Mới đây, một đoạn clip ghi lại cảnh bạo lực trong gia đình khiến dư luận xôn xao. Người vợ và 3 đứa con nhỏ khoảng 1-3 tuổi đang ngồi bên mâm cơm thì bất ngờ người chồng đứng dậy tỏ thái độ hung hăng.

Clip người chồng hất thẳng mâm cơm vào mặt 4 mẹ con

Sau hành động ném bát đĩa ra ngoài, người đàn ông này còn bê cả mâm cơm hất vào mặt 4 mẹ con và quát lớn: "Mày với ai?". Những đứa trẻ sợ hãi, ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Đứa lớn nép vào người mẹ để tránh đòn.

Đoạn clip sau khi đăng tải gây bức xúc dư luận. Hành động vũ phu của người đàn ông có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với những đứa trẻ không chỉ về thể xác mà còn về tinh thần.

Trao đổi về vấn đề bạo lực trong clip nói trên, Chuyên gia tâm lý giáo dục, kỹ năng sống Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công cảnh báo những nguy hại.

{keywords}
Chuyên gia tâm lý giáo dục, kỹ năng sống Vũ Việt Anh

Khi cha mẹ sử dụng vũ lực trước mặt con cái, họ đã vô tình khiến con cái có suy nghĩ lệch lạc rằng, để giành được cái con muốn từ người khác, hãy dùng đến sức mạnh và bạo lực; để giải tỏa cơn tức giận của mình, hãy trút tất cả lên đầu người khác thậm chí là dùng vũ lực; muốn điều khiển người khác phải có sức mạnh và kẻ mạnh luôn là người chiến thắng. Chúng cũng hiểu rằng, bạo lực có thể dùng ngay cả với những người thân yêu của mình giống như bố đã làm với mẹ và các con.

Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tư duy và cuộc sống của trẻ sau này. Nó hằn vào tâm trí của đứa trẻ giống như một điều tất lẽ dĩ ngẫu nếu hành động bạo lực ấy cứ xảy ra thường xuyên.

Ở trên lớp, khi bạn bè làm điều không đúng yêu cầu, không đúng ý con, chúng sẽ có xu hướng dùng bạo lực. Hành vi đó nếu lặp đi lặp lại qua nhiều năm tháng sẽ hình thành tính cách hung hăng, thích bạo lực. Đứa trẻ như vậy sẽ không thể trở thành một người tốt. 

Hơn nữa, việc bố bạo hành mẹ sẽ khiến đứa trẻ cho rằng, muốn điều khiển người khác, ta phải có sức mạnh. Tiến sĩ Việt Anh nhận định, tư duy này sẽ khiến những đứa trẻ đến tuổi đi học dễ sa vào vấn nạn bạo lực học đường, có nguy cơ kết bè kết phái đi bắt nạt những đứa trẻ yếu thế hơn mình. Chúng cũng có thể trở thành tội phạm vị thành niên vì những vấn nạn trên.

“Những người đàn ông sinh ra trong gia đình bạo lực đánh vợ nhiều hơn 600 lần so với đàn ông có hoàn cảnh trái ngược. Cứ 4 người xuất thân trong một gia đình bạo lực thì có 1 người hung hăng, làm vợ con mình bị chấn thương nghiêm trọng. Gần như 100% đứa trẻ bị trừng phạt về thể xác đều tấn công anh chị em mình, 20% đánh đập tàn nhẫn anh chị em mình", Tiến sĩ Việt Anh nhấn mạnh.

Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định:
“1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

2. Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng”.
Chế tài xử lý:
Căn cứ theo Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định:
“1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của khoản 1 Điều này thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.
3. Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”.
Tùy vào mức độ, tính chất của hành vi bạo lực gia đình, sẽ bị áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
- Theo đó, những hành vi chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức phạt tiền và các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả. Mức phạt tiền từ từ 100.000 đồng đến 2.000.000 đồng, tương ứng với từng hành vi được quy định trong Mục 4 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
- Đối với những hành vi có tính chất nghiêm trọng, có thể bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Điều 134 Bộ luật Hình sự ); tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật Hình sự ); tội bức tử (Điều 130 Bộ luật Hình sự năm 2015 ). Theo đó, đối với các tội này có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, mức cao nhất của hình phạt là tù chung thân.

Tú Linh

Vụ bé gái 3 tuổi bị bạo hành: Sự lệch lạc nghiêm trọng về nhân cách

Vụ bé gái 3 tuổi bị bạo hành: Sự lệch lạc nghiêm trọng về nhân cách

Bà Phan Lan Hương cho rằng, đối tượng trong vụ bé 3 tuổi bị bạo hành ở Thạch Thất có sự lệch lạc nghiêm trọng về nhân cách.