“Dịch khó khăn, không để tài xế ôm hàng”
Những ngày qua, giới shipper TP.HCM chia sẻ hình ảnh tấm bảng thông báo được dán phía trước một quán bán đồ ăn vặt tại phường Bình Trưng Đông (TP.Thủ Đức, TP.HCM).
Tấm bảng ghi rõ: “Tài xế bị khách bom hàng cứ trả hàng về cho quán, quán sẽ trả lại tiền cho tài xế. Dịch khó khăn quán không để tài xế ôm hàng. Yên tâm!”.
Được biết, người viết và dán tấm bảng thông báo khiến giới shipper ấm lòng này là bà Hồng Hà (56 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức). Bà Hà nói, bà lên ý tưởng và nhờ cô con gái lớn đi in rồi dán tấm bảng này sau khi trò chuyện với một người shipper bị bom hàng.
Bà kể: “Hôm đó, nhiều tài xế xe ôm công nghệ đến quán tôi nhận hàng, đi giao cho khách. Lúc họ đứng đợi tôi làm đồ ăn, tôi nghe một cậu tài xế kể chuyện mới bị khách bom 2 phần thức ăn với giọng rất buồn”.
Tấm bảng thông báo lạ của bà chủ quán bán đồ ăn vặt khiến nhiều shipper ấm lòng. |
“Không hiểu sao, tôi thấy thương và chạy ra hỏi cậu ấy là 2 phần thức ăn ấy bao nhiêu tiền. Cậu ấy nói 2 phần bị khách bom này khoảng 80-90.000 đồng. Thấy vậy, tôi nói với cậu ấy rằng để tôi mua lại một phần thức ăn bị bom. Nghe vậy, cậu ta nói: “Vừa nãy cũng có một người mua ủng hộ con 1 phần rồi. Nếu cô mua thêm phần còn lại, con cám ơn cô nhiều lắm”, bà kể thêm.
Tuy vậy, sau ít phút suy nghĩ, anh shipper bất ngờ đổi ý. Người này nhất quyết gửi tặng phần thức ăn này cho bà Hà chứ không bán.
Biết anh tài xế ngại, bà ra lời giải thích rằng anh là nạn nhân của người đặt hàng không uy tín, phần thức ăn ấy vẫn ngon, chưa hỏng nên bà muốn mua lại chứ không có ý gì khác.
Bà nói, bà rất thương và đồng cảm với nỗi buồn bị bom hàng của các shipper. Bởi, bà biết làm shipper vốn đã cực, mùa dịch họ lại càng khó khăn hơn. Ngoài việc phải đối mặt với dịch bệnh, đơn hàng giảm, nếu bị bom hàng, thu nhập của họ sẽ càng eo hẹp.
“Thế nên, sau cuộc trò chuyện với cậu tài xế bị bom hàng, tôi bàn với con gái là nếu sau này, shipper bị khách bom hàng cứ bảo họ đem hàng đến quán trả, mình sẽ gửi lại tiền cho họ. Nếu không, các shipper vừa mất tiền vừa bị trừ điểm, tội người ta. Dịch khó khăn, mình không thể để tài xế ôm hàng được”, bà Hà chia sẻ.
"Tác giả" của tấm bảng là bà Hà, chủ quán bán đồ ăn vặt tại TP.Thủ Đức. |
Sợ các shipper chưa tin tưởng, bà nhờ con gái in hẳn 1 tấm bảng thông báo ghi rõ thông điệp sẽ nhận lại hàng bị khách bom và hoàn tiền cho các tài xế. Bà dán tấm bảng này lên cửa cổng trước quán nhỏ của mình để các shipper đều thấy và yên tâm đến nhận, giao hàng cho khách.
Phải đối xử với nhau bằng cái tâm thiện
Bà Hà kể, bà và 2 người con gái rời quê đến TP.HCM thuê trọ đã mấy năm nay. Cách đây 2 năm, ba mẹ con bà chỉ sống nhờ đồng lương ít ỏi của cô con gái lớn đang làm việc tại TP.HCM.
Sau đó, bà mở quán bán thức ăn vặt để kiếm thêm thu nhập với hi vọng có thể ổn định cuộc sống. Thương bà chịu khó lại thật thà chất phác, chủ nhà trọ cho bà sử dụng khoảnh sân trước phòng trọ để mở quán, bán hàng.
Thế nhưng, lúc mở quán lại rơi vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát khiến việc buôn bán của bà không mấy thuận lợi. Những đợt dịch trước, công việc bán buôn của bà chậm dần. Đợt dịch thứ tư này diễn biến quá phức tạp, bà chủ động dọn hàng, lùi sâu vào trong nhà, chấp nhận mất khách vãng lai và chỉ bán cho khách quen.
Bà Hà nói, dịch bệnh phức tạp, ai cũng khó khăn nên quán sẽ không để shipper phải ôm hàng. |
Khi TP.HCM thực hiện giãn cách, yêu cầu các hàng quán chỉ bán mang về, bà cũng cố gắng học hỏi, bán hàng qua mạng. Bà quen dần với việc giao dịch cùng shipper thay vì khách hàng thân thuộc. Tuy vậy, bà vẫn cố gắng đảm bảo các phần thức ăn nhanh của mình chất lượng, vệ sinh.
Bà chia sẻ: “Tôi và Thư (con gái lớn của bà Hà) khuyến khích khách hàng trực tiếp góp ý kiến, phản hồi chất lượng các món ăn về quán. Nếu khách nói đúng, món ăn không đạt chất lượng, vệ sinh, tôi chấp nhận bồi thường gấp đôi số tiền khách đã mua”.
Có lẽ vì vậy mà từ ngày dán bảng thông báo nhận lại hàng bị khách bom cho đến thời điểm này, chưa có một shipper nào đến quán, trả lại hàng cho bà. Thay vào đó, bà nhận về những lời cảm ơn, sự xúc động của các tài xế chuyên làm công việc giao hàng cho khách.
Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, bà Hà vẫn luôn tâm niệm "chia sẻ được với ai cái gì thì cứ cố gắng". |
Bằng chứng là khi thấy bảng thông báo, nhiều shipper đã bày tỏ niềm xúc động, gửi lời cám ơn chân thành đến bà chủ quán bán đồ ăn vặt. Đến quán nhận thức ăn khách đặt, một shipper có tuổi chia sẻ: “Từ hồi làm nghề giao hàng đến giờ, tôi chưa thấy ai để bảng như thế này cả. Chị ấy (bà Hà - PV) để bảng như vậy là nghĩ cho anh em shipper chúng tôi nhiều lắm”.
Đáp lại, bà Hà chỉ cười hiền. Bà nói: “Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp này, ai cũng khó khăn. Chúng ta cùng cảnh ngộ, chia sẻ với nhau được cái gì thì cứ cố gắng thôi. Khi biết tấm bảng khiến nhiều tài xế vui, an tâm làm việc, tôi cũng vui vì biết mình vừa làm được một việc có ý nghĩa”.
“Tôi không dư dả gì, cũng ở nhà thuê, thu nhặt từng đồng kiếm sống. Tuy nhiên, tôi luôn quan niệm phải đối xử với mọi người bằng cái tâm thiện. Tôi khó khăn thì cứ giúp đỡ người khó khăn hơn bằng khả năng, tấm lòng của mình”, bà Hà chia sẻ thêm.
Bài: Nguyễn Sơn
Ảnh nhân vật cung cấp
Shipper đồ ăn mùa dịch: 'Tiền kiếm nhiều nhưng rất lo'
Tại TP.HCM, những người ra đường, di chuyển nhiều nhất trong thời điểm này là đội tài xế xe công nghệ. Họ gặp phải không ít những tình huống dở khóc dở cười mùa dịch.