Video: 

Rong ruổi nuôi chó, mèo hoang

Căn nhà nằm chơ vơ giữa ruộng của chị Nguyễn Thị Ngọc (45 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) sớm trở thành nơi “an dưỡng” của những vật nuôi bị bỏ rơi. Từ nhiều năm trước, nơi đây tập trung rất nhiều chó, mèo khuyết tật.

Chị Ngọc cho biết, như mắc nợ, chị có một tình thương đặc biệt đối với chó mèo hoang, bị bỏ rơi, khuyết tật. Từ lúc còn con gái đến bây giờ, chị quên hẳn hạnh phúc cá nhân để dành thời gian chăm sóc chúng.

{keywords}
Nhiều năm qua, chị Ngọc liên tục nhặt, nhận chó mèo hoang, bị bỏ rơi, khuyết tật về nuôi.

“Chắc có nợ với chúng nên khoảng 10 năm trước, tôi tự nguyện mua thức ăn đi nuôi chó mèo hoang. Ban ngày tôi đi làm bình thường nhưng tối đến, bắt đầu từ 20h, tôi đem thức ăn đến các bãi rác, nhà hoang trên đường cho chó, mèo hoang ăn”, chị nói.

Thế nhưng sau mỗi lần cho ăn, tiếng kêu khắc khoải của những con vật bị bỏ lại khiến chị động lòng trắc ẩn. Chị dừng xe, quay lại ôm chúng về nhà chăm sóc như chăm đứa con nhỏ tự mình đứt ruột sinh ra.

Chị kể: “Thấy thương tụi nó. Có lần, tôi cho ăn xong rồi lên xe đi. Nhưng tụi nó không chịu đi mà đứng kêu trong đêm. Tôi nghe chúng kêu giọng như khắc khoải, nỗi niềm lắm. Xót quá, tôi quay lại đón chúng về. Thôi kệ, được đến đâu hay đến đó”.

{keywords}
Phần lớn chó mèo chị Ngọc chăm sóc đều là con vật bị bỏ rơi, khuyết tật.

Cứ thế, khuôn viên căn nhà tạm rộng hơn 100m2 đều trở thành chuồng, trại của cơ man nào là chó, mèo. Chị gọi chúng là con, xưng mẹ, hàng ngày chăm sóc chúng tận tình.

“5h sáng tôi thức dậy cho tụi nhỏ ăn đến 9h mới xong. Trưa, tôi cho mấy bé mèo bú sữa, khoảng 1-2h chiều lại đi giao xe lăn cho khách. Đúng 4h chiều, tôi chạy về cho tụi nó ăn, quét dọn. Quét dọn xong cũng 20h, tôi lại chạy ra đường cho chó mèo hoang ăn”, chị kể.

Thấy chị nặng lòng với vật nuôi, nhiều người lén lút đem chó, mèo khuyết tật đến bỏ lại trước cửa nhà chị. Thấy vậy, chị đều lặng lẽ cưu mang, chữa trị cho con vật tội nghiệp. Chị nói, nếu người ta không đem đến đây vứt bỏ, chị cũng đi nhặt chúng về chăm sóc.

{keywords}
Sau khi cho chó mèo ăn, chị bắt tay vào làm xe lăn cho các con vật khuyết tật.

Lúc chúng tôi đến, chị mới chăm bẵm xong chú mèo hoang được nhặt về từ bãi rác vào đêm hôm trước. Đưa ngón tay sưng đỏ, in hằn vết cắn cho chúng tôi xem, chị nói: “Tối qua bắt nó, nó cắn đó”.

“Đau lắm nhưng cũng phải cố chịu. Nếu mình vì đau mà ném nó đi thì nó sẽ sợ và đi mất luôn. Mình không bao giờ tìm thấy và có cơ hội chăm sóc cho nó nữa. Thương nó, mình phải chịu đau, đưa nó về. Thấy chưa, mới sáng ngày thôi, giờ nó chịu chị rồi nè”, vừa nói chị vừa vuốt vuốt con mèo đang nằm vắt vẻo trên đôi vai của mình.

Thiết kế xe lăn cho thú cưng khuyết tật

Phát hiện chủ vuốt ve “thành viên mới”, một chú chó bị liệt 2 chân sau sủa ầm ĩ. Chị Ngọc bỏ vội con mèo xuống sàn, tiến đến xoa đầu con chó nhỏ nói: “Bé Misa này có tính ganh tị ghê lắm. Thấy tôi cưng ai là nó la hét um sùm. Nó không nói được chứ hiểu hết á”.

Không chỉ mỗi Misa, chó mèo ở đây phần lớn đều bị liệt 2 chi sau. Để “các con” đỡ vất vả trong việc đi lại, chị nảy ra ý định làm xe lăn cho chúng. Chị kể, ý tưởng này khởi nguồn từ lần chị nhặt chú mèo con bị tật ở chân ngoài công viên về nuôi.

{keywords}
Những chiếc xe lăn dành cho mèo có giá 150.000 đồng/chiếc, xe dành cho chó là 200.000 đồng/chiếc.

Để con mèo tự di chuyển, chị tìm mua xe lăn nhưng ở Việt Nam không bán. Thế là chị tự mày mò, thiết kế xe lăn cho thú cưng của mình bằng ống nước.

Xe lăn là một khung ống nước hình vuông với 4 bánh xe và đai dây chắc chắn để cố định phần thân vật nuôi. Khung hình vuông và dây đai có nhiệm vụ nâng đỡ phần chi bị liệt của con vật. Sau khi đeo khung này vào, con vật bị bại liệt có thể di chuyển bằng chi trước và các bánh xe phía sau.

Chị nói, ban đầu, xe chỉ có 2 bánh. Việc này khiến vật nuôi mất thăng bằng, thường xuyên té ngã. Do đó, chị quyết định nâng cấp sản phẩm, lắp thêm 2 bánh xe nữa vào phần khung đỡ của xe lăn.

“Tôi chọn chất liệu là ống nước vì xe sẽ nhẹ hơn so với chất liệu khác. Xe nhẹ nên vật nuôi khuyết tật có thể lạng lách được trong lúc di chuyển. Nếu làm bằng sắt, xe trông chắc chắn, thẩm mỹ cao, ban đầu chó mèo đi rất tốt nhưng thời gian sau nó sẽ đè nặng làm con vật bị còng xương sống”, chị Ngọc phân tích.

{keywords}
Chị nói, nhờ công việc chế tạo, bán xe lăn mà chị có kinh phí để chăm sóc đàn vật nuôi của mình.

Sau khi áp dụng thành công cho con mèo đang nuôi, chị mạnh dạn giới thiệu sản phẩm cho người cần. Do chị là người đầu tiên thiết kế, chế tạo loại thiết bị hỗ trợ cho vật nuôi khuyết tật nên sản phẩm được đón nhận.

Chị nói, chị bán các loại xe lăn cho chó, mèo do mình thiết kế rất rẻ. Bởi, nếu bán với giá thành cao, người ta sẽ không mua rồi bỏ thú cưng khuyết tật ra đường. Họ bỏ ra đường, chị lại phải đi nhặt về nuôi. Thế nên chị quyết định bán rẻ, lấy công làm lãi để chủ vật nuôi vẫn thương và nuôi thú cưng của mình.

Các sản phẩm trên đã giúp nhiều con vật tưởng chừng không thể di chuyển có thể đi lại bình thường, vui đùa cùng nhau. Chị nói: “Khi thấy chúng có thể di chuyển, không nằm ủ rũ vì không đi được, lòng tôi tràn ngập niềm vui. Với tôi, như thế là hạnh phúc”.

Chị bán đậu phụ và tâm huyết với những suất cơm đặc biệt cho bệnh nhân nghèo

Chị bán đậu phụ và tâm huyết với những suất cơm đặc biệt cho bệnh nhân nghèo

Bốn năm qua, chị Lý cùng những người phụ nữ ở thôn Yến Vĩ đã cung cấp miễn phí thực phẩm để nấu cơm tặng các bệnh nhân nghèo.

Nguyễn Sơn