Bàn về các quy tắc giao tiếp, lễ nghi trong gia đình xưa, nhà báo Nguyễn Lưu (78 tuổi) kể rằng: “Nếu khách của bố tôi đến nhà chơi, dù là bạn bè đồng lứa hay đàn em, cấp dưới của bố, chúng tôi cũng không được phép ngồi. Bây giờ các mối quan hệ trong xã hội đã thay đổi, vị trí của mỗi người trong mối quan hệ có sự bình đẳng hơn nên việc người lớn người nhỏ ngồi ngang hàng với nhau là bình thường”.

Tuy nhiên, theo ông Lưu, câu chuyện này là để cho thấy các cụ xưa rất chú ý tới cách cư xử và có sự phân biệt rạch ròi trên dưới.

Hay trong một tình huống khác, ông đã bị bố mắng vì dùng ngôn từ không chính xác. “Một lần, tôi trổ tài bày biện đồ ăn sáng cho mọi người và ‘lanh chanh’ khoe: ‘Bố xem con bày có ác không?’.

Nghe xong, ông cụ nhăn mặt, ‘chỉnh ngay’. Cụ bảo ‘ác’ chỉ dùng trong nghĩa ‘độc ác’, chứ không được dùng bừa bãi như thế”.

Còn bây giờ, việc sử dụng ngôn ngữ Tây hoá, lai tạp, tự chế, viết tắt tràn lan theo quy tắc chính tả riêng của giới trẻ là chuyện quá phổ biến. Thậm chí, nhiều người lớn tuổi nghe hay đọc những thứ người trẻ viết trên mạng đã không thể hiểu nổi.

“Đắng lòng, cạn lời, ngất trên cành quất, chán như con gián…, viết tắt tràn lan, vô lối là cách sử dụng tiếng Việt thiếu trong sáng của người trẻ bây giờ”.

{keywords}
Những lối ứng xử, giao tiếp vốn là quy tắc ngày xưa bây giờ đã thay đổi để phù hợp với thời đại. Ảnh minh hoạ 

Ông Lưu cho rằng, nhìn vào cách ăn nói, sử dụng ngôn từ của một người ở nơi công cộng thì sẽ biết được trình độ văn hoá, nền tảng giáo dục của người đó. Cách người trẻ giao tiếp hiện nay bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: văn hoá phương Tây, sự phát triển của công nghệ, sự thay đổi tính chất các mối quan hệ… Những thay đổi này có cả mặt tích cực và tiêu cực. 

Tuy nhiên, ông cho rằng, có một yếu tố vô cùng quan trọng mang tính quyết định đến văn hoá giao tiếp, ứng xử của bất cứ một con người nào, đó là giáo dục trong nhà trường và giáo dục gia đình.

Bây giờ, dường như thầy toán chỉ dạy toán, thầy văn chỉ dạy văn. “Thời của chúng tôi, hầu hết thầy nào cũng vừa dạy kiến thức vừa lồng những bài học về cách ứng xử trong tiết học của mình.

Ngày tôi còn học ở Trung Quốc, thầy thường xuyên nhắc nhở học trò giữ tư cách. Đạt điểm tốt thầy cũng nhắc về khoe bố mẹ. Bị điểm kém thầy cũng nhắc phải về báo với bố mẹ ngay…”.

Nhà báo Nguyễn Lưu vẫn còn nhớ một câu chuyện hồi ông học cấp 3, khi đang theo học trường Việt Đức (Hà Nội). “Hôm đó, thầy tôi lên lớp kể chuyện thầy đi ăn phở có gặp một đôi trẻ ngồi cùng quán. Cặp đôi kia gọi loại phở ngon, đắt tiền hơn nhưng vừa ngồi ăn vừa nói xấu người khác. Thầy hỏi chúng tôi có chuyện như thế, các em thấy thế nào, rồi thầy khuyên răn chúng tôi đừng làm như thế. Các thầy cô của chúng tôi ngày xưa đã răn dạy học trò từ những câu chuyện nhỏ như vậy”.

Còn gia đình hiện đại bây giờ, theo ông, có một bộ phận chưa kịp dạy dỗ con cái tới nơi tới chốn nhưng đã chiều chuộng con quá mức. “Mua điện thoại, xe xịn cho con nhưng quên dạy con đạo đức, cách ứng xử, tuân thủ luật pháp. Khi một đứa trẻ gây chuyện là bố mẹ lại nói ‘ở nhà cháu ngoan lắm’. Đến nỗi, câu ấy trở thành một câu nói vui trên mạng”.

“Tôi cũng thấy ái ngại nếu lớp già cứ áp đặt người trẻ phải suy nghĩ như mình. Điều đó không phù hợp với lịch sử. Nhưng tôi cũng không đồng tình việc các bạn trẻ ăn nói bỗ bã quá trong các giao tiếp mà quên đi văn hoá của mình. Chúng ta nên cân nhắc, hài hoà giữa 2 yếu tố truyền thống và hiện đại sao cho vừa phù hợp với nhu cầu thời đại vừa giữ gìn được lối giao tiếp đẹp, văn minh”.

Nguyễn Thảo

Văn hoá ứng xử tệ hại sẽ không có xã hội văn minh

Văn hoá ứng xử tệ hại sẽ không có xã hội văn minh

Không một xã hội nào có phép ứng xử tệ hại mà văn minh được. Văn minh chỉ xuất phát từ những điều tốt đẹp.