Ba năm về trước, Kang - một cư dân 65 tuổi ở tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) - quyết định phẫu thuật nâng mí, vừa để cải thiện thị lực, vừa để có vẻ ngoài trẻ trung hơn khi đã cao tuổi.

“Tôi hài lòng với lần chỉnh sửa này bởi trông tôi trẻ ra, có sức sống hơn. Sau đó, tôi khuyên nhiều bạn bè làm theo. Mới nhất, một người bạn đã đi phẫu thuật làm căng da mặt”, bà Kang kể lại với Korea Herald.

Con cai Han dan cha me di phau thuat tham my de bao hieu anh 1

Không chỉ lớp trẻ, ngay cả người trung niên, người già ở Hàn Quốc cũng muốn trùng tu lại nhan sắc. Ảnh: NY Times.

Không riêng thế hệ trẻ tuổi, những người già như bà Kang cũng đang sẵn sàng đụng chạm dao kéo vì cả lý do sức khỏe lẫn mong muốn “níu kéo” vẻ ngoài trẻ, đẹp.

Từ đó, phụ nữ lớn tuổi trở thành đối tượng khách hàng tiềm năng cho ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ vốn nổi tiếng của Hàn Quốc.

Phẫu thuật thẩm mỹ báo hiếu

“Dịch vụ phổ biến nhất với người già là cắt mí mắt và can thiệp làm căng da mặt. Ở tuổi xế chiều, họ đang dần quan tâm hơn về ngoại hình, sau khi đã ổn định tài chính và muốn chăm chút cho bản thân. Trước đó, tâm lý chủ yếu là ngần ngại, sợ sệt", Hong Seung-eun, giáo sư phẫu thuật thẩm mỹ, làm việc tại Đại học nữ sinh Ewha cho biết

Nhu cầu cao dẫn đến thị trường phẫu thuật thẩm mỹ cao cấp cũng trở nên cạnh tranh hơn, với số lượng các phòng khám, chỉnh hình dành riêng cho khách hàng lớn tuổi ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Theo số liệu của Cục Thống kê Hàn Quốc, người từ 65 tuổi trở lên chiếm gần 16% tổng dân số Hàn Quốc vào năm 2020, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 9%.

“Số lượng khách hàng ở độ tuổi 50 và 60 đã tăng lên đáng kể trong vòng 2-3 năm qua. Dịch vụ xóa bỏ nếp nhăn được nhiều người tìm tới nhất, với thời gian thực hiện lẫn phục hồi đều nhanh chóng”, một nhân viên quan hệ công chúng của Bệnh viện ID ở quận Gangnam (Seoul), tiết lộ.

Con cai Han dan cha me di phau thuat tham my de bao hieu anh 2

"Mẹ tôi trông già hơn tuổi nên tôi muốn giúp mẹ đi phẫu thuật thẩm mỹ". Ảnh: YouTube.

Trong quý đầu tiên của 2020, số lượng khách hàng trên 50 tuổi tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, tỷ lệ của năm 2019 đã cho thấy mức tăng 66% so với cùng kỳ năm 2018, theo dữ liệu của bệnh viện.

Lớp người già Hàn Quốc mới nổi, quan tâm đến chăm sóc sắc đẹp này được gọi dưới cái tên “thế hệ OPAL”, gồm những người sinh từ năm 1955 đến năm 1965.

Theo giáo sư Kim Nan-do, tác giả cuốn Trend Korea 2020 (tạm dịch: Xu hướng Hàn Quốc 2020), thế hệ này - những người lớn tuổi từng có công sức lớn xây dựng nên nền kinh tế phát triển của Hàn Quốc ngày nay - sở hữu nét tính cách sôi nổi, cầu tiến và sẵn sàng thay đổi.

Nắm bắt xu hướng mới, nhiều trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ bắt đầu tung ra chiến lược tiếp thị mới có tên gọi “phẫu thuật thẩm mỹ báo hiếu”. Trong đó, con cái sẽ chi tiền cho cha mẹ tân trang lại vẻ ngoài như một món quà dành tặng trong các dịp nghỉ lễ hay sinh nhật.

Trên Nadoc - một kênh YouTube chuyên về làm đẹp, một cô con gái đưa mẹ đến phòng khám và hỏi ý kiến ​​bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ về phẫu thuật nâng cơ mặt. Cô gái thấy mẹ trông già hơn tuổi nên muốn giúp đỡ mẹ.

“Trước đây tôi rất thích chụp ảnh, nhưng giờ tôi tránh lộ mặt trước camera vì không muốn nhìn thấy làn da chảy xệ. Con gái tôi khi biết chuyện đã đề nghị cả hai đến phòng khám cùng nhau”, bà mẹ nói.

Con cai Han dan cha me di phau thuat tham my de bao hieu anh 3

Khái niệm phẫu thuật thẩm mỹ báo hiếu ra đời như cách để khuyến khích con cái ở xứ kim chi đưa cha mẹ đi làm đẹp. Ảnh: Korea Herald.

Người lớn tuổi trở thành nguồn thu chính

Mặc dù số đông nghĩ rằng đại dịch sẽ làm giảm mong muốn làm đẹp và cản bước khách hàng tìm đến các trung tâm thẩm mỹ, thực tế là nhu cầu chỉnh sửa vẫn tăng cao. Nhiều phụ nữ thậm chí còn suy nghĩ tận dụng khoảng thời gian bắt buộc đeo khẩu trang hay được làm việc ở nhà để tranh thủ dao kéo.

Dù các phòng khám, trung tâm ở Gangnam - nơi được mệnh danh là thánh địa của phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc - đã mất đi nguồn thu từ khách nước ngoài, số lượng khách trong nước vẫn ở mức ổn định.

“Khách hàng chính của chúng tôi hiện giờ là những người ở độ tuổi 50-70. Khi ở nhà, nhiều người xem ti vi và so sánh mình với các diễn viên, ca sĩ nổi tiếng - những người trông trẻ hơn nhiều so với tuổi của họ. Đứng trước gương, nhiều người sẽ cảm thấy chán nản”, một điều phối viên 36 tuổi làm việc cho một phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ ở quận Gangnam, cho biết.

Tuy nhiên, khi số lượng bệnh viện cung cấp dịch vụ phẫu thuật cho người cao niên bắt đầu mọc lên như nấm, các báo cáo về tác dụng phụ sau phẫu thuật cũng gia tăng.

Một số bệnh nhân cáo buộc các bác sĩ đã khuyên họ tiến hành các thủ thuật lớn, chẳng hạn như căng da mặt, mà không cảnh báo trước về các nguy cơ, tác dụng phụ có thể xảy ra.

“Các thủ tục cho phẫu thuật căng da mặt khá đa dạng. Không ít trường hợp khách hàng tố cáo phòng khám vì mặt họ bị biến dạng, tê liệt cảm giác sau khi phẫu thuật. Điều quan trọng là không bị lừa dối bởi những quảng cáo phóng đại”, một nguồn tin của Cơ quan Hòa giải Tranh chấp Y tế Hàn Quốc, nói với Korea Herald.

Cuộc đua hàng hiệu cho con cái của giới nhà giàu

Cuộc đua hàng hiệu cho con cái của giới nhà giàu

Giới nhà giàu không ngần ngại vung tay sắm cho con quần áo, túi xách hàng hiệu từ lúc chúng mới 1-2 tuổi. Đứa trẻ được coi là minh chứng cho đẳng cấp của bố mẹ.

Theo Zing