Nơi đó có thể là chốn dung thân của anh thanh niên vừa ra tù, chỗ tá túc của chị công nhân không nơi nương tựa … Thậm chí là chỗ ngao du sơn thủy, an hưởng tuổi già của những người chọn thú tiêu dao.

Chốn “sám hối” của nửa đời sa ngã

{keywords}
Anh Sơn cọ rửa số sắt vụn vừa nhặt được để chuẩn bị đem bán, kiếm tiền lo bữa tối. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Cố vén lớp màng bẩn trên mặt nước ô nhiễm, anh Nguyễn Trần Sơn (SN 1986, ngụ Quận 8, TP.HCM) múc lên từng ca nước đen ngòm để rửa mớ sắt vụn vừa nhặt về tối qua. Anh vệ sinh chúng, chuẩn bị bán đi để có tiền lo cho bữa tối.

Nhiều tháng nay, anh thu mình, sống tạm dưới gầm cầu Kênh ngang số 1 (Quận 8) sau thời gian mệt mỏi vì phải lang thang ngoài đường phố. Anh nói, chốn gầm cầu này trở thành nơi anh “sám hối” cho nửa đời sa ngã của mình.

Không một chút giấu giếm, anh cho biết, trước đây, gia đình anh có nhà cửa ở Quận 1. Sau đó, khu vực bị giải tỏa, anh chuyển sang Quận 8 sinh sống. Tại đây, anh bắt đầu trượt dài trong sa ngã.

“Năm 2009, tôi bị bắt vì tội Buôn bán trái phép chất ma túy và đi tù. Giữa 2016, tôi được về. Về nhà, tôi lại gây gổ với anh trai nên ra khỏi nhà rồi ra đây ở tạm. Bây giờ xin đi làm, tôi phải làm giấy tờ này nọ rất khó khăn, phức tạp chứ không giống như hồi chưa đi tù. Do vậy, tôi cứ lay lắt, bám dưới chân cầu này”, anh Sơn kể.

{keywords}
Chỗ ngủ tạm bợ của anh Sơn dưới gầm cầu. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Nhìn qua phía chân cầu thấy mưa phùn giăng giăng trên mặt sông đầy thơ mộng, Sơn nhớ đứa con trai da diết. Anh kể, hồi còn chưa phạm tội, anh từng đưa cậu bé ra khúc sông này đạp xe trên vỉa hè, ngắm mưa và cùng nhau câu cá. Thế mà bây giờ, đến về thăm con, anh cũng không dám.

Bởi lúc này, anh thấy mình “như con ma vất vưởng, sống cùng chuột bọ nơi gầm cầu ẩm thấp, bẩn thỉu”. Mấy bữa trước, anh lót bìa các tông ngủ sát mép sông để chống chuột cống.

Hôm nước lên, anh ngủ say không biết, bìa ướt, rã hết cả, giấc ngủ cũng không được yên. May mà đi lượm ve chai, anh nhặt được mấy miếng ván từ chiếc tủ bị người ta vứt đi, anh mới có chỗ ngả lưng phẳng phiu một chút.

Anh nói, bây giờ, ngoài nhớ con anh còn thương mẹ già. Thế nhưng, sự xuất hiện của anh lúc này ở gia đình chỉ khiến cuộc sống của họ thêm xáo trộn. Anh vẫn hy vọng, người anh trai có thể tha thứ cho mình để anh có thể về nhà.

Tuy vậy, chính anh cũng thấy hy vọng ấy mỏng manh quá đỗi. “Chẳng biết khi nào tôi được lên bờ và ngày ấy có đến không nữa. Tuy nhiên, nếu không có ngày ấy, tôi cũng không oán hận vì mình sai thì phải chịu”, anh Sơn nói rồi lấy chiếc thùng sơn cũ ra hứng nước mưa để làm nước sạch dùng hằng ngày.

“Bến đợi” bất đắc dĩ

{keywords}
Chiếc ghe cũ nát của chị Thúy nằm gối đầu lên những bụi ô rô bên mép sông. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Mưa đã ngớt từ lâu. Giờ đây trông chiếc ghe cũ nát của chị Phạm Thị Thanh Thúy (SN 1989, quê An Giang) như một bà lão tội nghiệp, mệt mỏi gối đầu lên bụi ô rô ven cầu Bà Bướm, phường Phú Thuận, Quận 7, TP.HCM.

Nghe tiếng gọi của người lạ, Thúy cúi đầu, vén mớ lá dừa nước dùng để che mưa trên mái ghe nhìn ra. Cô cẩn trọng bước từng bước xuống tấm ván mục nát kê từ chiếc xe xuống mặt đất, tiến về phía chúng tôi. Thúy ốm yếu, xanh xao đến nỗi trong bộ quần áo rộng, ướt mưa, cô trông xác xơ tiều tụy đến phát sợ.

Thúy nói, 5 năm trước, vì cuộc sống khó khăn, cô bỏ lại con thơ, ôm hành lý lên TP.HCM kiếm tìm tương lai mới. Nơi đất khách, cô quen biết và xuống ghe ở cùng một người đàn ông chuyên chài lưới trên khúc sông gần cầu Bà Bướm này.

Ngày có cá tôm, cả hai có bữa no, có thêm ít đồng thang thuốc. Thúy và chồng ngỡ nơi đây sẽ là “bến đợi” của mình và cố gắng mưu sinh mong một ngày đuổi xua được cái đói. Nào ngờ, cá tôm dần ít đi, sức khỏe Thúy ngày càng trở xấu.

Để mưu sinh, chồng cô rời ghe, lên bờ làm thợ hồ kiếm ăn qua bữa. Thúy mỏng manh lại thêm phần bệnh tật hành hạ chỉ có thể ru rú dưới ghe, ra gầm cầu Bà Bướm nhặt rau ăn qua bữa chờ chồng về.

“Bến đợi” không còn, thuyền ghe rách nát. Mỗi lần mưa to, gió lớn, chiếc ghe tròng trành, muốn lật nhào. Thúy sợ hãi, ôm con mèo hoang là người bạn thân duy nhất trốn sang gầm cầu Bà Bướm ở tạm.

{keywords}
Sau cơn mưa, Thúy sửa chữa lại mái ghe để chống dột. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Phía bên kia cầu, những cao ốc cao vút đang thi nhau mọc lên. Thúy ngước đầu nhìn mãi rồi kể cho chúng tôi nghe chuyện trước đây, phía bên này cũng có gia đình anh Điền sống dưới gầm cầu. Nhưng anh ấy may mắn, được một mạnh thường quân giúp đỡ nay đã lên bờ thành công.

“Số em nó khổ từ nhỏ nên sống sao cũng quen. Nhưng mỗi lần thấy người ta chở con đi ngang qua, từ dưới chân cầu nhìn lên, em nhớ con lắm. Từ ngày ra đi đến giờ, em có biết bao lần dự định về thăm tụi nó. Thế mà đã 5 năm rồi. Không biết bao giờ mới có thể thăm được con”, Thúy nói rồi vội giấu mặt đi chỗ khác.

Mấy bữa mưa bão triền miên, công việc thợ hồ không nhiều, chồng Thúy lại bám sông chài lưới nhưng cũng chẳng đủ trang trải. Thúy biết mình thiếu may mắn, lại ốm yếu không phụ giúp được chồng nên chấp nhận cảnh sống tạm ở rìa sông, gầm cầu.

Một lần nữa giấc mơ về quê thăm con cùng khát vọng lên bờ của cô chầm chậm trôi đi như những mảng bèo phía cuối dòng. Thúy nói, ai cũng có ước mơ, ước mơ của cô là được lên bờ dù là ở thuê nhưng sao thấy khó khăn quá.

“Bây giờ, tiền ăn còn chạy từng bữa, tiền đâu mà lên bờ thuê nhà. Thôi thì cứ bám ghe, bám sông, ôm gầm cầu vậy”, Thúy nói.

(Còn nữa)

Cậu bé bóc mít thuê năm nào giờ là ông chủ vườn hồng đẹp như cổ tích

Cậu bé bóc mít thuê năm nào giờ là ông chủ vườn hồng đẹp như cổ tích

Mỗi sáng, thức dậy cùng mặt trời, Tầng Hắm Phu đội nón lá, mặc áo sờn màu ra vườn nhổ cỏ, bắt sâu cho những gốc hồng.

Nguyễn Sơn