Tôi năm nay 40 tuổi, quê miền Trung, cưới vợ được hơn 9 năm. Hiện vợ chồng tôi có ba con, hai gái một trai. Gia đình tôi không khá giả, nhưng cũng không phải sống cảnh ăn bữa nay lo bữa mai.

Mấy hôm nay, đọc tâm sự của các độc giả bàn về vấn đề tổ chức đám tang, bốc mộ cho người mất, tôi thấy nhiều người ủng hộ ý kiến nên đưa người mất đi hỏa táng để chôn cất cho đỡ tốn đất và không ô nhiễm môi trường. Thậm chí có người còn nói nên rải tro xuống biển. Tôi thì nghĩ, xưa cha ông mình làm như thế nào thì nay cứ theo như vậy.  

Hiện, tôi đang có kế hoạch xây 2 lăng mộ. Một khu cho bố mẹ, anh em tôi, các con cháu sau này. Một khu cho ông bà, các cô chú, anh chị. Chi phí dự kiến khoảng 400 triệu đồng.

Bố mẹ tôi mất khi tôi 30 tuổi, em gái 25 tuổi. Ông bà nội, các cô dì, chú bác mất vì chiến tranh cũng đã lâu. Mỗi lần ra thắp hương cho bố mẹ, nhìn những ngôi mộ khác được xây bằng bê tông, gạch đá, trang trí đẹp, còn mộ của bố mẹ đắp đất, lâu ngày mưa gió cứ san bằng dần, tôi rất buồn.

Tôi đã có ý định cải táng và xây mộ cho bố mẹ khá lâu nhưng chưa thực hiện được, một phần vì lý do kinh tế, phần khác là chưa có thời điểm thích hợp.

Hiện các con tôi đã lớn, tổng thu nhập của hai vợ chồng ở quê cũng gần 30 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí ăn uống, học hành cho con, chúng tôi cũng dư được khoảng 8 triệu đồng.

Ba năm trước, chúng tôi xây nhà nên vay ngân hàng 300 triệu. Hiện, chúng tôi đã trả xong nợ.

Năm nay, tôi đi xem, thầy nói tôi được tuổi, có thể cải táng, xây mộ cho bố mẹ. Tuy nhiên, vì mới trả nợ xong nên chúng tôi không có tiền dư. Tôi bàn với vợ sẽ vay ngân hàng 400 triệu đồng để xây ‘chỗ ở’ đàng hoàng cho bố mẹ, vậy mà cô ấy phàn nàn đủ điều.

Cô ấy nói, kinh tế hai vợ chồng còn khó khăn, các con lớn nên cần nhiều chi phí để học thêm, mua sắm, ăn uống. Theo cô ấy, việc xây lăng cho bố mẹ chỉ nên thể hiện ở lòng thành.

Có nghĩa, chúng tôi chỉ nên xây mộ trong vòng 100 triệu đổ lại. Cô ấy nói, quê tôi sau này sẽ phát triển, dân cư càng ngày càng đông, tương lai sẽ không còn quỹ đất ở nên sẽ phải di dời, giải tỏa nghĩa trang để lấy quỹ đất. Những ‘căn nhà’ của người mất xây hoàng tráng bao nhiêu cũng phải đập bỏ đi.

Vợ còn nói tôi lãng phí, kinh tế gia đình còn nghèo mà thích thể hiện. Theo cô ấy, với những người đã khuất chỉ cần mình có tâm là được, nếu mình dâng mâm cao cỗ đầy mà tâm không tịnh cũng không được.

Tôi thấy vợ như vậy là rất vô lý và chi li, tính toán với nhà chồng. Người ta nói có thờ có thiêng, có kiêng có lành, mình có thể hiện lòng thành kính thì ông bà tổ tiên mới phù hộ cho mà làm ăn.

Tôi thấy ở quê, những người xây lăng mộ cho ông bà tổ tiên, bố mẹ to thì đều giàu, làm ăn khấm khá. Vả lại, trước đây bố mẹ tôi nghèo, sống vất vả, giờ hãy để bố mẹ được ở trong 'căn nhà' đẹp hơn một chút.

Việc tôi xây khu mộ lớn, trang trí đẹp cũng là tính chuyện sau này, khi hai vợ chồng mất các con sẽ bớt đi rất nhiều chi phí khi lo đám tang cho bố mẹ. Số tiền 400 triệu vay ngân hàng mình chỉ cần chăm chỉ làm việc, cộng với việc được bố mẹ, ông bà phù hộ thì chỉ mấy năm là trả xong thôi. Vậy mà vợ tôi một mực phản đối. Tôi cảm thấy rất buồn phiền. 

Tôi làm như vậy là đúng hay sai? Mong mọi người cho tôi lời khuyên. 

Bạn nghĩ gì về quan điểm này? Hãy gửi ý kiến của mình bằng cách viết bình luận bên dưới bài hoặc gửi về địa chỉ mail: Bandoisong@vietnamnet.vn. Những ý kiến hay sẽ được biên tập và đăng tải trên báo VietNamNet. Trân trọng cảm ơn!
Ám ảnh của dâu phố về chịu tang mẹ chồng ở quê

Ám ảnh của dâu phố về chịu tang mẹ chồng ở quê

 Nhiều năm trôi qua, nghĩ đến lần về quê chịu tang mẹ chồng, tôi vẫn ám ảnh vì những hủ tục nặng nề đến bây giờ. 

Độc giả: M.Linh