Anh Vi Văn Lâm (36 tuổi, tên gọi khác là Tài Thiên) làm nghề bán vé số và quảng cáo tự do tại TP.HCM.

Năm 1987, Lâm mới 5 tuổi, đi chơi xa nhà nên bị lạc. Một người phụ nữ phát hiện đã đưa về nhà chăm sóc.

Một năm sau, Lâm cùng mẹ nuôi vào TP.HCM sống. Hằng ngày, anh cùng mẹ đi bán hàng ở bến tàu.

{keywords}
Anh Vi Văn Lâm

Trong ký ức của anh lúc đó, gia đình anh ở Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ba anh tên Phương, làm nghề buôn gỗ. Mẹ tên Thuận, làm nghề trồng bắp. Nhà có 5 người, gồm bố mẹ, chị gái, Lâm và em trai út. Cả gia đình sống trong căn nhà tranh, phía trước có con sông.

“Nhiều lúc nhớ gia đình, tôi muốn đi tìm nhưng không biết bắt đầu từ đâu”, anh Lâm nói. Đến năm 2014, đi học nghề làm quảng cáo, cần những thông tin về gia đình, anh mới bắt đầu khát khao tìm lại người thân.

Ở quê, chờ mãi không thấy con trai về, vợ chồng ông Vi Nhân Phương (người dân tộc Thái) chia nhau đi tìm nhưng chẳng thấy. Suốt hơn 30 năm, ông bà đi khắp nơi, liên hệ với nhiều tổ chức tìm kiếm người thất lạc nhưng những thông tin về con trai vẫn là con số không.

“Nhớ thằng bé, tôi chẳng biết làm sao cả”, ông Phương nói, mắt rưng rưng.

Một lần, vợ chồng ông nhận được thông tin về một cậu bé có nhiều đặc điểm giống Lâm, nhưng khi thử ADN thì không phải, hai vợ chồng chỉ biết thất vọng ra về.

“Tôi muốn nhận cậu bé kia làm con cho nguôi ngoai nỗi nhớ mà không được”, ông Phương nói.

Đầu tháng 7/2018, Lâm đang đi bán vé số thì nhận được tin từ ekip chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" là đã tìm thấy gia đình cho anh. “Lúc đó, vợ tôi đang mang thai sắp sinh. Không có giấy tờ tùy thân, tôi rất sợ con sinh ra sẽ không được mang họ cha”, anh Lâm nhớ lại.

Sau khi nhận được tin, ông Phương ngay lập tức cùng vợ vào TP.HCM để được gặp con trai. Được gặp nhau sau bao nhiêu năm xa cách, cha con họ chỉ biết ôm nhau khóc. Ông Phương cho biết, tìm được con trai là niềm vui lớn nhất của ông.

{keywords}
Hai cha con gặp nhau sau nhiều năm xa cách

Là người tiếp nhận câu chuyện, nhà báo Thu Uyên - người sáng lập chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" cho biết, câu chuyện trên được ekip tìm kiếm trong khoảng thời gian chương trình “ngủ đông” từ tháng 6/2018.

Đây là trường hợp không khó về mặt tìm kiếm nhưng phải nhờ kết nối của mạng xã hội mới được.

Bà Thanh, chủ một quán cà phê ở quận 1, khi đọc được những thông tin chương trình đăng lên mạng thì thấy người thanh niên trong ảnh giống Lâm, thường bán vé số ở quán nên đã gọi điện báo.

“Đây là một phương pháp mới chúng tôi sẽ áp dụng khi chương trình phát sóng trở lại”, nhà báo Thu Uyên nói.

Nhà báo này cũng cho biết thêm, hiện nay, anh Lâm chưa có việc làm ổn định, lại từng phải đi cải tạo vì hành vi đánh nhau. Ngày đi gặp bố mẹ, hai vợ chồng không có tiền, Lâm đi vay được 150 ngàn đồng mua quần áo mới cho vợ, cùng mình đi gặp bố mẹ.

“Chúng tôi rất sợ sau khi gặp gia đình Lâm sẽ mặc cảm, tự ti và có những việc không hay, vì thế chúng tôi sẽ liên lạc để giúp anh ấy về việc làm hay làm các giấy tờ tùy thân”, nhà báo Thu Uyên nói.

"Như chưa hề có cuộc chia ly" phát sóng từ năm 2007. Sau hơn 10 năm hoạt động, chương trình đã hoàn thành tìm kiếm hơn 2.400 trường hợp, đoàn tụ 1.800 đại gia đình; tiếp nhận 70.000 yêu cầu tìm kiếm và đã hoàn chỉnh 30.000 bộ hồ sơ chia ly.

Tháng 6/2018, chương trình dừng phát sóng tuy nhiên còn nhiều gia đình có người thất lạc cần tìm kiếm nhau, vì thế chương trình sẽ trở lại vào dịp Tết Nguyên Đán này.

{keywords}
 Nhà báo Thu Uyên và đại diện các đơn vị hỗ trợ chương trình.

“Trước đây, sau khi giúp các nhân vật đoàn tụ chúng tôi không liên lạc với họ nữa nên có rất nhiều hệ lụy diễn ra. Đợt trở lại này chúng tôi không chỉ tìm mà còn giúp các nhân vật ổn định cuộc sống sau khi đoàn tụ”, nhà báo Thu Uyên khẳng định.

Bà lão Sài Gòn tuổi 84 mỏi mòn nơi góc vườn tìm con gái đi lạc

Bà lão Sài Gòn tuổi 84 mỏi mòn nơi góc vườn tìm con gái đi lạc

 Ngỡ con gái đi lạc đã được tìm thấy, bà Năm (TP.HCM) cố gắng ăn, giữ sức khỏe chuẩn bị cho ngày mẹ con đoàn tụ.

Tú Anh