Xem clip: Người dân xóm công viên Hạnh Phúc chuẩn bị quà gửi đến người khó khăn

Niềm vui nơi “xóm công viên Hạnh Phúc”

4h sáng, chị Lê Thị Bảy thức dậy, rời nhà ra công viên Hạnh Phúc (phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TP.HCM) nhặt rau. Gần một tháng qua, chị tham gia hoạt động chuẩn bị các phần quà để hỗ trợ người dân gặp khó khăn mùa dịch do xóm phát động.

Chị nói, khi dịch bệnh tại TP.HCM trở nên phức tạp, một hộ dân trong xóm vận động bà con xung quanh công viên chung tay mua thực phẩm để hỗ trợ người khó khăn. Hưởng ứng lời kêu gọi, bà con người góp sức, người góp công, hình thành nên hoạt động từ thiện có quy mô, tổ chức.

{keywords}
Người dân xóm công viên Hạnh Phúc chuẩn bị các phần thực phẩm cho người gặp khó khăn do dịch.

“Những hộ dân xung quanh công viên Hạnh Phúc sống với nhau như một gia đình. Một người làm là cả xóm chung tay. Xóm rất vui, đoàn kết và hạnh phúc đúng như tên gọi của công viên. Mấy hôm nay, chúng tôi ngày nào cũng ra công viên chuẩn bị quà để trưa xe chở đến tặng người dân khó khăn hơn”, chị Bảy nói.

Mỗi ngày, xóm mua, nhận tài trợ từ các nhà hảo tâm hàng tấn rau củ cùng nhiều mặt hàng thiết yếu. Sau đó, người trong xóm sẽ phân chia các mặt hàng này thành từng phần nhỏ. Số lượng rau củ lớn, người dân phải tập kết tại công viên để mỗi sáng, bà con ra đây xử lý, phân chia thành từng bịch đều nhau.

{keywords}
Chị Bảy bỏ luôn thói quen tập thể dục buổi sáng để tham gia công việc phân chia rau củ.

Khi những tia nắng đầu tiên xiên qua kẽ lá, công viên có thêm nhiều người đến tham gia việc chia rau, củ quả vào bịch nilon. Ngồi cách nhau 2m, mọi người tất bật với công việc của mình. Người tách rau cải, người cắt bí, soạn trứng gà… Ai cũng cố gắng làm việc thật nhanh để đảm bảo thực phẩm còn tươi, xanh.

Ngồi xếp rau với chị Bảy, anh Đặng Công Thắng cho biết, nhiều thành viên của xóm công viên Hạnh Phúc xem công việc thiện nguyện như một đam mê. Anh nói, nhiều chị bỏ luôn thói quen tập thể dục buổi sáng, công việc nhà… để tranh thủ ra công viên phụ giúp mọi người.

{keywords}
 

Bản thân anh, ngoài việc đi lấy thực phẩm, chở quà đi tặng người dân ở khu phong tỏa, khu cách ly, mỗi sáng, anh đều tranh thủ ra công viên từ sớm để chuẩn bị các phần quà. “Cố gắng phụ chị em cho nhanh. Lát nữa nắng lên, rau héo mất”, anh Thắng nói.

Xế hộp, xe tải luồn hẻm, tặng quà cho người dân

9h sáng, công việc chuẩn bị các phần quà hoàn tất. Anh Phạm Phúc Chí, người điều hành hoạt động thiện nguyện tại xóm công viên Hạnh Phúc tập hợp các tài xế, chuẩn bị chuyển quà đến khu phong tỏa, khu cách ly, xóm trọ nghèo.

{keywords}
Kiểm, đếm các phần quà trước khi đội xe đến nhận, chuyển đến người cần.

Tài xế đều là người dân trong xóm. Xe chở quà cũng là xế hộp mới toanh của các thành viên tham gia hoạt động thiện nguyện này. Nếu số lượng quà lớn, xóm điều hẳn xe tải để vận chuyển. Anh Chí cho biết: “Tính đến nay (3/8), hoạt động hỗ trợ người khó khăn vì dịch bệnh của xóm đã hoạt động được 21 ngày”.

“Ban đầu, anh Nguyễn Đức Hiển phát động, người trong xóm hưởng ứng, góp tiền mua thực phẩm cho người dân khó khăn. Sau đó, hoạt động của xóm được nhiều mạnh thường quân biết đến, rồi họ hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm... Khi người dân gửi tin nhắn xin hỗ trợ, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát để biết số lượng quà cần gửi rồi tập hợp quà, cho xe chở đến tận nơi”, anh nói thêm.

{keywords}
Chuyển quà lên “xế hộp”.

Mỗi ngày, “xóm công viên Hạnh Phúc” gửi tặng cho người dân ở các khu phong tỏa, cách ly, xóm trọ nghèo khoảng 200 phần quà. Đỉnh điểm, xóm gửi 300 phần/ngày. Mỗi phần quà gồm: 5kg gạo, 20 gói mì tôm, trứng hoặc cá khô, dầu gội đầu... Ngoài ra, nếu khu vực cần hỗ trợ có trẻ em, tùy độ tuổi, xóm sẽ gửi thêm sữa tươi, sữa bột…

10h, sau 2 chuyến chuyển hàng bằng xế hộp đến 2 điểm cần ưu tiên hỗ trợ, anh Chí điều động thêm xe tải chuyển thêm gần 100 phần quà đến khu phố 1A (phường Đông Hưng Thuận, Quận 12). Để có thể chuyển quà vào những khu trọ nghèo trong hẻm nhỏ, một xe ô tô 9 chỗ đời mới cũng trực chiến xuất phát.

{keywords}
Các phần quà được chuyển đến trước dãy trọ có người khó khăn vì dịch bệnh.

Trong bộ đồ bảo hộ, người dân xóm công viên Hạnh Phúc tự chuyển quà, tập kết trước một khu trọ ở phường Đông Hưng Thuận. Sau khi họ chuyển quà xuống xe, bà con từ các phòng trọ lần lượt từng người đến nhận một phần quà.

Anh Nguyễn Kiệm, người điều khiển xe ô tô luồn vào hẻm nhỏ để trao quà cho một dãy trọ nghèo chia sẻ, mặc áo bảo hộ trong tiết trời nắng nóng rất mệt mỏi. Hơn thế, mỗi khi gửi quà, các anh đều tự mình mang, vác các phần thực phẩm từ xe đến điểm tập kết nên càng vất vả hơn.

{keywords}
Mọi người chuyển quà trong bộ đồ bảo hộ cùng tiết trời nắng nóng.

“Thấy mình vất vả, mồ hôi nhễ nhại, bà con cũng muốn giúp lắm nhưng để đảm bảo an toàn, tuân thủ quy tắc phòng dịch, anh em chúng tôi luôn yêu cầu họ giữ khoảng cách. Anh em tự vận chuyển quà đến nơi tập kết rồi bà con mới từng người đến nhận. Vất vả nhưng làm rồi là mê. Không làm cảm thấy bức bối, khó chịu trong người lắm”, anh nói.

Người dân tại các dãy trọ khó khăn đều biểu lộ niềm vui khi được hỗ trợ những mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt, mỗi khi đoàn xe đến, trẻ em tại đây vô cùng thích thú. Các bé được hỗ trợ những lốc sữa tươi, quà, bánh. Ngoài ra, các bé sơ sinh được "xóm công viên Hạnh Phúc" hỗ trợ sữa công thức, người cao tuổi cũng có sữa, bột ngũ cốc…

Anh Chí cho biết, trước đây, "xóm công viên Hạnh Phúc" đã nhiều lần tổ chức các hoạt động thiện nguyện. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên xóm thực hiện một hoạt động từ thiện có quy mô, tổ chức như thế.

“Bà con trong xóm đều rất nỗ lực và nhiệt huyết khi tham gia hoạt động hỗ trợ người dân khó khăn trong đợt dịch này. Ban đầu, chúng tôi cũng chỉ định hoạt động 1-2 ngày thôi. Thế nhưng, sau khi thực hiện, chúng tôi thấy việc làm của mình có ý nghĩa, hỗ trợ được nhiều người nên tiếp tục”, anh Chí nói thêm.

Bài, ảnh, clip: Nguyễn Sơn

Nhóm chuyên xây cầu lập bếp nấu 4.000 suất cơm mỗi ngày chống dịch

Nhóm chuyên xây cầu lập bếp nấu 4.000 suất cơm mỗi ngày chống dịch

Thương TP.HCM gồng mình trong đại dịch, nhóm thiện nguyện chuyên đi xây cầu quyết định thành lập bếp cơm, nấu nghìn suất ăn cho người khó khăn vượt đại dịch.