Huế vốn là vùng đất giao thoa nhiều nền văn hóa như Đông Sơn, Sa Huỳnh…, văn minh Chăm Pa. Nơi đây là thủ phủ Đàng Trong một thuở, cũng là kinh đô Việt Nam giai đoạn triều Nguyễn trị vì. Vùng đất ấy thành điểm hội tụ của nhân tài, vật lực của cả nước, thành nơi tập trung các nguồn của cải, báu vật quốc gia.
“Cửu vị thần công” – bảo vật quốc gia được đúc bằng đồng từ năm 1803. |
“Đến khi trở thành kinh đô của cả nước thống nhất, Huế càng trở thành nơi tập trung của các báu vật”, TS. Phan Thanh Hải - GĐ Sở VH-TT tỉnh TT-Huế (Nguyên GĐ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cho biết.
Dù Huế từng là trung tâm hội tụ của các cổ vật, báu vật của đất nước, nhưng đến nay, rất nhiều trong số ấy đã bị tản mát đi khắp nơi trên thế giới hoặc đã “bặt vô âm tín”.
Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, có thể thấy những đợt mất mát lớn của Huế đã từng xảy ra không ít lần. Tiêu biểu vào các năm 1775, 1862, 1885, 1945, 1947, 1972... Vụ mất mát lớn nhất của Huế trong lịch sử gắn liền với sự kiện Thất thủ kinh đô (ngày 5/7/1885, tức 23/5 năm Ất Dậu).
Tấn công vào kinh đô Huế, quân đội Pháp đã cướp bóc, giết hại người dân dã man... Huế bị cướp đi phần lớn những gì quý báu nhất.
Tư liệu lịch sử của Linh mục Père Siefert - người chứng kiến sự kiện thảm khốc này cho biết, khi đối chiếu với bảng kiểm kê tài sản của hoàng gia lập trước ngày 5/7/1885 với những gì đã mất, quân Pháp đã cướp: “228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hại trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ…
“Cành vàng lá ngọc” trong hệ thống bảo vật cung đình triều Nguyễn. |
Tại các tôn miếu thờ các vua: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị, hầu hết các thứ có thể mang đi như mũ miện, đai áo, thảm đệm, triều phục... đều bị cướp. Phần lớn của cải trong hoàng cung triều Nguyễn và cả trong giới quý tộc Huế đã bị người Pháp cướp bóc, đưa về Pháp”.
Một dạng thất thoát khác, những cổ vật do người dân tình cờ phát hiện nhưng không báo chính quyền, mà bán cho người buôn bán phế liệu hoặc buôn bán cổ vật. Hầu hết những cổ vật dạng này rời khỏi Huế, số ít khác “ở lại” nhưng trong các sưu tập tư nhân, rất hiếm khi vào các bảo tàng nhà nước.
Gian nan đưa cổ vật hồi hương
Được biết, sau khi lên ngôi hoàng đế (năm 1885), vua Đồng Khánh nỗ lực đòi lại một số báu vật bị quân Pháp cướp mất trước đó.
Triều Nguyễn tốn không ít sức lực và tiền bạc để lấy lại được phần lớn ấn tín quan trọng nhất và 9 khẩu đại bác bằng đồng vốn tượng trưng cho sức mạnh triều đại (bộ Cửu Vị Thần Công).
TS. Huỳnh Thị Anh Vân - GĐ Bảo tàng cổ vật cung đình Huế cho biết, hiện đơn vị quản lí hơn 11.500 hiện vật, trong đó có 8.800 hiện vật được bảo quản trong kho và trưng bày tại một số điểm như cung An Định, Tả Vu của điện Cần Chánh…; khoảng hơn 2.760 hiện vật được bảo quản, trưng bày tại các khu lăng tẩm và di tích khác.
Ấn vua triều Nguyễn bằng vàng nguyên khối. |
Đặc biệt, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cũng đang bảo quản, trưng bày chiếc án thư triều Nguyễn và bộ dụng cụ đựng phi tiêu của vua Tự Đức. Dù đã hồi hương hơn 30 năm, nhưng đây có lẽ là vụ kiện lịch sử trong việc đòi lại cổ vật của Việt Nam khi thưa kiện ra tòa quốc tế.
Tài liệu lịch sử để lại cho biết, lúc đó, khi còn sống ở Pháp, cựu hoàng Bảo Đại ghé qua một bảo tàng ở Paris. Tại đây, ông thấy một số cổ vật triều Nguyễn được trưng bày để bán đấu giá. Trong đó, có một án thư triều Nguyễn, một bộ dụng cụ đựng phi tiêu của vua Tự Đức, nhiều đồ dùng sành sứ.
Để đòi lại những cổ vật này, Bảo Đại đâm đơn thưa kiện lên tòa án ở Paris nhưng bị bác, do không có tư cách đại diện cho Việt Nam, chỉ có Chính phủ Việt Nam đủ tư cách thưa kiện.
Bảo Đại trình báo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp để nhờ can thiệp.
Đại sứ quán Việt Nam gửi công văn về các bộ ngành liên quan, lãnh đạo tỉnh UBND TP Huế, lãnh đạo tỉnh TT-Huế.
Theo ông Nguyễn Văn Mễ - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, vào năm 1987 - khi ông đương chức Chủ tịch UBND TP Huế thì nhận được công văn nên họp bàn tìm phương án kiện đòi lại cổ vật.
Một hội đồng được thành lập, luật sư làm thủ tục thưa kiện, tìm nguồn gốc các cổ vật.
UBND TP Huế nhờ những người phụ trách trông coi Viện Bảo tàng Huế (nay là Bảo tàng cổ vật Cố đô Huế) giai đoạn 1958-1979 hoàn thiện hồ sơ chứng minh nguồn gốc hai cổ vật từng bị lấy bất hợp pháp.
Có chứng cứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp làm đơn kiện ra tòa án.
Kết quả, vụ kiện đã đòi thành công hai cổ vật đưa về bảo tàng trưng bày. Đáng tiếc, nguồn gốc một số đồ cổ sành sứ do không chứng minh được nên không thể đòi.
“Những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiếp nhận một số cổ vật hiến tặng đưa về từ Pháp và 60 cổ vật khác do các nguồn hiến tặng trong nước. Các cổ vật này được trưng bày và phát huy giá trị tại Bảo tàng cổ vật Cố đô Huế”, TS. Hải cho hay.
Không chỉ hồi hương cổ vật từ nước ngoài, năm 2016, lần đầu tiên sau 71 năm kể từ thời điểm vua Bảo Đại thoái vị, một số lượng lớn bảo vật triều Nguyễn được đưa từ Hà Nội về Huế trưng bày.
“Các cổ vật cung đình triều Nguyễn bị thất thoát quá nhiều. Muốn hồi hương các cổ vật, cần hội tụ đủ các điều kiện cần thiết…”, TS. Anh Vân cho hay.
Quang Thành - Thanh Hải - Hương Lài
(Còn nữa)
Cung nữ cuối cùng triều Nguyễn qua đời tại Huế, thọ 102 tuổi
Cụ bà Lê Thị Dinh - cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn từ trần vào tối ngày 21/2 tại phủ Kiên Thái Vương (đường Phan Đình Phùng, TP Huế), hưởng thọ 102 tuổi.