Kim Joon-hyup lần đầu tiên đi hẹn hò trong suốt 3 năm. Nhưng chàng trai 24 tuổi này không đi tìm bạn gái, mà anh đang thực tập cho một khoá học ở trường đại học.

Từ kỹ năng chọn đối tác phù hợp cho tới ứng phó trong trường hợp chia tay, khoá học “Giới tính và Văn hoá” của ĐH Sejong, Seoul đã dạy cho sinh viên nhiều khía cạnh khác nhau của việc hẹn hò, tình yêu và tình dục.

Lớp học đặc biệt này nổi tiếng với bài tập hẹn hò, trong đó sinh viên được ghép đôi ngẫu nhiên để tham gia cuộc hẹn hò kéo dài 4 giờ.

{keywords}
Kim Joon-hyup hẹn hò một học viên theo yêu cầu của khoá học.

“Có một số lượng khá lớn sinh viên tham gia nhiệm vụ hẹn hò. Trong đó có những người chưa từng hẹn hò trước đây, cũng có người muốn coi như đây là một cơ hội để hẹn hò”.

Năm 2018, theo Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, phần lớn người Hàn Quốc từ 20 tới 44 tuổi vẫn còn độc thân. Chỉ có 26% đàn ông chưa kết hôn và 32% phụ nữ chưa kết hôn trong nhóm tuổi này là đang có quan hệ yêu đương.

Trong số những người không có mối quan hệ tình cảm nào, có 51% đàn ông và 64% phụ nữ cho biết họ chọn sống độc thân.

Ngày càng nhiều người Hàn Quốc né tránh yêu đương trong bối cảnh kinh tế khó khăn cộng với các vấn đề xã hội nảy sinh.

Tỷ lệ thất nghiệp chung của nước này năm ngoái đã tăng lên mức cao nhất trong 17 năm - ở mức 3,8%. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên từ 15 đến 29 tuổi cao hơn nhiều - 10,8%. Trong một cuộc khảo sát vào năm 2019 của công ty tuyển dụng JobKorea, chỉ có 10% sinh viên tốt nghiệp năm 2019 tìm được việc làm toàn thời gian.

Bên cạnh khó khăn tìm việc, nhiều thanh niên Hàn Quốc cũng cho biết họ thiếu thời gian, tiền bạc hoặc cảm xúc để hẹn hò.

“Tôi không có nhiều thời gian. Ngay cả khi gặp ai đó, tôi cũng cảm thấy tiếc vì không có thời gian đầu tư vào người đó” - Kim chia sẻ.

Lee Young-seob, 26 tuổi thì lo ngại rằng việc hẹn hò sẽ khiến anh mất tập trung trong quá trình tìm việc. “Sự nghiệp là điều quan trọng nhất với tôi. Nếu tôi hẹn hò với ai đó khi đang tìm việc, tôi lo rằng sẽ không thể cam kết với mối quan hệ” - anh nói.

Hẹn hò cũng khiến người ta tốn kém hơn. Công ty mai mối Duo ước tính chi phí trung bình cho mỗi cuộc hẹn hò là 63.495 won (gần 1,3 triệu đồng). Trong khi lương tối thiểu là 8.350 won/ giờ (167 nghìn đồng), nghĩa là phải làm 7,6 giờ để trả cho một cuộc hẹn hò.

Trong một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Embrain, 81% người được hỏi cho biết chi phí hẹn hò là nguyên nhân gây căng thẳng trong các mối quan hệ. Một nửa số người được hỏi nói rằng, ngay cả khi gặp được người họ thích, họ cũng sẽ không bắt đầu hẹn hò nếu tình hình tài chính của họ không tốt.

“Việc làm rất khó kiếm nên không có tiền tiêu vặt” - Kim, người đang làm bán thời gian ở một chuồng ngựa cho biết.

Giáo sư Bae của ĐH Sejong cho biết đây là một nhận thức mà cô hi vọng sẽ thay đổi được thông qua các bài thực hành hẹn hò của khoá học, trong đó sinh viên bị giới hạn chỉ tiêu dưới 10.000 won (200 nghìn đồng) cho mỗi cuộc hẹn.

“Nhiều sinh viên nghĩ rằng phải có tiền mới hẹn hò được. Nhưng khi thực hiện nhiệm vụ, họ nhận ra rằng nếu suy nghĩ sáng tạo, sẽ có nhiều cách để vẫn vui mà không cần tiêu quá nhiều tiền”.

{keywords}
Khoá học của giáo sư Bae dạy cả cách hẹn hò, cách chia tay và kiến thức về tình dục. 

Tuy nhiên, tiền bạc và sự nghiệp cũng chưa phải nỗi lo duy nhất khiến người trẻ Hàn Quốc cự tuyệt với tình yêu. Họ còn e ngại các vấn đề xã hội như bạo lực tình dục, phân biệt giới tính.

Có 32.000 vụ bạo lực tình dục được báo cáo với cảnh sát vào năm 2017, so với 16.000 vụ vào năm 2008, số liệu của Cơ quan Cảnh sát quốc gia cho hay.

Nữ sinh viên 21 tuổi Lee Ji-su cho biết cô không muốn hẹn hò sau khi chứng kiến một người bạn của mình bị bạn trai hành hung vì nói lời chia tay anh ta.

“Sau khi chứng kiến bạn mình phải trải qua những lần bạo hành như vậy, tôi nhận ra rằng mình phải cẩn thận hơn trong việc lựa chọn bạn đời. Tôi tự hỏi liệu tình yêu có quan trọng với cuộc đời mình đến thế hay không”.

Một vấn đề khác nữa của người trẻ Hàn Quốc là thiếu kiến thức giáo dục giới tính. Họ học về tình dục từ phim khiêu dâm nhiều hơn là giáo dục giới tính nghiêm túc.

Một quan chức của Bộ Giáo dục nước này cho biết, các trường học cung cấp ít nhất 15 giờ giáo dục giới tính mỗi năm bắt đầu từ khi trẻ 6 tuổi.

Nhưng nhiều người cho rằng như thế vẫn chưa đủ. Trong một cuộc khảo sát năm 2019 bởi Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc, 67% người được hỏi nói rằng giáo dục giới tính ở trường học không giúp ích được gì.

“Nhiều người bạn của tôi học về tình dục từ phim khiêu dâm. Họ xem và nghĩ rằng đó là cách họ nên làm. Và khi có trải nghiệm tình dục đầu tiên, họ sẽ phạm sai lầm. Bởi vì phim khiêu dâm thường mang tính bạo lực và coi phụ nữ là công cụ” – Kim chia sẻ.

Để thay đổi nhận thức sai lầm này, khoá học của giáo sư Bae cung cấp cả kiến thức về tình dục.

“Mục tiêu của khoá học là hiểu được sự khác biệt giữa mọi người, đặc biệt là giữa nam và nữ, và cách xây dựng một mối quan hệ tốt, trở thành những đối tác tốt bằng cách tôn trọng đối phương”.

Giáo sư Bae cho rằng, hiểu nhau chính là yếu tố quan trọng để làm việc cùng nhau và cùng tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Đồng tình với quan điểm đó, Kim nói: “Khi tham gia khoá học, tôi có thể suy nghĩ từ quan điểm của phụ nữ và có được sự hiểu biết khách quan về giới tính kia”.

“Khoá học khiến tôi muốn hẹn hò trở lại”.

Đăng Dương (Theo CNN)

Phụ nữ Hàn Quốc không dám đi vệ sinh trong chính nhà mình

Phụ nữ Hàn Quốc không dám đi vệ sinh trong chính nhà mình

Do tình trạng quay lén diễn ra phổ biến, phụ nữ và trẻ em gái xứ kim chi không dám sử dụng nhà vệ sinh công cộng, thậm chí cảm thấy bất an khi ở chính nhà mình.