Một tháng lăn lộn ở ‘rốn lũ’
“Điên, khùng’ là những từ người ta nói về tôi, khi tôi mang trong mình bệnh hiểm nghèo mà vẫn ‘ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, chị Đỗ Thị Nga (SN 1979) - Trưởng ban thường trực Mạng lưới tình nguyện quốc gia khu vực miền Trung, chia sẻ về hành trình của mình.
Chị Nga trao quà cho người dân vùng lũ. |
Chiều 8/11, quá mệt sau 1 tháng hỗ trợ bà con vùng lũ, chị Nga phải nhờ người truyền nước. Sáng 9/11, cảm thấy sức khỏe hồi phục, chị lại cùng những người trong nhóm tình nguyện đi khảo sát các căn nhà bị tốc mái tại tỉnh Quảng Trị.
“Ngày 13/10 - thời điểm đầu của lũ lụt, chúng tôi có mặt tại các huyện Hải Lăng, Gio Linh… của tỉnh Quảng Trị để hỗ trợ bà con. Về Hà Nội được 3 ngày, nghe tin Quảng Nam xảy ra sạt lở, tôi lại quay vào miền Trung kết hợp cùng chuyến công tác, để cứu trợ người dân”, chị Nga nói.
Chị cùng nhóm thiện nguyện đã hỗ trợ 550 triệu đồng cho người dân tỉnh Quảng Ngãi, 2,1 tỷ cho tỉnh Quảng Nam. Họ cũng trao gần 8.000 phần quà ở tỉnh Quảng Trị và 13.000 phần quà ở tỉnh Quảng Bình…
Không chỉ giúp trước mắt, người phụ nữ này còn ‘tính kế’ lâu dài bằng cách hỗ trợ người dân xây nhà chống lũ; vận động mua bò, gà, lợn… tạo kế sinh nhai cho bà con khi lũ rút; tiến hành khảo sát để xây dựng công trình điện năng lượng mặt trời tại các điểm trường Nam Trà My, Bắc Trà My… (Quảng Nam).
“Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch để hỗ trợ bà con nuôi hươu và dê. Đây là những con vật rất thính. Không như trâu, bò, khi nghe tiếng động, chúng biết đường chạy để tránh lũ”, chị nói.
Ngồi trên xe di chuyển từ tỉnh Quảng Ngãi sang Quảng Nam, chị Nga chia sẻ: “Nhiều hôm thấy nhớ nhà, mệt vì công việc hỗ trợ bà con kéo dài từ 5h sáng đến 10h khuya.
Những ngày lũ ở Quảng Trị, Quảng Bình, nước lũ lên kèm theo xác chết của động vật rất bẩn nhưng chúng tôi vẫn phải lội xuống để chuyển hàng vào cho bà con.
Quần áo vừa khô đã ướt liên tục trong nhiều ngày, đôi chân ngứa vì nước bẩn… mọi người đều cố gắng vượt qua”.
“Chị nuôi” của trẻ vùng cao
Việc từ thiện đến với chị Nga từ khi chị còn là học sinh, sinh viên. Sau khi du học về nước, năm 2006, chị khiến cả gia đình bất ngờ khi chọn một huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh để công tác. 10 năm gắn bó với miền núi, năm 2016, chị về làm việc trong ngành giáo dục tại quận Tây Hồ, Hà Nội.
Suốt nhiều năm đó, chị vẫn gắn bó với công việc giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2014, chị chọn huyện Kỳ Sơn - vùng miền Tây Nghệ An để hỗ trợ sau một chuyến công tác tại đây.
Chuẩn bị cơm cho học sinh tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. |
Nơi đây, quanh năm bao phủ bởi sương mù. Ngày nắng, người ta có thể đi xe máy vào các điểm trường nhưng ngày mưa phải đi bộ vì sương mù bao phủ, không nhìn thấy gì.
Điện ở điểm trường Huồi Pốc (Nậm Cắn 2, huyện Kỳ Sơn) được tạo ra bởi tua-bin chỉ đủ thắp sáng chiếc bóng nhỏ.
Thấy vậy, chị Nga kêu gọi xây dựng công trình điện năng lượng mặt trời. Một tháng khởi công, dự án điện năng lượng mặt trời được khánh thành, 20 lớp học đã có điện, thầy cô có thể dùng máy tính để soạn bài.
“Thầy hiệu trưởng nói với tôi: “Cuộc đời anh gần 20 năm công tác, 10 năm quản lý, đây là lần đầu tiên trường có học sinh giỏi và học sinh thi giải viết chữ đẹp”. Từ thành công đó, tôi có thêm động lực, đắm đuối mãi với trẻ vùng cao”, chị nói.
Một lần mang áo ấm lên cho học sinh Kỳ Sơn, nhìn thấy cảnh học sinh múc nước ở bể hòa với muối để ăn cùng cơm, chị đã rơi nước mắt.
Nhà các em đều cách trường 2, 3 quả đồi. Bữa trưa, các em về nhà ăn cơm và thường không quay lại trường. Nếu em nào mang cơm đi cũng không có gì để ăn vì vậy chị lại nghĩ cách “nuôi trẻ”.
Dự án "Nuôi em" bắt đầu từ năm 2018, đến nay, 2.030 em học sinh đã được chị Nga và nhóm thiện nguyện nuôi ăn bữa trưa.
2.030 học sinh đang được chị Nga và nhóm thiện nguyện lo bữa trưa tại trường. |
Ngoài dép, quần áo, chăn… các bé đều được chị tặng 1 chiếc cặp lồng. Chị Nga lý giải, các học sinh thường không muốn ăn hết mà dành một phần cơm, thức ăn mang về cho em ở nhà.
Do nhà xa, đường rừng núi, 3h chiều các em đã được tan lớp, trên tay lại lủng lẳng chiếc cặp lồng mang về nhà chút thức ăn.
“Khi tặng quà cho các em, chúng tôi đều tặng dư ra. Ví dụ tặng kẹo mút cho các em, tôi thường tặng 2 chiếc. Nếu tặng 1 chiếc, các em sẽ không chịu ăn, dành mang về nhà cho em. Mỗi tháng 1, 2 lần tôi thường từ Hà Nội vào Nghệ An và đến các điểm trường. Lâu không lên, tôi rất nhớ những đứa trẻ ấy”.
Những năm vừa qua, chị cũng kết nối được với nhiều người cùng làm thiện nguyện để xây cầu vượt lũ trị giá hàng tỉ đồng ở các bản làng khó khăn của huyện Kỳ Sơn. Trong đó có 2 cây cầu đầu tiên được xây dựng tại bản Lưu Tân xã Bảo Nam (Kỳ Sơn) - nơi người dân đi lại phải băng qua 2 con suối dữ.
Dự án 'Nuôi em' đã giúp các em có động lực để đến trường hơn. |
Nhìn chị Nga đi lại như con thoi giữa các tỉnh, không ai nghĩ chị mang trong mình căn bệnh ung thư cổ tử cung. Năm 2009, thời điểm phát hiện mang bệnh, chị sút 10kg vì suy nghĩ, lo lắng. Nhưng người phụ nữ này vẫn vực dậy để chống chọi với bệnh tật.
Không chỉ vậy chị vẫn theo đuổi các hoạt động vì cộng đồng. “Ban đầu, gia đình phản đối rất nhiều vì lo cho sức khỏe của tôi nhưng tôi thuyết phục người thân bằng cách sống thật khỏe mạnh, ý nghĩa.
Mỗi lần đi thiện nguyện, trong hành lý của tôi, thuốc men nhiều hơn quần áo. Nhưng tôi cho rằng, sự lạc quan là điểm tựa giúp tôi có thể tiếp tục theo đuổi những công việc mình yêu thích…”.
Người đàn ông 30 ngày lái xe tải dọc miền Trung cứu trợ vùng lũ
Cụ già ngoài tuổi 80 ngồi co ro trên nóc nhà, tay ôm con chó nhỏ, suốt 3 ngày phải nhịn đói vì nước lũ cô lập. Nhận thùng mì tôm từ tay anh Dũng, bà khóc. Anh cũng khóc.
Ngọc Trang