Sau nhiều năm là người trụ cột, gồng gánh kinh tế gia đình, chị Quý (47 tuổi, quê Hà Nam) thấy mình kiệt sức.
Tháng 6/2019, chị Quý vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín, Hà Nội) để khám vì càng ngày chị càng không thể ngủ, đầu óc luôn nghĩ đến cái chết và nỗi sợ hãi vô hình cũng ngày một tăng lên.
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. |
Tâm sự trong phòng bác sĩ, chị Quý nhận mình là người khổ nhất nhì tỉnh Hà Nam.
'Tôi có một người chồng sức khỏe yếu lại hay rượu chè, cờ bạc. 23 năm kể từ khi kết hôn, ngoài việc lấy tiền đi đánh bạc, anh ấy chỉ biết uống rượu rồi lè nhè chửi bới, đánh đập vợ con. Ruộng nương đồng áng, hay việc nuôi dạy con cái, anh ấy không quan tâm', chị Quý nói, nước mắt đã chực trào ra.
Để có tiền nuôi 3 đứa con (1 trai, 2 gái) ăn học, chị Quý 'đầu tắt mặt tối' ngoài đồng ruộng. Lúc nông nhàn, chị đi phụ hồ, nuôi lợn, trồng rau kiếm thu nhập.
Con gái lớn đậu cao đẳng, chị Quý làm đơn vay ngân hàng diện hộ nghèo để trang trải nợ nần của chồng và đóng học phí cho con.
Cũng từ đó, chị Quý phải làm việc nhiều hơn, ăn uống tằn tiện hơn. Nhưng nỗi khổ vật chất ấy chưa thấm thía gì khi chị biết con trai đang học lớp 11 nghiện game, ăn cắp tiền và bị nhà trường nhắc nhở, tái phạm sẽ đuổi học.
Mỗi ngày, ngoài việc đi làm quần quật, chị Quý phải tất tả đi tìm con ở các quán game. Đứa con trai đã lớn nhưng chưa hiểu chuyện, thấy mẹ đi tìm là vùng vằng cãi lại khiến người mẹ thêm nặng lòng.
Con gái lớn của chị Quý học xong cao đẳng. Cứ ngỡ sẽ đi làm, kiếm tiền phụ mẹ lo cho các em nhưng tốt nghiệp được 3 tháng, cô bé về ôm mẹ với bụng bầu 4 tháng.
Chị Quý lại phải sấp ngửa tìm gặp nhà trai nói chuyện cưới xin rồi vay mượn tiền bạc tổ chức cho con.
'Con cưới xong chưa được bao lâu đã mâu thuẫn, vợ chồng nhiều lần cãi lộn, gây gổ với nhau. Đến mức, sau khi sinh xong, cháu không chịu được áp lực, bị trầm cảm, phải vào viện tâm thần điều trị', chị Quý chia sẻ, nước mắt đã lăn dài.
Thương con, chị Quý bỏ hết công việc, vào viện chăm sóc con. Nhưng vào viện, ngày nào chồng và con trai chị cũng gọi điện giục giã, đòi đưa tiền.
Ngày con gái ra viện cũng là ngày đám người xăm trổ đến tận nhà chị Quý đập phá, đòi 100 triệu tiền gốc và tiền lãi mà chồng chị đã vay 2 năm nay.
'Họ nói, sau 1 tuần không trả sẽ xử theo luật giang hồ. Vì vậy, tôi buộc phải nhờ người họ hàng bảo lãnh, tìm đến nhóm người cho vay lãi ngày’. Số tiền vay nóng là 200 triệu để trả nợ cho chồng.
Cũng từ đây, lãi mẹ đẻ lãi con. Tiền làm thuê, chăn nuôi, cấy hái không đủ để trả lãi, chưa nói gì đến gốc. Chị Quý rơi vào tình trạng căng thẳng tột độ.
‘Tôi thậm chí không dám ngủ vì chỉ sợ nhắm mắt vào là sẽ sang ngày mới. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải nhận thêm một khoản tiền nợ’, chị Quý nói.
Dần dần, chị Quý rơi vào tình trạng thiếu ngủ nhưng không thể ngủ. Đôi mắt trũng sâu, cơ thể héo mòn theo ngày.
‘Mẹ chồng tôi đã già, năm nay ngoài 80, thấy tôi nợ nần, bà không bao giờ động viên mà thường nhiếc móc tôi khiến tôi càng thêm chán nản. Nhiều lần, tôi muốn tìm đến cái chết’, người đàn bà khốn khổ nói trong nước mắt.
Theo BS, bệnh trầm cảm hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. |
Ths, bác sĩ Nguyễn Thị Vân, Trưởng khoa Bán cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, tại bệnh viện, trường hợp bị trầm cảm như chị Quý không hiếm.
‘Có người bị áp lực về kinh tế, có người bị áp lực về gia đình nên trầm cảm. Lại có người đi chăm bệnh nhân tâm thần 1 thời gian cũng bị trầm cảm theo.
Đây là căn bệnh nguy hiểm. Nó tiến triển âm thầm và có thể gây ra nhiều chuyện đáng tiếc cho bản thân bệnh nhân và gia đình bệnh nhân’, BS Vân nói.
Theo lời bác sĩ Vân, trong nhiều năm công tác tại bệnh viện tâm thần, chị từng biết có nhiều người bị trầm cảm lặng lẽ tìm đến cái cái chết.
‘Những người bị bệnh này thường có tâm lý rất nhạy cảm. Họ dễ khóc, dễ xúc động và dễ suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy, người nhà bệnh nhân phải có những ứng xử khéo léo, luôn động viên khích lệ tinh thần để người bệnh lạc quan hơn.
Quan trọng hơn, khi phát hiện người nhà có những biểu hiện của bệnh trầm cảm như: mất ngủ kéo dài, hay lo âu và suy nghĩ tiêu cực, nói lảm nhảm hoặc bỗng nhiên ít nói ... thì nên đưa đến bệnh viện khám sớm’, BS Vân nói.
Nữ bác sĩ cho biết, bệnh trầm cảm hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân tuân thủ đúng phác đồ điều trị kết hợp với sự động viên, sát cánh của gia đình.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Tiến sĩ học ở Mỹ liên tục đập bàn thờ, lao đầu vào ô tô vì lý do đáng sợ
Mắc bệnh trầm cảm, trong đầu xuất hiện tiếng nói lạ, liên tục xui Hoa lao đầu vào ô tô tự tử, đập vỡ ban thờ tổ tiên.
Minh Huy