Cô giáo Trương Thị Nhượng là một trong 14 gương mặt được báo VietNamNet đề cử là Nhân vật truyền cảm hứng năm 2020. Các gương mặt được lựa chọn đều có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, từng xuất hiện trên báo VietNamNet. Thời gian bình chọn đến 24h ngày 15/12/2020. Độc giả bình chọn TẠI ĐÂY.

 

{keywords}
Cô giáo Trương Thị Nhượng (Trường Tiểu học và THCS xã Tân Thành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) và những học sinh của mình.

Những năm gần đây, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, cô Nhượng còn được lãnh đạo ngành giáo dục địa phương và chính quyền đánh giá cao về những đóng góp trong việc kết nối các nhà hảo tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ủng hộ trang thiết bị học tập cho học sinh vùng cao.

Tính tới nay, cô giáo Hà Giang đã kết nối để xây mới được 5 điểm trường, sửa sang 3 điểm trường, xây một số cây cầu dân sinh, kêu gọi ủng hộ cho học sinh đồng phục, sách vở, bàn ghế và bữa ăn trưa bán trú.

Sau 3 năm đứng lớp ở điểm trường Nậm An, năm nay cô xung phong về điểm trường Ngần Thượng - điểm khó khăn nhất của trường Tân Thành (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang).

Hồi đầu năm học, đường sá đi lại còn khó khăn, sáng nào cô cũng xuất phát từ 6h sáng và đến trường lúc 7h. “May mắn là tháng 11 vừa rồi Nhà nước làm cho đoạn đường khó đi nhất dài 1,8km. Bây giờ vẫn còn một đoạn khó đi nữa nhưng 7km từ nhà đến trường, tôi đi chỉ còn mất 20 phút”.

Toàn bộ học sinh mầm non và tiểu học của điểm Ngần Thượng là 60 em, trong đó có 30 học sinh tiểu học. Khối tiểu học chia thành 4 lớp nhưng chỉ có 2 phòng học.

“Cứ 1 phòng có 2 lớp ghép, ngồi tráo đầu đuôi vào nhau. Tôi được phân công dạy lớp 2 và lớp 4. Một cô khác dạy lớp 1, lớp 3 và một cô dạy các môn phụ”. Một tuần các em học cả ngày vào 3 ngày từ thứ 3 đến thứ 5. Hai ngày còn lại, các em chỉ học buổi sáng.

Năm nay cô Nhượng xin được các nhà hảo tâm tiền hỗ trợ bữa ăn trưa cho các con, tính ra mỗi con được 7 nghìn đồng/ bữa. “Nhưng học sinh miền núi nghèo như thế, đi học hỏi đến cái gì cũng bảo không có nên mình đâu nỡ thu thêm tiền của các con”. Các cô lại liệu cơm gắp mắm. Mỗi bữa trưa, với hơn 200 nghìn đồng, cô Nhượng lại phải tính toán ăn gì cho đủ 30 học sinh.

Cứ 5 giờ sáng, cô lại dậy sớm đi chợ mua thức ăn bữa trưa cho 2 điểm trường mà cô đã xin được từ nhà hảo tâm. Thức ăn của điểm trường cũ Nậm An sẽ được một cô giáo đến nhà cô Nhượng lấy mang lên. Còn thức ăn của điểm Ngần Thượng, 3 cô sẽ phân công nhau, người chở thức ăn, người chở gạo, mỗi người cố gắng một chút.

{keywords}
Học sinh điểm trường Ngần Thượng, Trường Tiểu học và THCS Tân Thành ăn cơm trưa trong căn phòng được sửa lại. 
{keywords}
Suất ăn trị giá 7 nghìn đồng từ số tiền cô giáo Nhượng đi xin được của các nhà hảo tâm.

“Sau khi xin được bữa ăn cho các con, chúng tôi vận động phụ huynh luân phiên nhau nấu cơm. Khi tôi về, cơ sở vật chất của Ngần Thượng chỉ có đúng 2 phòng học và một phòng chờ đã hỏng, không có nhà bếp. Những ngày đầu năm, các cô ngồi ngay ngoài hiên nấu nướng. Sau đó, các cô đề nghị nhà trường sửa lại căn phòng hỏng để làm chỗ nấu nướng, ăn cơm và nghỉ trưa cho cả 30 học sinh tiểu học và 3 cô giáo”.

Cô Nhượng chia sẻ, với chi phí 7 nghìn đồng/suất trong thời buổi giá cả leo thang như thế này, bữa cơm của các con cũng không có gì nhiều hay chế biến cầu kỳ được. “Chủ yếu là đậu, thịt, muối vừng, nhưng bữa nào cũng đảm bảo cho các con 1 món mặn, canh và rau”.

Nhớ lại những ngày đầu đến Ngần Thượng, mọi thứ còn hỏng nát, cỏ mọc tốt um, 3 cô giáo thầm nghĩ, lại phải làm lại từ đầu giống như ở điểm trường Nậm An. Việc đầu tiên các cô làm là đề nghị nhà trường tổ chức một buổi lao động, vệ sinh trường lớp, dọn cỏ.

Khi cô Nhượng mới về điểm trường này, bàn ghế không có đủ, bàn ghế đã có thì cũ, hỏng. Cô lại mạnh dạn kêu gọi các hội nhóm ủng hộ Ngần Thượng 15 bộ bàn ghế, quạt và các thiết bị điện. Từ đầu năm học đến giờ, cô xin được cho học sinh của mình mỗi em 3 chiếc áo đồng phục, giày dép, chăn đệm.

Cô bảo, nếu chỉ có một mình thì cô không thể làm được tất cả những việc đó. Cả 3 cô giáo đều chung tay, mỗi người một việc mà như lãnh đạo nhà trường nhận xét là “3 cô đã khiến Ngần Thượng thay da đổi thịt”.

{keywords}
 
{keywords}
Điểm trường Ngần Thượng trước và sau khi được vệ sinh, sơn mới. 

Cô giáo vùng cao kể, trước đó, cũng từng có đồng nghiệp lên thăm trường và nói với cô rằng: “Cho em nhận lương đến 30 triệu em cũng không về đây”. Lúc ấy cô Nhượng chỉ cười. Khi xung phong về điểm trường này, lãnh đạo nhà trường cũng hỏi "chị đau lưng thế liệu có đi được không?”. Cô chỉ trả lời “sẽ cố gắng khắc phục”.

Cô bảo, học sinh của mình đáng thương lắm. Ngoài nghèo, đói, nhiều đứa còn mồ côi cha mẹ, cha mẹ bỏ đi, có cả trẻ thiểu năng trí tuệ.

“2/3 học sinh sống tập trung quanh khu vực này, nhưng nói là tập trung thôi chứ đi bộ đến trường cũng phải mất 30 phút vì mỗi nhà một quả đồi. Bạn nào có em học mẫu giáo thì được bố mẹ đưa đi, còn không thì toàn tự đi bộ tới trường. Nhiều em phải băng qua suối” - cô kể.

“Các con ở trên này rất thiệt thòi vì bố mẹ không quan tâm việc học hành của con, đi học hỏi tới cái gì cũng không có. Hồi đầu năm học, mình hỏi học sinh còn không nói”. Nhưng sau một thời gian được rèn giũa kỹ năng, bây giờ học sinh của Ngần Thượng đã biết chào khi nhìn thấy cô, biết tự vệ sinh cá nhân, biết xách đồ giúp cô khi thấy cô đến.

Có những em học sinh bị coi là cá biệt, bướng bỉnh nhưng với kinh nghiệm của mình, khi hiểu về hoàn cảnh của các em hơn, cô Nhượng có cách ứng xử riêng, khiến các em thấy mình được tin tưởng, được yêu thương. Dần dần, các em cũng thay đổi cách phản ứng của mình với các cô.

Bây giờ mơ ước lớn nhất của cô cho Ngần Thượng là xin được tiền để xây một căn bếp, một nhà vệ sinh và phòng lưu trú cho giáo viên. “Hiện tại có quỹ đã ủng hộ 12 triệu đồng, tôi vẫn còn đang giữ, đợi có đủ tiền thì xây”.

{keywords}
Đường tới trường của các cô giáo.
{keywords}
Hầu hết học sinh đều đi bộ tới trường.
{keywords}
Cổng vào điểm trường Ngần Thượng.
{keywords}
Bữa ăn trưa đầu tiên của năm học mới là những chiếc bánh mỳ và bánh ngọt của nhà hảo tâm.
{keywords}
 
{keywords}
Những đôi dép rách đến trường. 
{keywords}
Bữa cơm trưa 7 nghìn đồng của nhà hảo tâm trao tặng.
{keywords}
Các con đã có những bộ quần áo lành lặn hơn, những bữa ăn no bụng hơn. 
{keywords}
Lớp học khang trang hơn khi có những bộ bàn ghế mới. 

Người cố níu con chữ cho những đứa trẻ 'hoang dã' trên cao nguyên đá

Người cố níu con chữ cho những đứa trẻ 'hoang dã' trên cao nguyên đá

“Mình cứ nghĩ mãi đến chi tiết ấy và không hiểu nổi tại sao lại có người muốn bán đứa con dứt ruột đẻ ra. Cứ thế thôi mà thương nó”.

Nguyễn Thảo

Ảnh: NVCC