Ngày 19/10/2017, nhà thiên văn học Robert Weryk, người Canada, đã phát hiện một hiện tượng lạ khi đang xem lại một số ảnh chụp từ kính viễn vọng Pan-Starrs 1.

Hệ thống quan sát được đặt trên Haleakala, trên đỉnh núi lửa cao hơn 3.000 m tại đảo Maui, thu ảnh bầu trời Trái Đất mỗi đêm và ghi lại kết quả với máy ghi hình có độ phân giải cao nhất thế giới.

Pan-Starrs 1 được thiết kế để săn lùng "những vật thể cận Trái Đất", phần lớn là thiên thạch có hướng bay ghé ngang qua vùng không gian quanh hành tinh của chúng ta và di chuyển với vận tốc trung hình gần 65.000 km/h.

Vào ngày định mệnh đó, Weryk phát hiện một chấm sáng di chuyển với tốc độ gần 322.000 km/h, hơn 4 lần bình thường.

{keywords}
Bí ẩn vật thể ngoài hành tinh từng đến gần Trái Đất

"Oumuamua"

Weryk nhanh chóng thông báo cho các đồng nghiệp. Họ cùng nhau truy lại dấu vết của chấm sáng bí ẩn qua hình ảnh từ các đài quan sát khác, nhưng càng phân tích thì họ càng thấy "chấm sáng" này có hoạt động khó hiểu.

Theo các nhà khoa học, đây là một vật thể có kích thước nhỏ, diện tích chỉ khoảng một khu phố thông thường. Với sự thay đổi ánh sáng khó hiểu khi di chuyển trong không gian, vật thể này có thể mang một hình dạng rất dị thường.

Một vài nhà khoa học cho rằng vật thể lạ có hình dáng dài và suôn, như một điếu cigar vũ trụ. Một số khác cho rằng vật thể có dạng trong và dẹp, như một chiếc bánh pizza giữa ngân hà.

Điều dị thường nhất chính là phương bay của vật thể. Thay vì di chuyển theo một đường elip bởi lực hấp dẫn của Mặt Trời, chấm sáng dường như di chuyển theo đường thẳng và chống lại lực hấp dẫn của ngôi sao trung tâm Thái Dương Hệ.

Các nhà khoa học kết luận rằng chấm sáng mà Weryk phát hiện không "hành xử" như bất kỳ thiên thể nào khác từng được ghi nhận.

Họ gọi chấm sáng ngày 13/9/2017 là "vật thể giữa các vì sao" - một "vị khách" đến từ bên ngoài Thái Dương Hệ và ghé thăm vùng không gian của chúng ta.

Trong ghi chép của Hội Thiên văn Quốc tế (IAU), vật thể này được định danh là 1I/2017 U1. Các nhà khoa học còn đặt cho nó biệt danh là "Oumuamua" - theo tiếng Hawaii nghĩa là "trinh sát".

{keywords}
Một số nhà khoa học cho rằng Oumuamua là một sao chổi tí hon với cấu tạo là những hợp chất mà khác với những gì chúng ta biết trên Trái Đất. Hình ảnh mô phỏng: Đài quan sát Nam Âu.

Bí ẩn của "trinh sát"

Oumuamua hay 1I/2017 U1 di chuyển như thể nó không tuân theo luật hấp dẫn, giống như nó được đẩy đi bởi một lực bổ sung. Thông thường, sao chổi cũng có khả năng di chuyển tương tự nhờ giải phóng vật chất khí và tạo thành đuôi sao chổi.

Nhưng hình ảnh được các nhà khoa học quan sát cho thấy 1I/2017 U1 không có "đuôi". Những kính viễn vọng đặc biệt cũng không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy 1I/2017 U1 giải phóng thêm vật chất nào khác tương tự cách sao chổi, dù là hơi nước hay bụi.

"Đây rõ ràng là một vật thể dị thường. Không may là chúng ta không có thêm ghi nhận nào mới về Oumuamua vì nó đã quá mờ và quá xa", một đoạn video của NASA chia sẻ.

Một nhóm nghiên cứu từng cho rằng 1I/2017 U1 chính là một "sao chổi tí hon", và đuôi của nó bao gồm những "hợp chất hóa học bất thường" mà kính viễn vọng không thể ghi nhận. Một nhóm khác phỏng đoán 1I/2017 U1 có cấu tạo là khí hydro đóng băng. Với giả thuyết này, họ vừa giải thích được hình dạng kỳ lạ của vật thể, vừa có thể lý giả sự "biến mất" nhanh chóng của nó: 1I/2017 U1 đã bay hơi gần hết khi tiến vào Thái Dương Hệ.

Giả thuyết táo bạo nhất về 1I/2017 U1 đến từ Avi Loeb, nhà vật lý vũ trụ tại Đại học Havard. Ông nhận định "Oumuamua" không hoạt động giống với những vật thể liên sao thông thường, như sao chổi, vì đơn giản đây không phải là vật thể liên sao. Ông thừa nhận khả năng 1I/2017 U1 chính là sản phẩm của một nền văn minh ngoài Trái Đất.

Lập luận trong bài viết năm 2018, được đăng trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal Letters, Loeb và đồng nghiệp Shmuel Bialy nhận định "Oumuamua" có "gia tốc phi hấp dẫn".

Hai nhà khoa học nhận định vật thể giống như "chiếc xe bị bỏ quên" của người ngoài hành tinh, trôi giữa các vùng không gian liên sao như một mảnh phế liệu. Nhưng đó cũng có khả năng là "máy thăm dò hoạt động đủ chức năng", được đưa vào Thái Dương Hệ để thăm dò.

Loeb và Bialy cho rằng giả thuyết thứ hai còn có khả năng xảy ra cao hơn giả thuyết ban đầu. Theo họ, đặt trường hợp 1I/2017 U1 là một vật thể trôi nổi giữa không thiên hà, xác suất nó đi ngang qua Trái Đất ở mức thấp đến ngớ ngẩn.

"Khi bạn loại mọi điều bất khả thi, thì dù điều còn lại là gì - dẫu nó khó tin đến mức nào đi nữa - chính là sự thật", Loeb dẫn lại lời của Sherlock Holmes, nhân vật thám tử hư cấu nổi tiếng của nhà văn Athur Conan Doyles, về giả thuyết của mình.

{keywords}
Avi Loeb, nhà vật lý học vũ trụ tại Đại học Havard. Ảnh: Boston Globe.

Tranh cãi

Những lập luận của Loeb và Bialy đương nhiên châm ngòi cho vô số tranh luận và phản ứng giận dữ từ các đồng nghiệp. Paul M. Sutter, nhà vật lý học vũ trụ tại Đại học Ohio, khẳng định không thể có chuyện 1I/2017 U1 là tàu vũ trụ ngoài hành tinh.

"Các tác giả bài viết đó đã sỉ nhục nghiên cứu khoa học trung thực khi đề cập đến giả thuyết này", ông viết.

Benjamin Weiner, nhà thiên văn học tại Đại học Arizona, chỉ trích Avi Loeb cổ súy những giả thuyết mang nặng tính phỏng đoán, và buộc những nhà khoa học khác phải tốn công sức dùng khoa học để bác bỏ các đồn đoán xuất phát từ ông.

Truyền thông khi đó soi mói cuộc đời của Avi Loeb với lăng kính của sự hiếu kỳ nhiều hơn là tin tưởng vào giả thuyết khoa học táo bạo mà ông theo đuổi.

Những chỉ trích không khiến Loeb chùn bước. Ông tiếp tục cùng một đồng nghiệp tại Viện Thiên văn và Khoa học Vũ trụ Hàn Quốc công bố thêm nghiên cứu bác bỏ giả thuyết Oumuamua là "hydro đông lạnh".

Công trình của hai người dày đặc những phương trình phức tạp, đi đến kết luận rằng không thể nào một vật thể "hydro đông lạnh" sống sót được chuyến hành trình giữa các vì sao như Oumuamua.

Avi Loeb còn vừa hoàn tất một quyển sách nói rõ hơn về giả thuyết của mình - "Ngoài hành tinh: Dấu hiệu đầu tiên của dạng sống thông minh ngoài Trái Đất".

Loeb cho rằng khoa học đang tồn tại một thành trì định kiến tìm cách buộc ông im lặng, dù họ không chứng minh được vì sao "Oumuamua" di chuyển đi ngược lại mọi quy luật.

Trong quyển sách, Loeb nhận định cách duy nhất để giải thích gia tốc dị thường của Oumuamua (với điều kiện không dùng đến giả thuyết về giải phóng vật chất theo phương ngược lại) là giả định vật thể này được đẩy bởi bức xạ Mặt Trời.

Để các photon từ Mặt Trời có thể tạo ra lực đẩy lên bề mặt vật thể, 1I/2017 U1 phải mỏng đến không tưởng và không dày hơn 1 mm, với mật độ vật chất rất thấp và diện tích bề mặt đáng kể.

Vật thể này sẽ hoạt động như một cánh buồm, nhưng lực đẩy được tạo ra bởi ánh sáng chứ không phải từ gió như trên Trái Đất. Thế giới tự nhiên không tự tạo ra cánh buồm.

"Oumuamua chắc chắn đã được thiết kế, đóng và phóng bởi trí thông minh ngoài hành tinh", Avi Loeb viết.

Bí ẩn 'thiên đường đã mất' ở sa mạc Sahara

Bí ẩn 'thiên đường đã mất' ở sa mạc Sahara

Phần lớn của sa mạc Sahara khô cằn ngày nay từng phủ màu xanh lục cách đây hàng nghìn năm.

Theo Zing