Chủng virus Corona đang biến đổi không ngừng và cuộc chiến chống dịch còn nhiều cam go, nhưng những tình nguyện viên như Nguyễn Thanh Tâm (20 tuổi, sinh viên trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, TP.HCM) và hàng nghìn người trong tuyến đầu chống dịch vẫn đang cố gắng không ngừng. Bởi họ hiểu, những nỗ lực đó có thể đổi về sinh mạng của người bệnh.

00h11 phút, Thanh Tâm trở về phòng sau 14 tiếng tình nguyện trong khu cách ly tập trung tại thành phố Thủ Đức (TP. HCM).

Vừa thiếp đi được mấy phút, chàng trai quê Tiền Giang choàng tỉnh, ánh mắt hốt hoảng, không giấu phần mệt mỏi, mồ hôi trên trán vẫn còn nhễ nhại. “Cứ nhắm mắt lại là tiếng còi xe cấp cứu bên tai, mùi thuốc sát trùng thoang thoảng và hình ảnh đau đớn của bệnh nhân chập chờn hiện lên, tôi không thể chợp mắt được”. Gần 2 tuần nay chưa đêm nào Thanh Tâm có một giấc ngủ trọn vẹn. Riêng đêm nay, anh thức trắng hoàn toàn. 

Ban đầu, vị trí Thanh Tâm đăng ký là ở bệnh viện dã chiến, nhưng ở đó đã đủ người nên anh chuyển sang khu vực hỗ trợ tiêm vắc xin lưu động của thành phố Thủ Đức . 

{keywords}
Thanh tâm lấy thông tin cá nhân của người dân đến tiêm Vắc xin Covid-19.

Công việc của những tình nguyện viên như anh là điều phối trong quá trình tiêm vắc xin, đo huyết áp cho bệnh nhân, ghi chép các số liệu cụ thể, hướng dẫn bệnh nhân về phòng bệnh, dọn dẹp sắp xếp chỗ ở cho người bệnh, vận chuyển lương thực thiết yếu từ xe vào khu cách ly,...

Hơn một tháng nay anh rong ruổi khắp các địa điểm tiêm lưu động cùng những chiến hữu của mình. Công việc của nhóm Thanh Tâm phụ trách là hỗ trợ y bác sỹ lấy thông tin và điều phối người dân trong quá trình tiêm vắc xin.

Điểm tiêm chiều hôm đó là nhà văn hóa thiếu nhi Thủ Đức. Dưới cái cái nóng 36-37 độ trong bộ đồ bảo hộ y tế kín mít, mồ hôi ròng ròng như tắm, Nguyễn Thanh Tâm vẫn hoạt động như một con thoi.

Mắt không ngừng quan sát và nhắc nhở mọi người tuân thủ quy định giãn cách, nhiệm vụ của anh là đảm bảo số lượng người tiêm không bị ùn ứ bất cứ khâu nào. “Mấy hôm đầu về, cổ họng khô rát, đau, không phát nổi ra tiếng vì hô hào cả ngày và nói quá nhiều”.

{keywords}
Thanh Tâm (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn tình nguyện viên sau giờ tình nguyện.

Hơn một tháng tình nguyện, tiếp xúc với y bác sỹ cùng quá trình làm việc đã giúp chàng trai miền sông nước nắm được những thông số và kỹ năng y tế cơ bản. “Ban đầu chưa biết và cũng bỡ ngỡ nhưng làm nhiều nên quen, tôi đã học được cách sơ cứu khi bị thương, các chỉ số khỏe mạnh của một người bình thường và nhiều điều thú vị khác của y học”.

Hoàn thành điểm tiêm ở trung tâm thiếu nhi Thủ Đức, đoàn xe lưu động chuyển sang điểm tiêm trung tâm thương mại Gigamall. Mỗi ngày, bình quân anh phải tiếp xúc với trên dưới 1000 người, nguy cơ tiếp xúc với F0 rất cao. Khi được hỏi có sợ không, người con miền Tây quả quyết: “Khi lựa chọn việc này, tôi đã chấp nhận mọi khó khăn, nguy hiểm rồi, chỉ có tỉnh hay ngất, không có vui hay buồn, càng tiếp cận tiêm cho càng nhiều người càng tốt”.

Những lần chứng kiến cơn đau đớn của bệnh nhân nhiễm Covid-19, Tâm cảm thấy ngộp thở và lặng người đi. Những ca trở nặng được đưa vào bệnh viện dã chiến. Họ không dùng mũi mà phải thở bằng miệng, mỗi lần “lỡ” hít thở bằng mũi thì cơn đau phổi ập đến khiến bệnh nhân quằn quại, thống khổ vô cùng. “Có bệnh nhân đã xin bác sĩ cho họ “được giải thoát” vì không chịu đựng được”.

“Nếu chỉ một lần nhìn thấy nỗi thống khổ của họ, bạn sẽ hiểu tại sao chúng tôi phải cố gắng chiến đấu từng ngày”. Trên gương mặt đầy những vết hằn sâu do thiết bị bảo hộ y tế để lại, ánh mắt người con miền Tây vẫn sáng ngời.

Trước đó, Tâm đã về nhà tránh dịch nhưng khi thấy tình hình dịch bệnh ở TP.HCM phức tạp, Tâm đã trở lại với suy nghĩ “nếu ai cũng sợ và lùi lại phía sau, thì ai sẽ tiến lên chống dịch”. Đến tận hôm nay, chàng trai 20 tuổi vẫn chưa dám báo tin cho mẹ vì sợ nơi quê nhà mẹ mình sẽ lo lắng. 

{keywords}
Sau những giờ tình nguyện vất vả, Thanh Tâm và người bạn của mình cùng trò chuyện, san sẻ áp lực vất vả và nỗi nhớ gia đình.

Số lượng bệnh nhân ngày càng đông trong khi sức người có hạn khiến gánh nặng trong khu cách ly tăng thêm bộn phần. Mặc dù hoạt động theo nhóm và đã có sự sắp xếp, luân phiên nghỉ ngơi, nhưng kiệt sức trong quá trình tình nguyện là điều không thể tránh khỏi, thậm chí đã trở thành cảnh tượng quen thuộc.

“Không ai bắt chúng tôi làm nhiều đến vậy, nhưng khi nghĩ rằng chỉ cần chúng tôi cố gắng thêm một chút, sẽ có thêm những người bệnh được cứu chữa thì ai cũng cố gắng bằng tất cả sức lực mà mình có”.

Mới hôm qua, đang thực hiện nhiệm vụ, một bạn tình nguyện viên nữ ngất đi. Không có sự hốt hoảng hay sợ hãi, Tâm và mọi người bình tĩnh đưa người đồng đội của mình vào cáng nằm nghỉ ngơi và chăm sóc. Dưới cái nóng cùng bộ đồ bảo hộ y tế kín mít, giọng nói chàng trai trẻ ấy vẫn không giảm đi phần hào sảng và quả quyết: “chúng tôi ngất nhưng đổi lại nhiều người được sống, đáng đánh đổi lắm chứ”.

Đã 4h40 phút sáng, một đêm không ngủ, nhưng chàng thanh niên 20 tuổi vẫn giữ cho mình thói quen tập môn Muay Thái và thể hình. “Đó là cách tôi duy trì năng lượng để tiếp tục chiến đấu”.

Một trong những điều khiến Tâm cảm thấy hạnh phúc khi tham gia chiến dịch này là anh chàng đã làm quen được với một nữ sinh trường Y ở Đà Nẵng. “Những thời khắc khó khăn và mệt mỏi nhất trong khu cách ly, chúng tôi đã cùng nhau chiến đấu, sát cánh vượt qua, thấu hiểu và san sẻ những áp lực cho nhau, điều đó làm tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc và may mắn”.

Anh và nữ bác sỹ tương lai đã có với nhau một lời hẹn “đến khi dịch bệnh qua đi, cả hai sẽ gặp nhau và cùng đi du lịch tại Đà Nẵng”.

Phan Nga

Cô gái lai Việt - Thái kể chuyện chống dịch: Bị dân mắng, được dân thương

Cô gái lai Việt - Thái kể chuyện chống dịch: Bị dân mắng, được dân thương

Bật khóc khi bị người dân mắng mỏ, rưng rưng xúc động khi được người dân dúi vào tay lốc sữa... - những trải nghiệm vui buồn đã giúp cô gái 19 tuổi trưởng thành và trân quý cuộc sống hơn.