- "Chúng ta rất khó để bảo tồn nguyên vẹn không gian sinh hoạt của Ví, Giặm bởi thực tế, những không gian này hiện nay không còn nhưng chúng ta phải biết 'ứng vạn biến', đúc kết giá trị lịch sử, tạo cho dân ca mang hơi thở thời đại thì nó mới sống lâu bền được".


Dân ca Ví, Giặm của hai tỉnh Nghệ Tĩnh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong phiên họp ngày 27/11/2014 tại Paris, Pháp.

Điều này cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt này, đồng thời giúp cho cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập và tham gia trình diễn nhằm bảo tồn và phát huy một cách bền vững di sản dân ca Ví, Giặm.

{keywords}
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An nói rằng muốn bảo tồn thì phải tìm không gian mới cho Ví,  Dặm

Bên cạnh niềm vui vinh danh, công tác bảo tồn, phát huy và đưa loại hình dân ca này sống mãi theo thời gian là câu chuyện đáng bàn và phải có kế hoạch bài bản, dài hơi.

Phóng viên VietNamNet đã có buổi trò chuyện cùng bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An xung quanh câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm.

- Dân ca Ví, Giặm được UNESCO vinh danh quả là niềm tự hào đối với người dân xứ Nghệ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Vậy chúng ta cần phải làm gì để tiếp tục bảo tồn, phát huy hơn nữa giá trị của lối hát dân ca không nhạc đệm này?

Theo tôi, tuyên truyền rất quan trọng để chúng ta tiếp tục làm cho dân ca Ví, Giặm đi sâu vào quần chúng nhân dân và du khách.

Danh hiệu quả thật mang đến niềm tự hào nhưng nó cũng nhắc nhở trách nhiệm to lớn hơn của chúng ta đối với di sản này. Đặc biệt là chính quyền, nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh phải thực hiện nghiêm túc đầy đủ cam kết quốc tế về bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản.

Không phải là được vinh danh mà chúng tôi mới nghĩ tới bảo tồn mà dân ca Ví, Giặm đã và đang được bảo tồn hàng ngày, từ trước đó rất lâu. Nhiều người con Nghệ Tĩnh lâu nay vẫn được nghe dân ca Ví, Giặm ngay cả trong giấc ngủ.

Chúng tôi có các CLB dân ca ở các địa phương thu hút đông đảo người dân tham gia. Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng nghìn nghệ nhân còn lưu giữ nhiều là điệu dân ca Ví, Giặm. Họ còn đủ sức khỏe và tâm huyết để truyền bá sâu rộng cho các thế hệ sau. Tỉnh cũng nghiên cứu, ban hành các chính sách để hỗ trợ các CLB để họ sống được bằng chính đam mê của mình. Chúng tôi cũng đang lên phương án để đưa dân ca Ví, Giặm đến với du lịch.

- Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Vậy đã có sự kết hợp nào giữa 2 tỉnh này để làm tốt hơn nữa vấn đề bảo tồn, thưa bà?

Năm 2011, Hội Văn nghệ dân gian phối hợp với Sở VHTTDL 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca, hò, ví, giặm xứ Nghệ”.

Liên tục trong hai tháng 5 và 6/2012, tại các sân khấu trung tâm từ cấp xã, thị trấn, đến cấp huyện, thị xã, thành phố ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã diễn ra rất nhiều cuộc liên hoan thi hát dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ với các chủ đề “Ví, Giặm - lung linh hồn quê xứ Nghệ”.

Đặc biệt là Liên hoan Dân ca ví, dặm lần thứ nhất do UBND 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phối hợp tổ chức tại TP.Vinh từ ngày 25-27/6 vừa qua, đã cho thấy sự hồi sinh mạnh mẽ của các loại hình dân ca, Ví, Giặm trong tâm hồn và trong sinh hoạt thường nhật.

Chúng tôi cũng kết hợp để làm cuộc tổng kiểm kê ở 26 huyện, thành phố, thị xã thuộc 2 tỉnh Nghệ An- Hà Tĩnh. Chúng tôi đã lập hồ sơ đề nghị Hội văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 12 nghệ và đang tiếp tục đề nghị thêm 12 nghệ nhân nữa.

Ngày 31/ 12 tới đây, 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh sẽ trang trọng tổ chức Lễ vinh danh dân ca Ví, Giặm

- Có khó khăn gì trong công tác bảo tồn dân ca Ví, Giặm không thưa bà?

Dân ca Ví, Giặm xuất hiện trong lao động và sự tồn tại của loại hình nghệ thuật dân gian này cũng đồng hành cùng quá trình sáng lao động. Đó là không gian làng quê, bến nước, sân đình, không gian của các làng nghề thủ công…

Nhưng trong đời sống đương đại hiện nay, Ví Giặm cũng đang phải đối mặt với việc thay đổi không gian diễn xướng. Dân ca Ví, Giặm không chỉ đơn thuần ở cây tre, bến nước, sân đình, làng nghề mà nó đang mở rộng ra không gian sân khấu hiện đại. Thách thức lớn nhất là chúng ta phải làm sao hài hòa được giữa người hát xướng, chơi nhạc cụ cũng như sáng tác lời mới cho phù hợp.

Để di sản hòa nhập được với đời sống đương đại, để di sản được sống thì chúng ta phải ‘ứng vạn biến’ tạo cho dân ca mang hơi thở thời đại.

Ngày 31/12 tới đây, 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ tổ chức Lễ vinh danh và đón nhận Bằng UNESCO vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Buổi lễ sẽ được tổ chức trang trọng vào 19h30 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP. Vinh. Lễ vinh danh gồm 2 phần: phần lễ và chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Về miền ví dặm” sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 và VTV4.

  • Tình Lê