Trong 8 năm làm hướng dẫn viên du lịch, chưa khi nào anh Huỳnh Quang Khải (Hiệp Thành, Quận 12, TPHCM)  lại có “kì nghỉ” dài hơi như lần này.Từ đầu năm 2020 đến nay, thay vì rong ruổi khắp các tỉnh thành hay đưa khách khám phá Lào, Campuchia, Thái Lan… anh Khải lại “thất nghiệp” ở nhà.

Thời gian đầu, anh phụ vợ vận chuyển hàng, bán đồ online và duy trì lớp học tình thương. “Dịch Covid-19 khiến mình không còn công việc, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập và tâm lý.

Từ người nay đây mai đó, giờ chỉ ở nhà, mình cảm thấy cuồng chân cuồng tay lắm”, anh Khải chia sẻ. “Các học trò chính là niềm vui, động lực của mình trong thời điểm đó”, anh nói thêm.

{keywords}

Từ đầu năm 2020 tới nay, anh Khải phải tạm dừng công việc hướng dẫn viên du lịch

Hơn 10 năm mở lớp học tình thương

Từ nhiều năm qua, anh Khải đã tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Lớp học tình thương vỏn vẹn 20m2 của anh trở thành ngôi nhà thứ 2 của những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận 12, TPHCM. Trong đó, có những em mắc bệnh bẩm sinh, chậm phát triển nên vợ chồng anh Khải phải kèm cặp riêng.

“Trước đây, mình dạy các con trong tuần, còn cuối tuần mình đi dẫn tour, vợ mình đứng lớp giúp. Thường thì mùa hè là thời gian cao điểm của du lịch, nhiều tour nhất trong năm. Thời gian này, mình cho các con nghỉ hè khoảng 2 tháng”, anh Khải cho biết. 

Anh Khải mở lớp học tình thương từ khi mới 18 tuổi. “Hơn 10 năm qua mình cứ vừa duy trì lớp học, vừa sắp xếp thời gian làm việc như vậy. Có lúc khó khăn quá, hai vợ chồng đã giấu gia đình, bán đi số vàng mà người thân tặng trong đám cưới để duy trì lớp học”, anh chia sẻ.

{keywords}

Lớp học tình thương của anh Khải được duy trì hơn 10 năm qua

Từ 29/5 tới nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lớp học phải dừng hoạt động. Hàng ngày, cuộc sống của gia đình nhiều học sinh vốn đã khó khăn thì trong lúc dịch bệnh lại càng vất vả. Vì vậy, anh tìm đủ mọi cách hỗ trợ.

Cứ 2 tuần một lần, anh Khải mang gạo tới tặng gia đình các học trò. Chứng kiến sự khó khăn của học trò và nhiều hoàn cảnh đáng thương khác, khoảng 3 tháng nay, anh Khải và gia đình bắt đầu nấu những suất cơm nghĩa tình.

Bếp ăn 0 đồng mỗi ngày “nổ đơn” 1.100 suất

Từ tháng 6/2021 - khi thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 tới nay, cứ 4 giờ sáng, khi trời còn nhá nhem, cả gia đình anh Khải đã thức giấc, tất bật chuẩn bị những suất ăn thiện nguyện. Mỗi người một việc, người nhặt rau, thái hành, tỏi, người băm thịt, làm cá, người vo gạo nấu cơm. Anh Khải gọi đây là “bếp ăn 0 đồng”.

Ngày đầu, gia đình làm 100 phần cơm, phát trước cửa nhà. Sau đó, gia đình tăng lên 150 suất, 250 suất.

Khi thấy nhiều khu vực bị phong tỏa và cách ly, người nghèo, công nhân không thể đi làm, cũng không thể đến nhận cơm, anh Khải nhờ sự trợ giúp của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường và UBND phường Hiệp Thành để có thể tặng cơm tới các khu vực cách ly. Thời điểm này, mỗi ngày, gia đình anh chuẩn bị 650 - 700 suất ăn.

{keywords}

Thời gian đầu, anh Khải phát cơm trước cửa nhà cho những người dân khó khăn

Tới những ngày cuối tháng 8, mỗi ngày, căn bếp 0 đồng nấu tới 1.100 suất. Theo chia sẻ của anh Khải, gia đình anh thổi 90 kg gạo, khoảng 10 kg thịt gà/heo/cá, vài chục kg rau củ… mỗi ngày.

“Thời điểm này, bếp mình dành từ 700 - 800 suất tặng các y bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội, lực lượng chức năng đang làm công tác chống dịch tại các chốt chặn ở quận 12 và những quận lân cận. Số còn lại là phần cơm gửi tới các gia đình khó khăn tại các khu cách ly, phong tỏa”, anh Khải cho biết.

Mọi việc vận chuyển từ lấy thực phẩm tới đem tặng suất ăn đều do anh Khải tự thực hiện. “Các thành viên trong gia đình và một vài hàng xóm, bà con trong khu sẽ lo chuẩn bị đồ ăn, nấu cơm, chế biến. Mình sẽ lo khâu vận chuyển. Cứ 7 - 10 ngày, mình lại thực hiện xét nghiệm Covid-19”, anh Khải cho biết.

{keywords}

Anh Khải tự vận chuyển thực phẩm, suất ăn tới các chốt, khu phong tỏa

Sau khi chở cơm đi tặng mọi người, anh Khải lại cùng gia đình tất bật chuẩn bị thực phẩm cho ngày hôm sau. Có những ngày nấu cá và gà kho… tới 20h-21h mới xong việc. Mặc dù mệt nhưng 4h sáng ngày hôm sau, mọi người lại có mặt để tiếp tục công việc.

{keywords}

Bếp ăn 0 đồng "đỏ lửa" suốt 3 tháng qua nhờ sự chung tay hỗ trợ của nhiều mạnh thường quân

Bên cạnh duy trì bếp ăn 0 đồng, hàng tuần anh Khải cũng mang gạo tặng người dân khó khăn. Đầu tháng 8, anh từng mở “chợ 0 đồng di động”, mang nông sản tới “bán” cho người nghèo khắp thành phố với giá “0 đồng”.

Sau khoảng 3 tuần hoạt động, anh đã "bán" hơn 10 tấn rau, củ, hơn 20 tấn gạo và "thu lời" là hàng trăm lời cảm ơn.

Khi thành phố thực hiện siết chặt giãn cách xã hội, khu chợ 0 đồng phải tạm ngưng hoạt động.

{keywords}

Để duy trì bếp ăn, thông qua mạng xã hội, người đàn ông này kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ gạo, thực phẩm, thịt cá, than… “Nếu không có các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ thì bếp ăn 0 đồng không thể duy trì. Mọi người gửi cho mình từ túi hành, ngò, gừng, xả… Quý lắm!”, anh Khải chia sẻ.

Mỗi ngày chuẩn bị hơn 1000 suất ăn mà nhân lực phục vụ căn bếp 0 đồng chỉ có khoảng chục thành viên. Mỗi người phải làm việc bằng 200 - 300% sức lực.

"Mình và mọi người không sợ vất vả, quá tải. Điều mình lo là  không có đủ lương thực, thực phẩm duy trì bếp ăn lâu dài. Nếu các mạnh thường quân hỗ trợ lương thực, thực phẩm thì vất vả thế nào, các thành viên của bếp cũng cố gắng hết sức!", anh Khải bộc bạch.

Anh Khải thầm mong, Sài Gòn sẽ sớm khỏe lại, cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Và anh, sẽ đón các học trò trở lại lớp, sẽ tiếp tục rong ruổi trên những hành trình đưa du khách khám phá địa điểm đẹp mọi miền tổ quốc.

Linh Trang (Ảnh: NVCC)