạo hiểm vừa không. Lí do là: Có khi cho con đi học ở trường mới là mạo hiểm. Tại sao chúng ta không lật lại vấn đề như thế. Việc đi học ở trường phổ thông của ta vốn có rất nhiều vấn đề và tồn tại. Gửi con vào đó mới là mạo hiểm chứ.

Có thể việc dạy con ở nhà với ít hiểu biết có các rủi ro nhưng vẫn còn ít hơn so với việc gửi con đến trường. Đó là chưa nói tới các vấn đề về tài chính, hoàn cảnh gia đình. Trong trường hợp gia đình ở Sài Gòn, chắc chắn là họ đã tính kỹ và biết được đâu là cách tốt nhất cho con của họ. Nếu họ là những người được trang bị đầy đủ kỹ năng, thời gian và kiến thức thì tôi nghĩ quyết định của họ không có gì là rủi ro cả”.

 

{keywords}
 
Dù không phải chuyên gia, cha mẹ vẫn có thể chọn homeschooling cho con.

Theo vị chuyên gia giáo dục mầm non – tiểu học này, cha mẹ không nhất thiết phải là chuyên gia để lựa chọn con đường giáo dục tại nhà cho con. Bởi ngoài cha mẹ các bé còn 2 người thầy vĩ đại nữa là: thiên nhiên và bạn bè. “Từ 2 người thầy này trẻ sẽ học được nhiều điều mà thậm chí trường học không dạy cho chúng được. Cha mẹ chỉ cần là người dẫn dắt và dạy chúng các kỹ năng cơ bản nhất mà thôi”, thầy Hải chia sẻ.

Thầy Hải cho rằng, cha mẹ hoàn toàn có thể dùng sách để dạy con trong bậc tiểu học. Sau đó chúng sẽ chỉ cần gia sư là đủ nếu chúng được rèn khả năng tự học. Theo lý thuyết, việc học ở nhà hoàn toàn có thể thực hiện cho tới hết phổ thông. Còn trên thực tế thì thầy Hải cho rằng có thể tới hết tiểu học.

“Giáo dục tại nhà trường có những ưu thế không thể phủ nhận so với việc tự học ở nhà của trẻ. Sẽ là rất dài nếu ta liệt kê chúng ra đây. Tôi nghĩ ưu thế quan trọng nhất chỉ là vấn đề môi trường xã hội và sự tương tác trong đó mà thôi. Kiến thức không quan trọng lắm khi người ta có thể thu hoạch bằng các cách khác nhau và vào các thời điểm khác nhau trong cuộc đời. Không thể bắt ai cũng giống ai được trong chuyện này”, thầy Hải chia sẻ.

 

{keywords}
 
Ông Nguyễn Tuấn Hải, tốt nghiệp ĐH Princeton (Mỹ).

Người sáng lập và điều hành trường Reggio Emilia cho rằng trường học của ta đơn giản chỉ là nhồi kiến thức và dạy mẹo giải bài tập. Chính vì vậy, đứa trẻ sẽ học được nhiều kỹ năng hữu ích cho cuộc sống hơn với phương pháp tự học tại nhà phù hợp. Thiệt thòi duy nhất cho việc tự học ở nhà là các em không có bằng cấp mà thôi. “Nếu chúng ta luật hóa chuyện này và cho trẻ em tự học ở nhà quyền được tham gia thi lấy bằng thì sẽ chả có gì gọi là thiệt thòi cả. Tôi tin sẽ tới lúc các em được trao trả cái quyền đương nhiên này của mình”, thầy Hải nói.

“Những năm đầu đời của trẻ , chúng chỉ cần được dạy các kỹ năng cơ bản mà thôi. Về xã hội chúng chỉ cần được kết giao bạn bè là đủ. Kiến thức chưa quan trọng với chúng. Môi trường tốt nhất cho trẻ phải là 1 môi trường tự do sáng tạo. Homeschooling hoàn toàn có thể trở nên như vậy”, thầy Hải nhận định.

Kim Minh