{keywords}
Lê Duy Toàn, sinh năm 1988, hiện là chủ một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các sản phẩm bánh tráng, bún, phở... Ảnh: NVCC

Toàn sinh ra và lớn lên ở làng nghề bánh tráng truyền thống Phú Hoà Đông (Củ Chi, TP.HCM). Thấy ba mẹ thức khuya dậy sớm làm nghề, Toàn quyết tâm đi học để ‘thoát ra khỏi cái nghề này’. Đó cũng là mong muốn của ba mẹ anh - mong cho con trai học hành thành công, có công việc ở nơi văn phòng mát mẻ, an nhàn, không phải một nắng hai sương.

Nhưng có lẽ vì là ‘người con’ của đất bánh tráng nên khi nhìn thấy những tệp bánh tráng không phải của người Việt trên đất Mỹ, lòng tự tôn của anh trỗi dậy.

Toàn kể, trước khi sang Mỹ, anh cũng không biết là sản phẩm của quê nhà lại được nhiều người ăn đến thế và không mường tượng được tiềm năng phát triển của món ăn này.

4 năm học tập ở xứ người, Toàn ở ‘homestay’ với một gia đình người Mỹ. Nhiều lần được dẫn đi chợ châu Á, anh thấy bánh tráng được bán nhiều nhưng gắn mác ‘made in Thailand’.

Theo tìm hiểu của mình, Toàn biết Thái Lan không hề sản xuất bánh tráng, nhưng sản phẩm của họ vẫn ‘chễm chệ’ trên các kệ hàng của siêu thị Mỹ. ‘Trong khi bánh tráng của ba mẹ mình ở quê vừa ngon vừa sạch lại không hề có tên tuổi gì’.

Quan sát đó thôi thúc chàng trai sinh năm 1988 về nước, tìm cách đưa bánh tráng quê hương ra thế giới.

Năm 2010, tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH California State, Toàn về nước. Với 500 triệu tiền vốn trong tay, anh bắt đầu xây nhà xưởng để thực hiện ước mơ.

Mẻ bánh đầu tiên anh gửi sang Nhật Bản nhưng bị khách hàng từ chối. Mẻ bánh thứ 2 anh gửi sang Mỹ, cũng nhận về câu trả lời tương tự. Cứ thế, Toàn chào hàng đi khắp nơi trên thế giới cũng đều thất bại. Thậm chí, anh quay về chào hàng cho các công ty trong nước cũng bị từ chối thẳng thừng.

Lý giải nguyên nhân, Toàn cho rằng khi ấy mình chưa biết cách chào hàng, sản phẩm còn thô sơ, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của quốc tế.

Sau lần khởi nghiệp thất bại ê chề, anh phải giao bánh tráng cho các mối sỉ lẻ ngoài chợ. ‘Thậm chí hàng phải ký gửi, khi nào người ta bán hết hàng mới được nhận tiền về’.

‘Giai đoạn đó kéo dài 2-3 năm khiến tôi nản chí vô cùng. Nhiều lúc nghĩ gia đình bỏ tiền ra cho ăn học, mà về đi bán bánh tráng mười mấy ngàn/kg, tiền công còn không bằng công đi rửa bát bên Mỹ, thấy kỳ quá. Không lẽ lại quay về Mỹ…’, Toàn cười sảng khoái khi nhớ lại.

Nói vậy nhưng Toàn vẫn cố thêm từng chút, từng chút một.

Cơ hội mới mở ra khi một đoàn khách du lịch tới thăm cơ sở sản xuất bánh tráng của anh trong ‘tour’ thăm địa đạo Củ Chi. Khi khách ra về, anh tặng mỗi người vài gói bánh tráng làm kỷ niệm. Vài tuần sau, một vị khách trong số đó liên lạc với anh ngỏ ý đặt hàng sang Nhật Bản. Suốt 8 tháng, Toàn gửi tới vài chục mẫu thử sang nhưng đều không đạt.

‘Người Nhật rất kỹ tính. Họ yêu cầu bánh phải đạt chuẩn từ độ dày, màu sắc, mùi vị… rất khắt khe. Trong suốt quá trình này, đã nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc. Nhưng mỗi lần như thế, tôi lại tự nhủ mình cố thêm chút nữa’.

Cuối cùng, sản phẩm bánh tráng của Toàn được thị trường khó tính này chấp nhận. Đó là bước ngoặt đầu tiên dẫn đến sự phát triển như bây giờ của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn chưa dừng lại ở đó. Khi doanh nghiệp bắt đầu phát triển thì một biến cố ập đến.

Vào một buổi chiều ngày Chủ nhật, sự cố điện khiến toàn bộ nhà xưởng của anh cháy rụi, thiệt hại lên tới 3 tỷ đồng.

Đối diện với 4 bức tường trơ trụi sau vụ cháy, Toàn lại gượng dậy đi tiếp. Một mặt, anh gọi điện cho các khách hàng xin gia hạn thời gian giao hàng. Mặt khác, anh ‘đánh liều’ vay ngân hàng hơn 5 tỷ đồng để làm lại từ đầu.

Một lần khác, lô hàng 12 tấn đã nhập cảng Incheon (Hàn Quốc) nhưng buộc phải huỷ ngay tại cảng vì khách hàng phản hồi độ dày mỏng của bánh không đạt. Đó là 2 biến cố ảnh hưởng nặng nề nhất tới doanh nghiệp của Toàn kể từ khi thành lập.

Không gục ngã sau những thất bại và biến cố, Toàn tiếp tục bước về phía trước. Từ việc chỉ sản xuất bánh tráng, đến nay cơ sở của anh đã mở rộng sang các mặt hàng: bún, phở, mì miến…

{keywords}
Nhà xưởng đã được hiện đại hoá để đạt công suất tối ưu. Ảnh: NVCC

Từ 200-300kg/ngày, hiện tại công suất mỗi ngày của xưởng đã lên tới 15 tấn. 180-200 công nhân làm việc thường xuyên tại xưởng với mức thu nhập giao động 6-10 triệu đồng/tháng. Vào những đợt cao điểm, xưởng phải tuyển thêm vài chục công nhân thời vụ mới kịp giao hàng cho khách.

Nếu như giai đoạn đầu, Toàn chỉ tập trung cho xuất khẩu thì 3 năm nay, anh bắt đầu cung cấp hàng cho thị trường trong nước. Đến nay, tỷ lệ xuất khẩu vẫn chiếm 70%.

Sản phẩm của Toàn đã có mặt ở 42 quốc gia trên thế giới, chưa kể vài quốc gia khác đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục. Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Úc… là những thị trường đang nhận hàng nhiều nhất của anh.

Hiện các sản phẩm của Toàn đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), đạt chứng nhận Kosher (đáp ứng các yêu cầu về chế độ ăn uống theo đạo luật của người Do Thái), ISO 2000... Anh cũng dự định sẽ làm chứng nhận tiêu chuẩn Organic.

Khi được hỏi về lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp mình, chàng doanh nhân trẻ cho rằng, cung cấp nhiều sản phẩm cùng nhóm là điều mà công ty anh làm được so với nhiều công ty khác. Việc này sẽ giúp khách hàng chỉ cần lấy hàng từ một nơi, thay vì lấy mỗi nơi một sản phẩm.

Chính vì thế, trong thời gian tới, anh cũng muốn đa dạng thêm các sản phẩm như bún dưa hấu, bánh tráng thanh long.

Theo chủ doanh nghiệp 8x, yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp là sự ổn định về chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Từ chính câu chuyện của mình, Toàn đã rút ra một yếu tố quan trọng khi khởi nghiệp, đó là nỗ lực theo đuổi tới cùng. ‘Đừng thấy khó quá mà bỏ ngay. Khi cảm thấy mình sắp bỏ cuộc thì lại cố thêm một chút nữa. Sau những vấp ngã thì tích luỹ thêm cho mình kinh nghiệm để tránh lần sau lặp lại’.

Chàng trai 10 năm sống ở chùa trở thành quán quân khởi nghiệp

Chàng trai 10 năm sống ở chùa trở thành quán quân khởi nghiệp

 Sau khi nhận một giải thưởng dành cho ‘start-up’ ở khu vực Đông Nam Á thì một nhà đầu tư đã nhắn tin cho Tiến qua Facebook.  

Nguyễn Thảo