Lần đầu nhận hoa từ chồng

Một chiều tháng 3, điều dưỡng Biện Thị Hồng Hạnh (công tác tại Phòng khám đa khoa, chuyên khoa thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM) ngồi xem lại những bức tranh vẽ về mình.

Đó là những hình ảnh nằm trong cuốn album do một người ở khu cách ly vẽ tặng chị. Thời điểm đó, chị đang tham gia chăm sóc bệnh nhân ở khu cách ly tập trung tại huyện Củ Chi, TP.HCM.

{keywords}
Nữ điều dưỡng Biện Thị Hồng Hạnh có nhiều kỷ niệm đáng nhớ sau thời gian tình nguyện vào làm việc tại khu cách ly. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chị kể, ngay từ đợt dịch đầu tiên, khi mọi người còn đang lưỡng lự, chị đã xung phong, tình nguyện vào khu cách ly chăm sóc bệnh nhân. Đến lúc này, chị cũng không hiểu vì sao thời điểm ấy, chị lại quyết định nhanh và dứt khoát đến thế.

“Lúc đó, tôi cũng không kịp suy nghĩ mình sẽ được gì, mất gì khi xung phong đi như vậy. Tôi chỉ nghĩ là dịch bệnh bùng phát, xã hội cần mình, mình có trách nhiệm chung tay cùng các đồng nghiệp khác dập dịch”, chị Hạnh chia sẻ.

Chị để lại hết công việc nhà cho người chồng là giáo viên, sau đó khăn gói vào khu cách ly tập trung. Tại đây, chị được phân công đo nhiệt độ, chăm sóc cho người cách ly và nhập số liệu báo cáo.

{keywords}
Chị Hạnh (bên phải) và đồng nghiệp thời điểm còn làm việc trong khu cách ly. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ít ngày sau, chị được điều động sang khu cách ly tập trung ở Quận 12, TP.HCM để sóc cho 6 ca nhiễm bệnh. Chị chia sẻ: “Tôi ở đó 14 ngày, nhiệm vụ là đo nhiệt độ, chăm sóc, mang cơm, động viên tinh thần cho mọi người. 14 ngày đó, tôi có rất nhiều kỷ niệm, những kỷ niệm vui, buồn mà tôi sẽ không thể nào quên”.

“Đầu tiên, phải kể đến việc tôi được chồng tặng hoa. 15 năm cưới nhau, lần đầu tiên tôi nhận được hoa từ anh ấy, lại là khi đang làm việc ở khu cách ly. Nhờ thời gian xa cách này, anh ấy mới có hành động lãng mạn đến bất ngờ. Giỏ hoa nhỏ thôi nhưng động viên tinh thần tôi rất nhiều”, chị kể thêm.

Ở khu cách ly, ngoài những công việc thông thường của một điều dưỡng, mỗi ngày, chị phải đến nói chuyện, động viên tinh thần người cách ly. Trong các buổi gặp gỡ ấy, chị luôn cố gắng truyền năng lượng tích cực, xua tan sự lo lắng, bi quan của họ.

Lòng nhiệt huyết và sự tận tâm của chị khiến những người bị cách ly tại đây rất cảm động. Mỗi khi nhận được đồ tiếp tế, họ thường gọi chị đến để tặng những món quà nho nhỏ.

Chị Hạnh kể: “Các bệnh nhân còn cùng nhau mặc đồng phục tổ chức tặng quà cho y sĩ điều dưỡng nữa. Có lần, 12h trưa, họ còn gọi tôi ra để tặng quà”.

{keywords}
Chị Hạnh cho biết, tại các khu cách ly, chị và các đồng nghiệp của mình đều được các bệnh nhân yêu quý. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Bất ngờ hơn, tôi còn được tặng một cuốn album do một bạn đang phải cách ly vẽ. Đó là những nét vẽ ghi lại cảnh tôi và các điều dưỡng khác đến đo nhiệt độ, đem cơm, động viên mọi người… Nhìn thấy những bức vẽ về mình, tôi xúc động lắm”, chị nói thêm.

Tiễn biệt người thân qua màn hình điện thoại

Thời gian xung phong chống dịch, ngoài những chuyện vui lần đầu có được, chị Hạnh cũng không ít lần rơi nước mắt. Chị nói, chị khóc vì nhiều nguyên nhân với những xúc cảm khác nhau. Một lần, chị nghe tin bệnh nhân bé nhỏ của mình nhiễm bệnh sau 2 lần xét nghiệm âm tính và lần khác khi không thể về đưa tang ông ngoại.

Chị kể: “Trong số các trường hợp bị cách ly được tôi trực tiếp chăm sóc có một em mới 10 tuổi. Em rất kiên cường. Mỗi ngày, tôi đều dành nhiều thời gian trò chuyện, động viên em nhiều hơn các trường hợp khác. Có lẽ vì thế mà chúng tôi rất thân nhau. Sau 2 lần xét nghiệm, em đều nhận kết quả âm tính”.

{keywords}
Các bệnh nhân thường xuyên tặng những món quà tinh thần như lời cám ơn, động viên, tấm thiệp xinh xắn… cho chị. Có người còn vẽ cảnh chị và đồng nghiệp làm việc trong khu cách ly rồi đem tặng như một món quà. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Chúng tôi rất vui và tin rằng em sẽ sớm được trở về nhà. Thế mà đến lần xét nghiệm thứ 3, kết quả trả về lại xác định em dương tính với SARS-CoV-2. Em biết tin mình nhiễm bệnh nhưng rất bản lĩnh, không hề khóc hay buồn. Trong khi đó, tôi lại sụt sùi nước mắt. Tôi đã khóc khi chứng kiến cảnh em lặng lẽ kéo balo trong đêm đi ra xe cấp cứu về bệnh viện để điều trị”, chị kể thêm.

Sau lần rơi nước mắt ấy, chị tiếp tục đau đớn nhận tin ông ngoại của mình qua đời. Chị nói rằng, thời điểm ông mất, chị đang ở rất gần địa điểm tổ chức tang lễ. Thế nhưng vì tính chất công việc, chị không thể về nhìn mặt người thân lần cuối cũng như tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Chị Hạnh chia sẻ: “Tôi ở cách ông mình có mấy km mà ngày ông mất, gia đình báo tin nhưng nhất quyết không cho tôi về và tôi cũng không thể về. Đến lúc tôi được về thì việc chôn cất ông đã xong hết rồi”.

“Tôi không thể gặp mặt ông lần cuối, chỉ có thể tham gia đám tang qua mạng, nhìn ông lần cuối qua live-stream. Nhưng tôi tin, ông không giận tôi đâu. Ông ngoại tôi từng là cựu tù ở Côn Đảo. Ông luôn động viên tôi sống vì mọi người”, chị tâm sự thêm.

{keywords}
Một trong nhiều tấm thiệp ghi lời chúc của những người từng được chị Hạnh và đồng nghiệp chăm sóc trong khu cách ly. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tết Tân Sửu vừa qua cũng là một cái Tết đặc biệt với chị Hạnh. Bởi, năm nào cả nhà chị cũng ra đường hoa chụp một tấm ảnh. Tuy nhiên năm nay, 30 Tết chị đã phải ra bến xe làm công tác giám sát, đứng chốt.

Có hôm, chị trực ở sân bay, mặc đồ bảo hộ từ 12h trưa đến 22h30 đêm, lấy cả ngàn mẫu xét nghiệm.

Tuy vậy, khi nhắc lại kỷ niệm ấy, chị không bao giờ xem đó là những tháng ngày vất vả, khó khăn. Ngược lại, chị luôn kể về nó với niềm xúc động và giọng đầy tự hào.

Xem thêm video: 40 năm chăm sóc, bà quản trang kể chuyện linh thiêng bên mộ liệt sĩ

Nguyễn Sơn

Cuộc trò chuyện 1 phút của nữ điều dưỡng với người yêu qua cổng khu cách ly

Cuộc trò chuyện 1 phút của nữ điều dưỡng với người yêu qua cổng khu cách ly

“Các cô cũng ăn Tết trong này à, vất vả quá nhỉ!”. “Vâng, khi nào các bác được về, bọn cháu cũng mới được về”, nữ điều dưỡng trong khu cách ly đáp lại lời động viên của một người F1.